"Người đặc biệt" ở A Pa Chải (bài 2)

19:48 - Thứ Sáu, 15/10/2021 Lượt xem: 3945 In bài viết

Bài 2: Người truyền cảm hứng

ĐBP - Với ông Lỳ Xuyến Phù, mỗi ngày nếu không cùng cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng đi tuần tra, bảo vệ đường biên cột mốc thì cũng sẽ đi thăm ruộng lúa, nương ngô, tăng gia sản xuất. Ở ông luôn tỏa ra một năng lượng tích cực, truyền động lực, cảm hứng cho bà con dân bản.

Bài 1: Những cuộc “cách mạng”

Ông Lỳ Xuyến Phù cùng chiến sĩ Đồn biên phòng A Pa Chải tuần tra bảo vệ biên giới.

“Hoa tiêu” vùng biên ải

Dù đã nghỉ hưu nhiều năm, nhưng ông Lỳ Xuyến Phù vẫn luôn theo dõi sát sao tình hình kinh tế - xã hội của xã. Khi được hỏi ông vẫn đọc vanh vách những con số thống kê: Xã Sín Thầu có 7 bản với 1.504 nhân khẩu, 96% số dân là người dân tộc Hà Nhì. Toàn xã có 38,81km đường biên giới quốc gia, 16 cột mốc. Trong đó tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc dài 17,368km, gồm 8 cột mốc; tuyến biên giới Việt Nam - Lào dài 21,442km với 7 cột mốc và một cột mốc ở ngã ba tiếp giáp giữa 3 nước Việt Nam, Lào và Trung Quốc. “A Pa Chải” theo tiếng Hà Nhì nghĩa là vùng đất bằng phẳng, rộng lớn, là nơi "mặt trời đi ngủ muộn nhất" trên dải đất hình chữ S.

Hơn 60 tuổi đời nhưng có tới trên 40 năm ông Lỳ Xuyến Phù đồng hành cùng cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng A Pa Chải tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc. Vùng đất biên ải này nơi nào cũng in dấu chân ông.

Kể lại cái duyên cũng như sứ mệnh gắn bó với bộ đội biên phòng trong suốt mấy thập kỷ qua, theo ông Lỳ Xuyến Phù đó cũng là ý nguyện của người cha đã mất. Cha ông là Lỳ Nhù Xá, người đảng viên đầu tiên của xã Sín Thầu. “Từ những năm 60 của thế kỷ trước, tôi còn nhỏ đã theo cha mang muối, gạo nuôi bộ đội. Những năm trước, các đối tượng phản động đòi xưng vương, nổi phỉ rất nhiều, tình hình an ninh trật tự phức tạp. Cha tôi kể lại, hồi đó cha được kết nạp Đảng cùng với Anh hùng Trần Văn Thọ. Tiếp nối ý nguyện của cha, tôi nghĩ làm được gì cho cách mạng, cho dân bản mình, cho bộ đội biên phòng thì mình sẽ dồn hết sức” - ông Phù cho biết. Ông thường xuyên đến từng nhà tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không nghe lời kẻ xấu, không di cư tự do.

Thiếu tá Ðặng Văn Tuấn, Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng A Pa Chải chia sẻ: Trong đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán người, tội phạm ma túy vùng biên, bác Lỳ Xuyến Phù luôn là người tích cực cung cấp thông tin tình hình an ninh khu vực. Đặc biệt trong công tác phòng chống dịch Covid-19, bác Lỳ Xuyến Phù cũng là người đi đầu vận động dân bản giữ vững “vùng xanh” trong chống dịch; ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép. Bác Phù dù đã nghỉ hưu nhưng chưa bao giờ nghỉ việc. Mỗi chuyến đi tuần, đi tuyên truyền có bác anh em yên tâm lắm; công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật thuận lợi hơn rất nhiều. Khi cán bộ, chiến sĩ biên phòng thông tin, phổ biến thì bác Phù giải thích cặn kẽ bằng tiếng Hà Nhì giúp bà con hiểu tường tận vấn đề. Với khả năng truyền cảm hứng của mình, bác Lỳ Xuyến Phù đã góp phần tuyên truyền rất hiệu quả Luật An ninh biên giới, quy chế bảo vệ đường biên, cột mốc, bác như một “hoa tiêu” của bộ đội biên phòng vậy!

Truyền lửa cho thế hệ sau

Sau nhiều năm cống hiến, giữ nhiều chức vụ khác nhau, năm 2011 ông Lỳ Xuyến Phù nghỉ chế độ. Với tinh thần của người đảng viên nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc, ông tích cực tham gia các hoạt động, phong trào cơ sở, là người có uy tín của bản A Pa Chải. Ông truyền năng lượng sống tích cực cho cộng đồng người Hà Nhì vùng biên viễn, răn dạy con cháu sống có mục tiêu, lý tưởng, trở thành công dân có ích cho xã hội. Gia đình ông cũng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực khi 3 thế hệ đều là đảng viên; riêng ông khi 19 tuổi đã vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Ông Lỳ Xuyến Phù trao đổi thông tin và đề xuất phương án phòng chống tội phạm mua bán người, vượt biên trái phép với bộ đội biên phòng.

Ông Phù kể lại: “Tôi từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, trực tiếp chỉ huy 68 dân quân Sín Thầu cầm súng chiến đấu tại điểm cao 1296, tổ chức phòng ngự và đẩy lùi nhiều đợt tấn công của quân xâm lược ra khỏi biên giới, bảo vệ nhân dân”.

Ông Lỳ Xuyến Phù là người luôn đi đầu trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Ngoài làm giàu cho gia đình, ông còn tận tình giúp nhiều người nghèo trong xã có thêm vốn, con giống để phát triển kinh tế. Noi gương ông, người Hà Nhì ở Sín Thầu đều hăng say tăng gia sản xuất, làm kinh tế giỏi. Hiện nay ở Sín Thầu có những trang trại nuôi hàng trăm con trâu, bò.

Người Hà Nhì ở Sín Thầu làm theo ông từ những việc làm như thế. Tâm sự với chúng tôi, ông Phù cho biết để có được sự tin yêu, quý trọng của bà con vùng đất ngã ba biên giới như ngày hôm nay bản thân ông đã nỗ lực không ngừng nghỉ. Ông không quên những năm tháng băng rừng vượt núi gian khó đi học chữ.

Ông Phù kể lại: “Ngày đó vùng đất A Pa Chải - Sín Thầu này không ai biết chữ. Tôi sinh năm 1958 nhưng phải đến năm 1973 (15 tuổi) mới được đi học lớp 1 ở Trường Dân tộc Nội trú tỉnh. Đường đi xuyên rừng rậm, thú dữ rình rập, về tỉnh phải đi bộ gần nửa tháng ròng, cứ ngày đi, đêm ngủ nhờ, mai lại đi mải miết. Khi đi bố mẹ chuẩn bị cho vài miếng thịt khô và mấy ống cơm lam để ăn dọc đường”. Ở trường, chờ cho các bạn đi ngủ Lỳ Xuyến Phù lại lẩm nhẩm học tiếng phổ thông. Buổi trưa, người ta nghỉ ngơi, chàng trai Hà Nhì lại lẳng lặng ra chỗ đầu hồi lấy que viết xuống đất, rồi tự đọc, tự phiên dịch ra tiếng Hà Nhì, lúc nào cũng cố gắng để còn học kịp theo các bạn.

Ðang học dở lớp 4 thì nhận được tin anh trai hi sinh khi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ông phải tạm gác lại chuyện học hành, trở về quê hương giúp bố mẹ. Khi ở xã có lớp học vào ban đêm, ông lại tiếp tục tham gia, ngày đi làm, tối đốt đèn dầu đi học lớp bổ túc. Nhưng việc học của ông luôn bị gián đoạn bởi gánh nặng cơm áo, con chữ cũng cứ vơi đầy theo những bữa đói, no. Cho đến sau này, khi làm Xã đội trưởng, Chủ tịch UBND, rồi Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, ông Lỳ Xuyến Phù vẫn tiếp tục tham gia học bổ túc. Ông được coi là một trong những người có học thức cao nhất ở Sín Thầu trong những năm 90 của thế kỷ trước. Ông làm cán bộ xã bằng cả sự chân thành, yêu thương, đau đáu với người Hà Nhì, mong cho dân bản thoát nghèo, thoát khổ. Sau này mỗi khi các con cháu trong bản, trong xã, cháu nào lười học, bỏ học chỉ cần nghe ông Lỳ Xuyến Phù kể chuyện những ngày đi học ngày xưa, rồi nghe ông khuyên nhủ lại vui vẻ quay lại lớp học. Không còn ai bỏ học giữa chừng. Vì lẽ đó mà ông được trọn lòng dân tin yêu!

Với những thành tích xuất sắc, năm 2016 ông Lỳ Xuyến Phù vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen "Vì sự nghiệp xây dựng chủ quyền bảo vệ Tổ quốc". Ông cũng vinh dự được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong tham gia thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân, giai đoạn 2009 - 2019.

Bài, ảnh: Tú Trinh
Bình luận
Back To Top