Đổi thay Huổi Min

17:37 - Thứ Ba, 05/10/2021 Lượt xem: 4568 In bài viết

ĐBP - Đã gần 14 năm trôi qua, kể từ ngày Huổi Min chính thức được công nhận là một bản thuộc phường Sông Đà, TX. Mường Lay. Thời kỳ Huổi Min “không đường, không điện, không trường, trạm”, cuộc sống tách biệt với thế giới bên ngoài, quẩn quanh với đói nghèo giờ chỉ còn là ký ức. Huổi Min nay đã khác xưa, xen giữa màu xanh của núi rừng trùng điệp, những thửa ruộng bậc thang vàng óng đang kỳ thu hoạch là dáng dấp của những con đường nội bản được bê tông hóa, những ngôi nhà mái ngói khang trang, cuộc sống của người dân Huổi Min đang ấm no hơn.

Trưởng bản Lầu A Sò (ngoài cùng bên phải) giới thiệu mô hình trồng vú sữa, mít thái được triển khai tại bản Huổi Min.

Nhớ ngày lập bản

Trong ngôi nhà lợp ngói khang trang, nền lát gạch hoa bóng loáng của trưởng bản Huổi Min Lầu A Sò, câu chuyện về lịch sử hình thành bản Huổi Min trôi chầm chậm bên chén trà tỏa khói. Không biết từ bao giờ, trưởng bản Lầu A Sò chỉ nghe cha, ông kể lại rằng, trước đây họ là một nhóm hộ thuộc xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, tự tách ra rồi chuyển về sinh sống tại một sườn núi. Người dân Huổi Min sống gần như cô lập với thế giới bên ngoài, ngày ngày họ lên nương hái rau, xuống sông bắt cá, sống cuộc sống tự cung tự cấp. Hiếm lắm mới có người trong bản mang con cá, mớ rau bán ở chợ phường Sông Đà.

Năm 2004, sau khi tách tỉnh Lai Châu cũ thành 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu thì Huổi Min lại không thuộc tỉnh nào quản lý. Thế nhưng, ngay cả trước khi tách tỉnh thì những hộ dân ở Huổi Min cũng chưa có tên trong danh sách quản lý hành chính của bất kỳ xã, phường nào, bởi những thế hệ sinh ra ở đây đều không có giấy tờ tùy thân, từ chứng minh thư, sổ hộ khẩu… đến giấy khai sinh.

Mong muốn được mọi người quan tâm và biết đến sự tồn tại của cụm dân cư Huổi Min nên đợt bầu cử Quốc hội năm 2006, khoảng 20 người ở Huổi Min đã đi bộ nửa ngày xuống phường Sông Đà xin được bỏ phiếu. Lúc này chính quyền mới biết đến sự “tồn tại” của Huổi Min. Đầu năm 2008, được sự thống nhất giữa hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu, UBND tỉnh Điện Biên đã có Quyết định 81/QĐ-UBND về việc thành lập bản Huổi Min thuộc phường Sông Đà, thị xã Mường Lay. Bản Huổi Min khi ấy chỉ vỏn vẹn có 10 hộ dân với 61 nhân khẩu.

Hồi tưởng lại những ngày mới thành lập bản Huổi Min, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Sông Đà Vũ Tiến Hưng khi ấy đang là Phó chủ tịch UBND phường chia sẻ: Để thuận lợi cho người dân cũng như trong công tác quản lý, thị xã đã thống nhất di dời các hộ dân về địa điểm mới cách nơi ở cũ khoảng 5km. Vì địa điểm mới lúc bấy giờ chưa có đường, không thể đưa máy móc lên san ủi, nên tất cả mọi công đoạn đều được làm thủ công. Khi ấy, hơn 100 người gồm cán bộ, lực lượng vũ trang, dân quân và cả nhân dân phường Sông Đà đã thay phiên nhau dùng cuốc, xẻng, xà beng… đào từng gốc cây, cuốc từng vạt đồi. Ròng rã 1 tuần liền, cuối cùng mặt bằng rộng khoảng 1ha đã được san gạt, thoáng đãng, sẵn sàng đón các hộ dân chuyển về dựng nhà, an cư.

Cuộc sống an cư

Người dân Huổi Min trước đây chưa biết trồng lúa nước, chỉ quen phát rừng làm nương. Sau khi đốt nương, bà con chọc lỗ gieo hạt. Cây lúa cứ thế mọc lên hoang dại, phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Đầu mùa mưa gieo hạt thì cuối mùa mưa mới thu hoạch. Nhưng lúa bị chim, chuột cắn phá nên chẳng được bao nhiêu. Sau khi chuyển về nơi ở mới, vài gia đình trong bản tự học hỏi khai hoang ruộng nước với diện tích nhỏ. Dù lúa nước cho năng suất cao nhưng vì không có nguồn nước đảm bảo nên bà con Huổi Min vẫn chủ yếu canh tác trên nương. Canh tác ruộng nước ở Huổi Min chỉ thực sự thay đổi vào đầu năm 2017, khi thị xã Mường Lay quy hoạch bãi tưới hưởng lợi từ công trình thủy lợi Pa Cô (dẫn nước qua gần bản). Thời điểm ấy, 16/16 hộ dân Huổi Min đều được chia mỗi khẩu hơn 360m2 đất để khai hoang ruộng bậc thang, gieo trồng lúa nước. Từ chỗ chỉ có vài trăm mét vuông ruộng, đến nay cả bản đã có khoảng 8ha ruộng nước trồng 2 vụ.

Một tiết dạy và học của cô và trò Điểm trường Mầm non Huổi Min.

Là một trong những hộ có diện tích trồng lúa nước nhiều nhất bản với gần 7.000m2, anh Lầu A Dế cho biết: Sau khi có ruộng, chúng tôi được hỗ trợ hạt giống và cán bộ phường tận tình chỉ dẫn cách gieo trồng lúa nước. Từ vụ đầu tiên còn bỡ ngỡ, đến những vụ sau bà con dần quen việc, nắm được quy trình xử lý đất cũng như kỹ thuật chăm sóc, phòng tránh không để chim, chuột cắn phá. Kỹ thuật trồng lúa nước phức tạp hơn lúa nương nhưng thu hoạch lại được rất nhiều thóc, năng suất trung bình khoảng 40 tạ/ha nên dân bản phấn khởi lắm.

Đổi thay không chỉ ở cây lúa nước. Theo trưởng bản Huổi Min, ngày mới chuyển về nơi ở mới, cả bản chỉ duy nhất có 1 người biết nói tiếng phổ thông. Không biết chữ, không nghe hiểu tiếng phổ thông khiến việc tuyên truyền pháp luật, tiếp cận với các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người dân Huổi Min gặp nhiều hạn chế. Trước thực tế đó, việc dạy tiếng phổ thông cho người dân trong bản được thị xã Mường Lay coi là một trong những nhiệm vụ cấp thiết lúc bấy giờ. Một lớp học bằng tre, nứa đã được dựng lên ngay giữa bản. Thời gian đầu, hầu hết người dân trong bản còn e dè, ngại đến lớp học, cán bộ phường cùng giáo viên được phân công giảng dạy phải đến từng nhà, kiên nhẫn vận động từng người đến lớp học. Nhờ vậy, sau hơn 3 năm, đa số người dân trong bản đã có thể giao tiếp thành thạo bằng tiếng phổ thông.

Đã từng đến Huổi Min từ 6 năm trước, lần trở lại này khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước những đổi thay nơi đây. Trong giai đoạn từ 2018 – 2020, liên tiếp các dự án làm đường bê tông, điện lưới quốc gia đã được đầu tư về bản. Huổi Min được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nhờ đó, 100% gia đình được làm nhà ở kiên cố, học sinh trong độ tuổi đều được đến trường, nhiều mô hình hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi được triển khai… Dẫn chúng tôi đi quanh bản để mục sở thị những đổi thay nơi đây, trưởng bản Lầu A Sò hào hứng khoe: Cả bản giờ có gần 80 con trâu, bò, hơn 30 con dê, 4ha trồng cây vú sữa, mít thái trên đất dốc… Nhiều gia đình đã sắm được tivi, nồi cơm điện, thậm chí có cả tủ lạnh. Chưa hết, Huổi Min giờ đây còn là điển hình của phường Sông Đà, bởi có người làm đại biểu HĐND phường, có người là đảng viên, có người làm cán bộ phường... và hơn hết là bản không có tệ nạn xã hội.

Chúng tôi rời Huổi Min khi mặt trời đã đứng bóng. Con đường từ nhà trưởng bản Lầu A Sò đến đầu bản, hai bên đường là những vườn vú sữa, mít thái bám triền dốc, hứng nắng vươn xanh tốt. Tin rằng, từ bàn tay, khối óc của người dân và sự quan tâm của các cấp chính quyền, một tương lai tươi sáng hơn nữa sẽ đến với người dân Huổi Min.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top