Chuyển đổi số trong giáo dục và y tế

08:54 - Thứ Năm, 30/09/2021 Lượt xem: 5638 In bài viết

ĐBP - Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về chuyển đổi số, thời gian qua một số sở, ngành, địa phương đã tiên phong trong chỉ đạo và tổ chức triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh lộ trình chuyển đổi số. Việc chuyển đổi số đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần thay đổi phương thức quản lý Nhà nước cũng như phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.

Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (TP. Điện Biên Phủ) áp dụng công nghệ vào giảng dạy. 

Giáo dục và Đào tạo là một trong những lĩnh vực ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Với quy mô 497 cơ sở giáo dục công lập, hơn 200.611 học sinh, học viên, sinh viên và 16.188 cán bộ, giáo viên (tính đến hết năm 2020), thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số. Mục tiêu ngành đề ra đến năm 2025 như sau: 100% cơ quan, đơn vị được kết nối internet cáp quang tốc độ cao; hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, được cung cấp đầy đủ trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 100% cán bộ, công chức, viên chức được cấp và sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ trong công việc; 20% trường phổ thông áp dụng thành công mô hình ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản... góp phần làm cơ sở thực hiện mục tiêu đổi mới phương thức dạy và học, quản lý giáo dục và quản trị nhà trường, góp phần tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục toàn tỉnh, hình thành nền tảng số cho xã hội học tập.

Ông Cù Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Thực hiện Kế hoạch 832/KH-UBND ngày 29/3/2021 của UBND tỉnh về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyên truyền, phổ biến tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên và người dân trên địa bàn. Sở thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị ngành để có giải pháp xử lý kịp thời. Gắn kết quả thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin với việc xét thi đua, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân. Cùng với đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển giao các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số...

Có thể thấy, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động giáo dục, nhưng đồng thời cũng tạo ra động lực thúc đẩy chuyển đổi số. Để đạt mục đích, yêu cầu chuyển đổi số, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã và đang tập trung khắc phục một số khó khăn như: Trang thiết bị chưa đồng bộ; việc thiếu giáo viên, nhân viên IT ở một số ít trường học... Qua đó, bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, hệ thống hạ tầng kĩ thuật cơ bản đáp ứng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học. Toàn ngành có hơn 3.300 máy tính sử dụng cho công tác văn phòng, hơn 7.800 máy tính phục vụ dạy và học, gần 3.500 phòng học có máy chiếu và nhiều thiết bị công nghệ khác; 100% trường học đã thực hiện kết nối internet băng thông rộng, kết nối mạng LAN... Trong công tác quản lý điều hành, 100% đơn vị trực thuộc được trang bị đủ thiết bị đầu cuối phục vụ họp trực tuyến; hệ thống email công vụ của ngành được triển khai toàn tỉnh từ năm 2009; hệ thống dịch vụ công được tích hợp trên trang thông tin điện tử của ngành với 24 dịch vụ công mức độ 3, 4, hệ thống tra cứu các thủ tục hành chính 76 thủ tục đã được công bố.

Cùng với ngành Giáo dục, ngành Y tế thực hiện Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn tới năm 2030, tập trung phát triển chính quyền số, xây dựng xã hội số, phát triển kinh tế. Trong đó, ưu tiên một số lĩnh vực chuyển đổi số như: lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh; chuyển đổi số trong bệnh viện... với mục tiêu góp phần xây dựng phát triển kinh tế chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh gắn liền với hệ thống y tế hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe.

Thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế đã có những chuyển biến rõ rệt và tích cực. Sở Y tế đang quản lý hồ sơ công việc, điều hành thông qua hệ thống phần mềm quản lý văn bản điện tử (TDOffice) trong nội bộ cơ quan và các đơn vị trực thuộc; 9/20 đơn vị trực thuộc triển khai hệ thống quản lý hồ sơ công việc trong chỉ đạo điều hành đến các khoa phòng, trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực; 80% đơn vị được trang bị hệ thống giao ban trực tuyến; 100% trung tâm chuyên khoa triển khai phần mềm ứng dụng chuyên khoa trong thực hiện chuyên môn. Đối với lĩnh vực dự phòng, 100% đơn vị tuyến tỉnh có hệ thống phần mềm chuyên ngành đặc thù; 100% đơn vị trong ngành sử dụng phần mềm kế toán MISA, phần mềm quản lý tài sản; 100% đơn vị trực thuộc tiếp nhận văn bản chỉ đạo điều hành từ Sở Y tế trên môi trường mạng. Đặc biệt, trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, 100% cơ sở khám chữa bệnh thực hiện khai thác ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn: Phần mềm quản lý khám chữa bệnh, quản lý tiêm chủng, kiểm tra chất lượng bệnh viện, báo cáo chuyển tuyến. Gần 30% cơ sở khám chữa bệnh có hệ thống Teleheath phục vụ công tác hội chẩn, đào tạo tập huấn trong hoạt động khám chữa bệnh từ xa; có 1 đơn vị triển khai các hệ thống phần mềm quản lý xét nghiệm (LIS) đạt mức cao, 13 đơn vị đạt mức cơ bản..

Thành Đạt
Bình luận
Back To Top