Để gia đình luôn ấm êm

08:28 - Thứ Tư, 28/06/2023 Lượt xem: 4378 In bài viết

ĐBP - Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa, giáo dục nếp sống. Xác định tầm quan trọng đó, những năm qua, các cấp, ngành không ngừng đẩy mạnh phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”; đồng thời nhân rộng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở, từ đó tạo chuyển biến về nhận thức của cả cộng đồng trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Hội thi Ẩm thực do Công đoàn cơ sở Sở Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa của người Việt cũng như giá trị cốt lõi về gia đình.

Hạnh phúc đến từ sự sẻ chia

Dù nhiều lúc có xích mích nhỏ, song cuộc sống gia đình anh Nguyễn Mai Linh, chị Nguyễn Thị Nhàn, tổ dân phố 23, phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ) vẫn luôn là hình mẫu để bà con lối xóm học hỏi. Bởi sau mỗi lần như vậy, vợ chồng anh Linh, chị Nhàn luôn tìm cách để giải quyết vấn đề. Việc ngồi lại để cùng nhau sẻ chia những điều băn khoăn, vướng mắc trong tư tưởng là cách mà anh chị luôn áp dụng và thành công đến tận hôm nay. Anh Linh cho biết: “Cuộc sống không tránh khỏi những khúc mắc nhưng cách mình giải quyết vấn đề mới là điều quan trọng. Và mỗi lần vợ chồng chưa hiểu nhau, cả hai chúng tôi sẽ cùng suy nghĩ, tìm ra những điều tích cực của nhau rồi hòa giải một cách thuận hòa”.

Thường xuyên tâm sự, cùng nhau giải quyết xung đột một cách khéo léo cũng là bí quyết giữ lửa hạnh phúc của vợ chồng trẻ Dương Tuấn Vũ, chị Quàng Thị Phương tổ dân phố 3, phường Thanh Bình (TP. Điện Biên Phủ). Cũng chính vì sự hòa thuận của 2 vợ chồng mà nhiều năm qua, gia đình anh Vũ, chị Phương luôn giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa. Chị Phương tâm sự: “Hạnh phúc có được phải đến từ 2 phía. Bởi vậy mà khi chưa đồng thuận, cả hai vợ chồng luôn dành một khoảng thời gian để suy nghĩ những việc xảy ra, không ai nhận phần đúng hoàn toàn về mình, đặt mình vào vị trí của nhau để cảm thông. Khi mọi thứ dịu lại thì cùng nhau nói chuyện để thấu hiểu, chia sẻ những suy nghĩ của bản thân”.

Không chỉ đặt vào vị trí của nhau để giữ lửa hạnh phúc gia đình, việc chăm sóc con cái cũng luôn được vợ chồng anh Vũ, chị Phương chăm chút cẩn thận. Anh Vũ cho biết, hai vợ chồng mỗi người một việc nhưng ngoài thời gian đi làm, vợ chồng luôn dành khoảng thời gian nhất định để đồng hành, chăm sóc con trong môi trường tốt nhất. Và điều quan trọng hơn cả là những lúc bên con, vợ chồng tôi thường xuyên trò chuyện, sẻ chia cùng con để tạo cho con thói quen tâm sự với bố mẹ những khi gặp khó khăn trong học tập, sinh hoạt và trong tất cả các mối quan hệ.

Không chỉ vợ chồng anh Linh, chị Nhàn; anh Vũ, chị Phương, để mỗi gia đình luôn gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, hàng năm, ngoài việc phát động sâu rộng phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” đến tất cả tổ dân phố, khu dân cư, cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện tốt các tiêu chí về văn hóa, giáo dục; động viên các gia đình nhắc nhở thành viên phải luôn hòa thuận, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, sống kỷ cương, giao tiếp, ứng xử lễ phép, gương mẫu chấp hành quy ước, hương ước của bản, tổ dân phố, khu dân cư.

Thêm giải pháp để cuộc sống thuận hòa

Bà Dương Thị Chung, Trưởng phòng Quản lí văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, trong xu thế hiện đại, tệ nạn xã hội, kinh tế khó khăn, mâu thuẫn cá nhân, gia đình... được xem là những nguyên nhân cơ bản làm gia tăng tình trạng bạo lực gia đình, khiến cho mỗi gia đình không được hạnh phúc. Thực tế thì hiện nay, nạn nhân của bạo lực gia đình không chỉ dừng lại ở người phụ nữ mà xảy ra ngay cả ở trẻ em và người già. Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh có 30 vụ bạo lực gia đình; trong đó, 4 vụ bạo lực tinh thần; 26 vụ bạo lực thân thể.

Để ngăn chặn tình trạng đó, nhiều hoạt động về gia đình đã và đang được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Các mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình cũng ngày được mở rộng như: Mô hình tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; mô hình “Xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Gia đình trẻ phát triển bền vững”, “Câu lạc bộ Tiền hôn nhân”, “Gia đình trẻ không có bạo lực”... Qua thống kê, toàn tỉnh có 557 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 649 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; hơn 500 tổ tư vấn, hòa giải cơ sở. Trong đó, các câu lạc bộ, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình duy trì sinh hoạt định kỳ 2 tháng/lần, một số khác duy trì sinh hoạt định kỳ 1 lần/quý. Riêng “Địa chỉ tin cậy” toàn tỉnh hiện có gần 800 địa chỉ.

Không chỉ duy trì, phát triển và nhân rộng các mô hình liên quan đến công tác phòng, chống bạo lực gia đình, thời gian qua, các cấp, ngành, các địa phương còn đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các hội thi, cuộc thi về công tác gia đình; tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới; các quy định, nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình... Cùng với đó, phê phán, lên án những biểu hiện tiêu cực, xuống cấp đạo đức như: Nạn bạo lực trong gia đình, bất bình đẳng giới, tệ nạn xã hội, tình trạng thách cưới, tảo hôn và những hành vi trái với thuần phong, mỹ tục, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc.

Bài, ảnh: Văn Quyết
Bình luận

Tin khác

Back To Top