Khó phát triển BHXH tự nguyện tại Điện Biên Đông

15:52 - Thứ Năm, 06/07/2023 Lượt xem: 6341 In bài viết

ĐBP - Ở huyện vùng cao, điều kiện kinh tế khó khăn như Điện Biên Đông, việc phát triển bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là bài toán khó. Nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho mỗi người dân, cơ quan BHXH huyện Điện Biên Đông đã tích cực phối hợp với các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể xã hội triển khai nhiều giải pháp, chính sách nhằm thúc đẩy việc người dân tham gia BHXH tự nguyện. 

Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả BHXH huyện Điện Biên Đông tư vấn chính sách BHXH tự nguyện và hướng dẫn người dân theo dõi những thông tin, biến động liên quan trên ứng dụng điện thoại.

Điện Biên Đông là 1 trong 7 huyện nghèo của tỉnh Điện Biên, đời sống của người dân đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 47,73%. Vì thế, tuyên truyền vận động để bà con hiểu, chủ động trích một phần thu nhập tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu khi về già là thách thức với cơ quan BHXH.

6 tháng đầu năm 2023, huyện Điện Biên Đông chỉ phát triển mới được 150 người tham gia BHXH tự nguyện. Trong khi đó số lượng người đã tham gia nhưng xin tạm dừng đóng BHXH tự nguyện khoảng trên 200 người. Ông Nguyễn Trọng Chiến, Phó Giám đốc BHXH huyện Điện Biên Đông cho biết: “Việc phát triển BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện Điện Biên Đông rất khó khăn. Nguyên nhân được xác định là do người dân có đời sống khó khăn, thu nhập không ổn định nên không đăng ký tham gia và không thể theo kịp mức đóng của BHXH tự nguyện hàng tháng, đặc biệt là từ khi mức đóng tối thiểu tăng từ 138.000 đồng lên 297.000 đồng/tháng... Bên cạnh đó, một số người dân nhận thức chưa đúng và đầy đủ về chính sách, quyền lợi được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện”.

Năm 2021, anh Hoàng Bá Hùng được người thân là cán bộ BHXH huyện Điện Biên Đông tư vấn và đồng ý tham gia BHXH tự nguyện. Sau khi tham gia được gần 1 năm, Hùng đã xin tạm dừng đóng BHXH tự nguyện. Anh Hoàng Bá Hùng cho biết: “Tôi ngừng đóng BHXH tự nguyện kể từ khi mức đóng tối thiểu tăng từ 138.000 đồng lên 297.000 đồng/tháng. Gia đình tôi có 3 người tham gia BHXH tự nguyện nên mỗi tháng phải trích ra gần 900.000 đồng. Với điều kiện thu nhập gia đình không ổn định, phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp nên đây là khoản tiền khá lớn. Do đó, tôi đã quyết định tạm dừng tham gia BHXH tự nguyện”.

Trước những khó khăn, BHXH huyện Điện Biên Đông linh hoạt nhiều cách làm sáng tạo để tuyên truyền cho người dân hiểu về lợi ích, ý nghĩa của BHXH tự nguyện. Trong đó, đề cao việc “bám bản, bám dân”. Các hội nghị khách hàng chuyển từ ban ngày sang buổi tối để thuận lợi cho người dân tham gia.

Trước đây, công tác tổ chức mở các hội nghị truyền thông gặp nhiều khó khăn do đến nghe phần lớn là phụ nữ, người già, nên tỷ lệ tham gia BHXH đạt thấp. Do đó, cán bộ BHXH cũng chuyển đổi hình thức tuyên truyền từ trung tâm xã đến từng thôn, bản, nhóm hộ hoặc gia đình. Nhiều thôn bản có địa hình, giao thông cách trở song cán bộ BHXH vẫn vượt khó đến tận nơi.

Trực tiếp tham gia công tác này, bà Đặng Thị Mai Lương, cán bộ BHXH huyện Điện Biên Đông kể lại một chuyến đi tuyên truyền về BHXH: “Khi chúng tôi đến bản Nà Nếnh (xã Pú Hồng) truyền thông về chính sách BHXH, đoàn thống nhất với trưởng bản tổ chức hội nghị vào buổi sáng. Tuy nhiên, không có người dân nào đến do bận đi làm nương. Sau đó, chúng tôi quyết định ở thêm 1 ngày tại bản tìm hiểu cuộc sống người dân và thay đổi lịch tổ chức hội nghị vào tối hôm sau. Nhờ vậy, đã có hơn 50 người dân bản Nà Nếnh tham gia buổi trò chuyện, phần lớn đều trong độ tuổi lao động, là đối tượng tiềm năng để triển khai các chính sách BHXH tự nguyện”.

Phụ trách phát triển BHXH tự nguyện tại xã Luân Giói, chị Lò Thị Thảo, xã Luân Giói cho biết: “Là người tại địa bàn, tôi hiểu hết về đặc điểm tình hình của từng thôn, bản trong xã. Từ đó, tôi xây dựng kế hoạch truyền thông về chính sách BHXH tự nguyện phù hợp. Tại những thôn, bản thuận lợi, tôi phối hợp với UBND xã và các bí thư chi bộ, trưởng bản để tổ chức hội nghị tại các buổi họp bản với đông đảo người dân tham gia. Đối với những địa bàn khó khăn hơn, tôi phối hợp với các đoàn thể như: Thanh niên, phụ nữ để tuyên truyền theo từng nhóm nhỏ 5 - 6 hộ và đến từng hộ gia đình. Từ đầu năm đến nay, 100% thôn, bản tại xã Luân Giói đều đã tổ chức hội nghị truyền thông về chính sách BHXH tự nguyện”.

Với những nỗ lực đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, BHXH huyện Điện Biên Đông đã tổ chức 18 hội nghị truyền thông tại trung tâm các xã, thị trấn; 34 hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH theo nhóm nhỏ tại các thôn, bản với gần 900 người tham gia.

Ngoài ra, BHXH huyện Điện Biên Đông còn tổ chức tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện đa nền tảng như: Tuyên truyền qua các hội nhóm, mạng xã hội Facebook, Zalo của tất cả các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn với 242 lượt bài đăng; truyền thông sản phẩm qua các tờ rơi, tờ gấp, băng rôn, khẩu hiệu tại các trung tâm các xã, thị trấn và những tuyến đường huyết mạch của huyện, xã với trên 1.000 tờ rơi, pa nô, áp phích...

Ông Nguyễn Trọng Chiến, Phó Giám đốc BHXH huyện Điện Biên Đông chia sẻ: Với điều kiện hiện tại của huyện Điện Biên Đông, để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, không còn cách nào khác cán bộ BHXH phải tăng cường “bám dân, bám bản” để tích cực tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu về giá trị thực sự của BHXH tự nguyện. Đây là chính sách an sinh xã hội, mở ra cơ hội được hưởng lương hưu cho tất cả người lao động, góp phần ổn định và phát triển xã hội.

Bảo Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top