“Dốc cao”... Mường Lói

10:43 - Thứ Bảy, 23/10/2021 Lượt xem: 4146 In bài viết

ĐBP - Nhắc đến Mường Lói (huyện Điện Biên), dường như nhiều người có cảm giác xã biên giới này không còn quá xa xăm... Bởi từ khi hoàn thành con đường vành đai biên giới Pom Lót - Núa Ngam - Huổi Puốc (nay là quốc lộ 279C), giao thông từ trung tâm tỉnh đến Mường Lói đã thuận lợi hơn trước, là tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội của xã xa trung tâm huyện nhất này (80km). Tuy nhiên, quốc lộ 279C mới chỉ “nối gần” đến trung tâm xã Mường Lói, còn lộ trình để đưa nhân dân các dân tộc ở Mường Lói vươn lên còn rất nhiều “dốc cao” phải vượt qua.

Hầu hết đường đi các bản ở xã Mường Lói đều là đường đất, độ dốc lớn. Ảnh: Lan Phương

“Điểm sáng”... sắn

Khái quát về kinh tế - xã hội, hạ tầng đầu tư của xã, ông Đào Văn Trọng, Bí thư Đảng ủy xã Mường Lói cho biết: Xuất phát điểm của xã trong những năm qua ở mức rất thấp. Hệ thống cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, mạng viễn thông... chưa được đầu tư xây dựng ngang tầm. Cụ thể, hiện nay chỉ có 2/8 bản có đường bê tông, có điện, có sóng điện thoại là bản Lói - trung tâm xã và bản Na Cọ. Đây cũng chính là 2 bản có quốc lộ 279C đi qua. Diện tích đất nông nghiệp ở Mường Lói ít, đặc biệt là đất phục vụ trồng lúa nước hai vụ chuyên canh rất ít, manh mún, đất có độ dốc lớn, việc mở rộng khai hoang ruộng nước rất khó khăn. Tổng diện tích gieo trồng cây lương thực của xã khoảng 500ha; trong đó diện tích cây lương thực có hạt 331,5ha, diện tích cây lương thực có bột là 169ha. Cụ thể, năm 2021, lúa đông xuân gieo trồng 21,5ha; lúa mùa 70,8ha; lúa nương đã gieo trồng là 256ha; sắn 165ha, khoai sọ 4ha...

Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã trong những năm qua ở mức cao, hiện nay là 36,23% hộ nghèo, 30,02% hộ cận nghèo. Cơ bản người dân không có vốn, điều kiện để đầu tư mở rộng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ trồng trọt sang chăn nuôi quy mô lớn. Trình độ, tập quán sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong xã còn lạc hậu, việc tiếp thu, áp dụng những kiến thức, mô hình sản xuất đạt hiệu quả chậm. Ý thức tự vươn lên của một số hộ dân trong xã còn hạn chế, một bộ phận người nghèo còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, đời sống của nhân dân còn thiếu thốn rất nhiều. Các dự án đầu tư cho phát triển nông nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Một số mặt văn hóa - xã hội chuyển biến chậm; tình hình buôn bán, vận chuyển, sử dụng ma túy; dịch bệnh diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định xã hội. Xã mặc dù có Cửa khẩu Huổi Puốc đứng chân nhưng kể cả khi chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19, tình hình thông thương qua biên giới đã rất hạn chế; giao thông từ trung tâm xã lên Cửa khẩu thường xuyên sụt sạt, đi lại rất khó khăn... 

Thắc mắc về số liệu tỷ lệ hộ nghèo của xã, với 6/8 bản toàn “không”, các bản này thiếu hụt đến 8/10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều, thì con số 36,23% hộ nghèo có vẻ... chưa hợp lý?! Ông Trọng chia sẻ: Nguyên nhân có số liệu trên là bởi có bản Lói đông dân cư nhất xã nhưng tỷ lệ hộ nghèo chỉ chiếm 7%, bản Na Cọ cũng tập trung dân cư và tỷ lệ hộ nghèo cũng tương đối thấp nên đã “gánh” bớt tỷ lệ hộ nghèo toàn xã. Chứ như các bản khó khăn: Huổi Chon, Co Đứa, Na Chén... tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm gần 100%. Đây cũng là thực trạng thể hiện sự chênh lệch kinh tế - xã hội rất lớn giữa các bản trong xã, khiến cấp ủy, chính quyền nơi đây trăn trở!

Cùng trao đổi với chúng tôi, ông Lò Văn Siêng, Chủ tịch UBND xã Mường Lói cung cấp thêm một số thông tin cụ thể trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của xã: Khó khăn trước hết là điều kiện giao thông từ trung tâm xã đi các bản (trừ Na Cọ). Nói rồi ông Siêng đưa cho chúng tôi bản báo cáo kết quả xây dựng nông thôn mới gần nhất của xã, trong đó tuyệt đối 4/4 yêu cầu của tiêu chí số 2 (giao thông) đều có kết quả ngắn gọn: “Không đạt”. Một số tiêu chí nông thôn mới chỉ cần nhìn qua cũng biết đương nhiên không đạt như: Điện, hộ nghèo, thu nhập, nhà ở dân cư. Ngoài ra, tiêu chí số 12 (lao động việc làm), số 13 (tổ chức sản xuất) và đặc biệt là tiêu chí số 14 (giáo dục và đào tạo) cũng chưa đạt. Có một số liệu khiến chúng tôi chú ý, đó là báo cáo thực hiện tiêu chí nông thôn mới số 8 (thông tin và truyền thông) với 4 yêu cầu được đánh giá: “Đạt”. Tuy nhiên, với 6/8 bản không điện, không sóng điện thoại thì kết quả này chỉ dành cho trung tâm xã!?

Về định hướng phát triển kinh tế, theo Chủ tịch UBND xã Mường Lói Lò Văn Siêng, trước đây huyện, ngành Nông nghiệp có một số mô hình, dự án như trồng cây ăn quả (cam, bưởi) nhưng không thành công bởi không hiểu sao cam trồng tại xã ra quả vừa chua, vừa đắng? Chăn nuôi đại gia súc được khuyến khích nhưng hiện chỉ mang tính tự phát, lẻ tẻ tại các bản: Noong É, Na Cọ. Về dự án trồng cây mắc ca, hiện các đơn vị đầu tư mới đang tiến hành bước khảo sát.

Sau một hồi trao đổi với 2 lãnh đạo đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã Mường Lói, cảm nhận dường như lĩnh vực nào xã cũng mang một màu ảm đạm, chúng tôi đặt câu hỏi: Theo các anh, mô hình, loại hình nào có thể coi là “điểm sáng” cho đời sống, kinh tế của nhân dân trong xã? Nghĩ một hồi, ông Đào Văn Trọng: Gọi là “điểm sáng” thì hơi quá và có phần... “bi đát”, nhưng tôi thấy hiện nay chỉ có mô hình trồng sắn là mang lại hiệu quả kinh tế cụ thể, nhìn thấy được cho người dân. Sắn trồng, thu hoạch củ là có thương lái đến mua, mức giá cũng tốt, ổn định trong khoảng 3 năm qua. Tuy nhiên, như các đồng chí cũng hiểu, xét về lâu dài, cây sắn có những vấn đề khiến hiệu quả kinh tế, môi trường không bền vững. “Trước mắt là vậy thôi, chứ... khó quá! - Ông Trọng chia sẻ.

Cần sự quan tâm lớn hơn

Theo thống kê sơ bộ, hiện nay Mường Lói là xã duy nhất trên địa bàn tỉnh có đến 75% (6/8) thôn bản chưa có điện, chưa có sóng điện thoại, chưa có đường bê tông. Ông Lò Văn Siêng chia sẻ: Tôi giữ cương vị Chủ tịch UBND xã Mường Lói đến nay đã sang nhiệm kỳ thứ 2. Trong 6 năm qua, không thể thống kê hết số lần chính quyền xã đề xuất, kiến nghị đến các cấp, ngành quan tâm đầu tư điện, đường, viễn thông. Nhưng theo tôi hiểu, có những điều bất khả kháng. Điển hình như hạ tầng điện, hiện nay có những bản cách trung tâm xã đến 40km, đường đất hoặc lối mòn lưng núi, để kéo được điện vào đến nơi cần suất đầu tư rất lớn (nhân công, vật tư; đền bù đất đai, rừng...). Trong khi, bà con ở các bản sâu xa, mật độ dân số thấp, hầu hết còn nghèo, điện đồng bào dùng tiết kiệm, chỉ 1, 2 số điện/tháng, hao tải đường dây thì rất lớn. Mặc dù phủ điện lưới quốc gia đến những địa bàn khó khăn là nhiệm vụ chính trị của ngành Công Thương nhưng dù sao điện lực cũng là đơn vị kinh doanh, để cân đối nguồn vốn lớn, đầu tư mang tính “viện trợ không hoàn lại” như vậy không phải đơn giản. Điện không có sẽ kéo theo hệ thống viễn thông cũng đình trệ theo, bởi đơn giản là các cột phát sóng cần điện để vận hành. Ông Siêng trầm ngâm, rồi bảo: “Muốn lắm, vì chính nhà bố mẹ đẻ tôi cũng chưa có điện, chưa có sóng điện thoại nhưng nhìn nhận khách quan, chúng ta cần thông cảm cho nhau!”.

Vào bản Huổi Chon, trải nghiệm nửa ngày, một đêm ở bản xa trung tâm xã Mường Lói nhất này, cảm nhận của chúng tôi là... sự bế tắc! Bởi đây là địa bàn tận cùng, giáp tỉnh Sơn La với ranh giới là con suối lớn mang tên Nậm Ma. Cả bản có 42 hộ, 268 nhân khẩu, số hộ nghèo, cận nghèo được “chia tròn trịa” là 25 hộ nghèo, 17 hộ cận nghèo (100%). Lang thang ở bản, tôi gặp một người bán hàng rong tổng hợp gồm: Kem, chân gà, cá đông lạnh. Mua 2 hộp kem với giá 19.000 đồng/hộp 20 que kem (không đến 1.000 đồng/que) với nhãn hiệu “Thủy Lợi”. Chưa hết giật mình với giá rẻ không ngờ thì tiếp tục giật mình với chất lượng, bởi dù 1 hộp in hình kem sô cô la, 1 hộp hình kem sữa dừa nhưng bên trong thì y chang nhau, kem cứng như đá với nước và chút đường! Khi được hỏi: Sao kem rẻ và chất lượng thấp thế? Anh bán hàng bảo: Đắt và “xịn” hơn thì chẳng ai mua! Hỏi người dân thì được biết, “cửa hàng di động” này mỗi tuần vào Huổi Chon 1 lần nhưng có lúc vẫn ế.

Sau bữa cơm tối, phóng viên nam trong nhóm tác nghiệp chúng tôi được Trưởng bản Huổi Chon Lường Văn Nen mời về nhà “ngủ thăm”. Trước khi ngủ, 2 người đàn ông ngồi trò chuyện bên hiên nhà sàn, dưới bóng tối đầu đông đặc quánh. Anh Lường Văn Nen bảo: Dân Huổi Chon còn nghèo lắm, cả bản không có con trâu nào. “Điểm sáng” cây sắn cũng rất khó tiêu thụ khi chỉ có thể chở xe máy ra xã bán đổ cho thương lái, tiền xăng tốn nhiều nên tiền bán sắn chả thu được bao nhiêu. Chúng tôi là cán bộ, đảng viên ở cơ sở, muốn noi gương phát triển kinh tế nhưng chưa tìm được lối thoát. Bởi từ bản ra xã còn nhiều “dốc cao” quá! Chỉ mong các cấp chính quyền, ngành cấp trên quan tâm nhiều hơn, giúp dân bản tháo nút thắt nghèo, khó...

Tuệ Lãm
Bình luận
Back To Top