Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác ATVSLĐ

16:05 - Thứ Năm, 02/12/2021 Lượt xem: 3010 In bài viết

ĐBP - Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) quy định rất rõ quyền, nghĩa vụ về ATVSLĐ của người lao động và người sử dụng lao động. Chính vì vậy, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có ý thức, nghiêm túc triển khai thực hiện. Nhận thức, ý thức của người sử dụng lao động, người lao động và toàn xã hội trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ từng bước được nâng lên.

Người lao động Công ty Cổ phần cấp nước Điện Biên được trang bị bảo hộ lao động trong quá trình làm việc. Trong ảnh: Cán bộ kỹ thuật Công ty hướng dẫn người sử dụng nước theo dõi phát hiện sự cố đồng hồ nước.

Sau 5 năm thực hiện Luật ATVSLĐ năm 2015, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã phối hợp khá chặt chẽ, đồng bộ trong công tác tuyên truyền, huấn luyện, thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ và điều tra tai nạn lao động. Liên đoàn Lao động tỉnh và các tổ chức công đoàn các cấp đã phát huy vai trò tích cực trong công tác ATVSLĐ; tuyên truyền, vận động đoàn viên thực hiện tốt các quy định pháp luật về ATVSLĐ; phối hợp với chuyên môn triển khai các hoạt động trong Tháng  hành động về ATVSLĐ, Tháng công nhân, tổ chức thực hiện phong trào "xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATVSLĐ" với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.

Công ty Cổ phần cấp nước Điện Biên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và cung cấp nước sạch phục vụ nhu cầu dân sinh và các ngành kinh tế khác; xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp; giao thông, thủy lợi vừa và nhỏ… có hơn 230 cán bộ, công nhân viên, người lao động làm việc. Hiện công ty có 2 cán bộ làm công tác ATVSLĐ. Chú trọng công tác đảm bảo ATVSLĐ, mỗi năm công ty dành hơn 300 triệu đồng để thực hiện kế hoạch ATVSLĐ, như: trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; chăm sóc sức khỏe người lao động; tuyên truyền, huấn luyện người lao động về công tác ATVSLĐ. Năm 2021 Công ty đã thực hiện quan trắc môi trường lao động cho 8 cơ sở sản xuất. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Qua phân loại sức khỏe người lao động cho thấy hơn 91% người lao động trong công ty đạt loại I, II. Người lao động làm việc thêm giờ đều được thanh toán các chế độ đảm bảo theo quy định. Công ty tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra, rà soát nhằm phát hiện những nguy cơ mất an toàn và xây dựng biện pháp ngăn ngừa ngay tại các phân xưởng, tổ, đội sản xuất. Thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở người lao động chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ.

Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nguy cơ cao mất an toàn lao động, như: khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất điện, sản xuất xi măng... Quá trình tổ chức sản xuất có độ rủi ro lớn, nguy cơ gây tai nạn lao động, ảnh hưởng sức khỏe, an toàn của người lao động nên người sử dụng lao động, các doanh nghiệp càng ý thức, trách nhiệm hơn trong việc thực hiện công tác ATVSLĐ. Cơ bản các doanh nghiệp này đã lập kế hoạch, tổ chức đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ, thường xuyên quan tâm, triển khai thực hiện các biện pháp về kỹ thuật vệ sinh lao động, phòng chống yếu tố có hại và cải thiện điều kiện lao động; trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; chăm sóc sức khỏe người lao động. Xây dựng nội quy, quy trình ATVSLĐ; lập các phương án, biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố. Các doanh nghiệp này cũng quan tâm đầu tư công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, cải thiện điều kiện làm việc và môi trường lao động cho người lao động làm việc ở môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, như: lắp đặt hệ thống thông gió, hút hơi khí độc, chống nóng, ồn; làm giảm nồng độ bụi, nồng độ hơi khí độc, tăng độ chiếu sáng, cải thiện vi khí hậu, giảm nhẹ lao động thể lực…

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Việc làm và An toàn lao động (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), cho biết: Bên cạnh các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác ATVSLĐ thì còn một số đơn vị có quy mô vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất kinh doanh dưới 10 lao động phần lớn chưa thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ về ATVSLĐ, việc chấp hành các quy định pháp luật về ATVSLĐ còn hạn chế, chưa quan tâm và dành nguồn lực, kinh phí thỏa đáng cho công tác ATVSLĐ. Không ít doanh nghiệp sử dụng máy móc, thiết bị không đảm bảo an toàn; tỷ lệ các đơn vị thực hiện đo, kiểm tra môi trường lao động định kỳ còn thấp hoặc một số nơi thực hiện mang tính hình thức, chưa chú trọng xây dựng môi trường văn hóa an toàn tại nơi làm việc. Trong khi công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ ở cấp huyện còn gặp nhiều khó khăn, bất cập (chưa xây dựng quy chế phối hợp hoặc phân cấp quản lý cho các phòng, ban chức năng để chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện về công tác ATVSLĐ; lực lượng làm công tác ATVSLĐ ở các phòng, ban chuyên môn còn thiếu; chưa có chuyên môn về kỹ thuật).

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top