Nông dân Mường Nhé thi đua lao động, sản xuất

10:39 - Chủ Nhật, 05/12/2021 Lượt xem: 3421 In bài viết

ĐBP - Cùng với nhiệm vụ xây dựng tổ chức hội vững mạnh, những năm qua, các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện Mường Nhé triển khai sâu rộng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau phát triển kinh tế. Bằng những mô hình, cách làm thiết thực đã góp phần nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân, từ đó cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Cán bộ Hội Nông dân huyện Mường Nhé làm thủ tục giải ngân vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân cho hội viên.

Ông Lầu A Dế ở bản Mường Toong 3, xã Mường Toong là một trong những điển hình về nghị lực và phát triển kinh tế. Hiện ông đang sở hữu khối tài sản lớn là một căn nhà trị giá hàng trăm triệu đồng và mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng (VAC). Ông Dế kể, cách đây hơn 10 năm, điều kiện gia đình khó khăn, nhà cửa tạm bợ, tư liệu sản xuất lại ít nên có cố gắng bao nhiêu cũng chỉ đủ ăn. Ông đã mạnh dạn đi vay vốn để làm ăn. Với số tiền hơn 50 triệu đồng có được, ông mua thêm đất nương của bà con để canh tác. Trên diện tích khoảng 4ha, ông Dế trồng thử nghiệm giống ngô lai thay thế giống ngô bản địa đã thoái hóa. Nhờ tuân thủ khung lịch gieo trồng, được tập huấn kĩ thuật bón phân chăm sóc đầy đủ nên nương ngô đạt năng suất cao; trung bình mỗi héc ta trên 6 tấn ngô thành phẩm. Ông Dế chia sẻ: “Vụ đầu, trừ chi phí tôi thu về hơn 90 triệu đồng. Với số tiền đó, tôi tiếp tục đầu tư vào mô hình VAC với một ao nuôi cá thương phẩm trên 1.000m2, một ao nuôi cá kết hợp cấy 2.000m2 lúa. Đến nay, mô hình này cho gia đình tôi thu nhập ổn định gần 200 triệu đồng/năm”.

Anh Giàng A Vàng ở bản Ngã Ba, xã Mường Toong cũng là một trong những hộ điển hình sản xuất kinh doanh giỏi. Gia đình anh Vàng hiện có gần 2.000m2 ao thả cá, gần 700 gốc xoài Thái; kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm và khoanh nuôi bảo vệ rừng. Từ mô hình VACR, mỗi năm gia đình anh Vàng thu về hơn 150 triệu đồng. Anh Vàng cho biết, nhờ tham gia tổ chức hội, gia đình không những được tạo điều kiện vay vốn để làm ăn mà còn được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi... Có kiến thức trong sản xuất, ăn nên làm ra, đến nay, cuộc sống gia đình cơ bản ổn định.

Tại xã Mường Nhé, với sự giúp đỡ, hỗ trợ về mọi mặt của tổ chức hội, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn không những đã thoát nghèo mà còn vươn lên phát triển kinh tế, hưởng ứng phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Điển hình như gia đình ông Khoàng Văn Pánh ở bản Mường Nhé Mới. Ông Pánh chia sẻ: “Trước đây tôi là một trong những hộ nghèo của xã. Năm 2008, sau khi được Hội Nông dân xã ủy thác cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội tôi đầu tư đào ao thả cá, trồng cây ăn quả và nuôi gia súc, gia cầm. Tích tiểu thành đại, đến nay, tôi đang sở hữu mô hình kinh tế với 8.000m2 ao cá, 2.000m2 cây ăn quả các loại, gần 10 con bò, mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng”. Với thành công của ông Pánh, thời gian qua, Hội Nông dân xã cũng đã tích cực tuyên truyền để hội viên trong xã học hỏi, làm theo.

Ông Thào A Tủa, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mường Nhé cho biết: Với vai trò là tổ chức chính trị xã hội, đại diện bảo vệ quyền lợi cho hội viên nông dân, hàng năm, các cấp hội đã không ngừng nâng cao chất lượng tổ chức hội, tích cực phát động, tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt, với đặc thù của huyện miền núi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, Hội thường xuyên phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất. Đến nay, tổng số dư nợ Hội đứng ra ủy thác trên 85 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn vay, huyện có hàng trăm mô hình hội viên hội nông dân làm kinh tế giỏi các cấp.

Ngoài phối hợp với ngân hàng giúp hội viên vay vốn, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Mường Nhé còn tạo điều kiện để hội viên tiếp cận nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp. Tháng 10 vừa qua, Hội đã giải ngân 500 triệu đồng hỗ trợ nông dân thực hiện Dự án “Chăn nuôi trâu thương phẩm” và “Chăn nuôi bò sinh sản”. 10 hộ tham gia dự án (4 hộ ở xã Nậm Kè, 6 hộ ở xã Quảng Lâm) mỗi hội được hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện để chăn nuôi trâu thương phẩm và chăn nuôi bò sinh sản. Thời gian vay vốn 36 tháng, lãi suất 0,7%/tháng (8,4%/năm).

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top