Góc nhìn - Tiêu điểm

Máy gặt “không có đường vào”

06:22 - Thứ Bảy, 20/05/2023 Lượt xem: 5302 In bài viết

ĐBP - Mấy ngày nắng ráo, gia đình chị Hoan, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) tập trung thu hoạch lúa đông xuân. Vụ sản xuất này chị Hoan gieo cấy 4.000m2, lúa nhà chị tốt, năng suất cao. Nhất là vụ này chị thuê máy gặt đập liên hợp gần hết diện tích nên giảm được nhiều công gặt, thu, tuốt lúa. Chị Hoan cho biết hiện nay thuê thợ gặt tay cũng có giá từ 200 - 250 nghìn đồng/công, 1.000m2 lúa cần thuê từ 4 - 5 công, tùy thời điểm. Thêm 100 - 150 nghìn tiền thuê xe chở lúa về nhà, rồi thuê máy tuốt lúa với số tiền tương đương. Tính tổng chi phí để có được hạt thóc trong bao hết hơn 1 triệu đồng. Trong khi tiền thuê máy gặt liên hợp chỉ từ 500 - 600 nghìn đồng, thóc được đóng sẵn vào bao. Cái hơn của gặt tay là lúa được phơi ngoài đồng rồi mới thu về tuốt, còn gặt máy thì mang về nhà phải thêm công phơi thóc. Nhưng tổng thể thì gặt máy đã giảm đến một nửa chi phí so với gặt tay.

Nhưng điều đáng nói là chị Hoan có một mảnh ruộng không sử dụng được máy gặt, lý do là mảnh ruộng này chị gieo sớm hơn những hộ có ruộng xung quanh. Thành ra lúa nhà chị chín trước nhưng máy gặt “không có đường vào” vì ruộng 4 mặt xung quanh lúa còn xanh.

Máy gặt đập liên hợp đã tạo nên bước ngoặt trong sản xuất lúa nước. Máy gặt giúp tiết kiệm nhân công trong quá trình thu hoạch, giải phóng sức lao động cho nông dân, tiết kiệm chi phí, giảm tổn thất. Đồng thời góp phần quan trọng thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp, nâng cao hiệu quả trong sản xuất.

Nhưng để phát huy hiệu quả của cơ giới hóa nói chung, máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch nói riêng, cần có những điều kiện cần thiết. Đó là sự đồng bộ về diện tích sản xuất, nhất là việc dồn điền đổi thửa, hình thành cánh đồng lớn. Là việc tuân thủ cơ cấu giống, lịch thời vụ để lúa chín đồng loạt, tránh tình trạng chỗ chín, chỗ còn xanh khiến máy gặt “không có đường vào”. Ngoài ra nhiều mảnh ruộng lúa chín nhưng bờ quá cao máy gặt cũng không xuống được.

Được biết, thực hiện Kế hoạch 2203 của UBND tỉnh “về triển khai thực hiện cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2021, định hướng đến năm 2026”, với diện tích 335ha trên địa bàn một số xã lòng chảo huyện Điện Biên đã mang lại hiệu quả cao. Nhờ áp dụng đồng nhất quy trình kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch đã giảm chi phí sản xuất từ 3,7 - 4,6 triệu đồng/ha, thu nhập của nông dân cao hơn so với sản xuất đại trà từ 7 - 10 triệu đồng/ha.

Nhưng diện tích nêu trên chỉ là phần nhỏ so với diện tích sản xuất lúa của huyện Điện Biên.

Hiện nay, huyện Điện Biên có tổng diện tích hơn 4.200ha sản xuất lúa nước. Ngoài dự án cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao, huyện đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 59,05ha.

Nông dân các xã vùng lòng chảo huyện Điện Biên có trình độ thâm canh cao, giàu kinh nghiệm sản xuất lúa nước. Những năm qua bà con nông dân tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Riêng khâu thu hoạch, đến nay nông dân trên địa bàn đã thực hiện cơ giới hóa 60%. Theo tổng hợp của huyện, hết năm 2022 toàn huyện có 35 máy gặt đập liên hợp, góp phần quan trọng giảm chi phí, tăng hiệu quả khâu thu hoạch lúa cho nông dân.

Câu chuyện mảnh ruộng nhà chị Thoan máy gặt “không có đường vào” không phải là cá biệt. Còn rất nhiều diện tích lúa chín lốm đốm, khó thu hoạch đồng loạt, hay nhiều mảnh ruộng nhỏ lẻ, bờ cao gây khó khăn cho việc thu hoạch bằng máy.

Đây là vấn đề cần sớm khắc phục để cơ giới hóa thực sự hiệu quả!

Duy Bình
Bình luận

Tin khác

Back To Top