Mong mỗi học viên đều trở thành người có ích

06:32 - Thứ Bảy, 01/07/2023 Lượt xem: 5410 In bài viết

ĐBP - Trải qua 30 năm hình thành, hoạt động, Cơ sở Cai nghiện ma túy (trước đây là Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh) trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận, điều trị, cắt cơn, giải độc... cho rất nhiều người từng lầm đường, lạc lối, vướng vào vòng xoáy ma túy. Để có được kết quả đó, mỗi cán bộ đơn vị, dù làm việc ở bộ phận trực tiếp hay gián tiếp đều đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn trong công việc...

Cán bộ Cơ sở Cai nghiện ma túy thăm, động viên học viên cai nghiện tại đơn vị.

Do có hẹn từ trước, anh Ngô Hồng Long, Phó Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy niềm nở tiếp đón chúng tôi như những người thân tình. Lật những tệp tài liệu, anh Long cung cấp cho chúng tôi nhiều thông tin về đơn vị. Anh tâm sự: “Nhiều năm công tác trong ngành, thuận lợi thì có nhưng khó khăn cũng không ít. Mà cái khó khăn nhất là con người để làm việc...”.

Hiện Cơ sở cai nghiện ma túy đang tổ chức điều trị cho gần 500 học viên, song cán bộ chỉ có hơn 60 người. Với số lượng nhân lực ít ỏi như vậy, tính ra mỗi tháng có những cán bộ phải trực đến 15 ngày, không phân biệt cán bộ quản lý hay nhân viên. “Theo quy định thì anh em làm ở bộ phận hành chính sẽ không phải trực nhưng để san sẻ công việc cho nhau nên chúng tôi sẵn sàng tương trợ vì nhiệm vụ chung” - anh Long bộc bạch.

Dẫn chúng tôi mục sở thị công việc của đơn vị, anh Long nửa đùa nửa thật: “Phóng viên thấy anh em cán bộ nhiệt tình chưa, mưa gió thế này mà vẫn xuống sân xem học viên luyện tập thể thao”. Qua tìm hiểu được biết, đây là kíp trực của cán bộ quản lý học viên. Mỗi kíp trực có 3 người thực hiện nhiệm vụ. Việc quan sát phải được tập trung cao độ, bởi chỉ cần sơ hở một chút có thể xảy ra tình trạng học viên bỏ trốn hoặc gây gổ đánh nhau. Từ việc rất nhỏ là ai tắm trước, tắm sau nhưng nếu không để ý thì các học viên có thể mâu thuẫn rồi đánh nhau, gây mất an ninh trật tự tại cơ sở. Bởi vậy mà mỗi cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ trực, không ai được phép lơ là...

 Cơ sở Cai nghiện ma túy hiện có 5 phòng chức năng, mỗi phòng đều có nhiệm vụ khác nhau nhưng có điểm chung là công việc phòng nào cũng bận rộn. Anh Bùi Văn Khuê, Phó trưởng phòng Dạy nghề, trị liệu - người hơn 10 năm trong ngành cho rằng, công việc ở đây thật sự vất vả. Mỗi học viên một tính cách nên để dung hòa và giúp họ vượt qua thời điểm khó khăn là các cơn nghiện thì các thầy phải tìm đủ cách để áp dụng vào thực tiễn. “Sau những lần trị liệu thành công, chúng tôi thấy rất vui, hạnh phúc bởi đã giúp ích cho người” - anh Khuê tâm sự.

Năm 2023 này tròn 30 năm Cơ sở cai nghiện ma túy thành lập và đi vào hoạt động. Khi được hỏi về công tác chuẩn bị cho sự kiện, giọng nói anh Long và anh Khuê trầm xuống. Anh Long cho hay: “Đơn vị cũng đề xuất xin kinh phí tổ chức, một là để anh em có dịp ôn lại những kỷ niệm, thứ nữa cũng để tạo dấu ấn và tạo đà để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ cho chặng đường phía trước... Dẫu vậy, cấp trên bảo khó khăn về nguồn nên Cơ sở không tổ chức gì cả, anh em tự động viên nhau là chính...”.

Cơ sở cai nghiện ma túy hiện đang quản lý gần 500 học viên, trong đó phần lớn là học viên cai nghiện theo hình thức bắt buộc. Khi cai nghiện tại đây, các học viên sẽ có nhiều thuận lợi sau khi tái hòa nhập cộng đồng; bởi tại Cơ sở, ngoài việc được giáo dục, rèn luyện ý chí, thay đổi hành vi, phục hồi nhân cách, từ bỏ ma túy thì trong quá trình cắt cơn giải độc, phục hồi sức khỏe, đơn vị còn tổ chức mô hình dạy nghề, lao động sản xuất quy mô hộ gia đình, như: Kỹ thuật trồng trọt, nuôi cá, nuôi vịt, làm mộc, đan chài, mây tre đan... Ngoài ra, nếu các địa phương có nhu cầu, Cơ sở cũng phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp đào tạo nghề “theo địa chỉ” ngay tại trung tâm để sau khi trở về cộng đồng, họ có nền tảng kiến thức, từ đó tự tạo việc làm cho bản thân, tránh xa tệ nạn xã hội.

Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy Ngô Hồng Long cho biết: Vào cơ sở cai nghiện, học viên còn được học tập, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; cùng với đó, được tư vấn nhóm với các nội dung phòng, chống tái nghiện; kỹ năng đối phó với cơn thèm nhớ ma túy; làm chủ cảm xúc; kỹ năng từ chối; kỹ năng tìm việc làm; quản lý thời gian; xu hướng chung đối với các loại ma túy; các dịch vụ hỗ trợ với người tái hòa nhập cộng đồng... Do đó, hầu hết học viên đã và đang điều trị tại cơ sở có nhiều cố gắng vượt mọi khó khăn chữa trị cai nghiện, lao động trị liệu quyết tâm cai nghiện ma túy. Chấp hành tốt nội quy, quy chế của Cơ sở, tích cực rèn luyện, học tập, thay đổi được hành vi nhân cách... Để khi trở về hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

Quang Long
Bình luận

Tin khác

Back To Top