Bệnh viện 7/5 những ngày cuối năm

00:00 - Thứ Sáu, 22/01/2016 Lượt xem: 2618 In bài viết
ĐBP -  “Gần Tết rồi, y, bác sĩ đều bận cả, các đồng chí thông cảm!”. Đại tá Phạm Hồng Phong - Giám đốc Bệnh viện 7/5 (Công an tỉnh) chia sẻ vì đã hẹn chúng tôi mấy lần nhưng do bận nên hôm nay mới có dịp gặp ông. Năm năm từ lúc bệnh viện thành lập đến nay cũng là 5 cái Tết ông cùng đội ngũ y bác sĩ túc trực để chăm sóc sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ và nhân dân trong khu vực...

...Dù trong năm bệnh viện đảm bảo giải quyết nghỉ phép, nghỉ chế độ cho cán bộ và các y bác sĩ, nhưng thời điểm trước, trong và sau Tết thì 100% quân số đơn vị luôn phải túc trực, sẵn sàng cho mọi tình huống. Vất vả nhất có lẽ là các y bác sĩ khoa nội tiết, tiêu hóa và khoa ngoại. Bởi trong dịp Tết số trường hợp ngộ độc thực phẩm, cảm lạnh, đột quỵ, cao huyết áp và chấn thương thường tăng cao.

Đại tá Phạm Hồng Phong nhớ lại cách đây năm năm, khi bệnh viện 7/5 vừa khánh thành và đi vào hoạt động chừng ba tháng, trong đêm giao thừa đầu tiên có một thanh niên nhập viện trong tình trạng đa chấn thương vì tai nạn. Nhờ đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm mà bệnh nhân nhanh chóng được sơ, cấp cứu kịp thời và chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị chuyên sâu. Gần 20 bệnh nhân trong những ngày Tết đầu tiên của bệnh viện năm ấy khiến các y bác sĩ thực sự vất vả, khi đội ngũ của bệnh viện mới chỉ vẻn vẹn gần ba mươi người. “Vẫn xác định tư tưởng là sẽ bận rộn, nhưng thật sự không ai nghĩ lại vất vả đến thế!” - Đại tá Phạm Hồng Phong chia sẻ. Cũng phải, bởi trước đó, khi còn là Bệnh xá Công an tỉnh, nhiệm vụ của các y bác sĩ là tư vấn sức khỏe, khám chữa bệnh cho cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân nay được đầu tư, nâng cấp lên bệnh viện, thực hiện đón tiếp và khám, chữa bệnh cho nhân dân nên công việc nhân lên gấp bội.

Đại tá Phạm Hồng Phong - Giám đốc Bệnh viện 7/5 thăm hỏi bệnh nhi điều trị tại bệnh viện.

Điều dưỡng Đỗ Thị Thành Tâm gắn bó với khoa Ngoại của Bệnh viện 7/5 chưa đầy sáu tháng. Vừa cắm chuyền cho bệnh nhân Vàng A Chầu cán bộ Công an huyện Mường Chà bị tụ máu chân sau chấn thương, chị chia sẻ: Công việc quay như chong chóng!. Gian nan, vất vả là vậy, nhưng không ai than vãn một lời. Ngược lại vẫn luôn vui vẻ, niềm nở và động viên bệnh nhân cố gắng điều trị sớm khỏi bệnh, về vui vầy đón Tết với gia đình.

Tâm tư, tình cảm nỗi nhớ đoàn tụ gia đình trong ngày Tết của các chị, các anh cũng phải tạm gác sang một bên. Những ngày trực ở bệnh viện các y, bác sĩ của bệnh viện thường xuyên đến từng giường bệnh thăm hỏi, động viên bệnh nhân phải nằm điều trị vì chính họ cũng không có một cái Tết trọn vẹn. Đặc biệt là đối với các bệnh nhân nhi. Tết đến khi các bạn vui chơi, chạy nhảy, được mừng tuổi, được ăn nhiều món ăn ngon thì các cháu phải nằm điều trị, đón Tết cùng những viên thuốc, mũi tiêm, kim truyền. Với những bệnh nhân “đặc biệt” ấy, các y bác sĩ không những thăm hỏi, động viên mà còn tặng quà các cháu.

Thượng úy Lò Văn Bình - bác sĩ khoa Ngoại kể lại kỷ niệm Tết Ất Mùi năm ngoái mà cười ra nước mắt. Chả là hôm ấy vừa mới sáng mùng một Tết thì một bệnh nhân bị gãy chân nằm điều trị tại khoa ngoại gọi bác sĩ ầm cả lên. Anh em vội vàng chạy sang thì hóa ra bệnh nhân ấy… rủ bác sĩ đánh bài ăn tiền để lấy lộc đầu năm. Các bác sĩ phải khuyên bảo mãi, thậm chí còn mời cả lãnh đạo khoa xuống thì bệnh nhân mới chịu thôi. Kỷ niệm ấy đến giờ anh em trong khoa vẫn nhắc đến.

Hiện nay, Bệnh viện 7/5 đã được Bộ Công an và Ban Giám đốc Công an tỉnh đầu tư, trang cấp nhiều thiết bị y tế hiện đại, tiên tiến hơn; nhân lực cũng được bổ sung đáp ứng yêu cầu công tác. Song điều đó cũng đồng nghĩa với công việc, trách nhiệm của mỗi lãnh đạo và y bác sĩ bệnh viện lại càng bận rộn và nặng nề hơn. Bởi vậy trong mỗi dịp Tết, bên cạnh việc chỉ đạo cán bộ y bác sĩ ứng trực 24/24h tại các khoa, phòng, lãnh đạo bệnh viện còn chủ động lập các tổ cấp cứu lưu động những các y, bác sĩ giàu kinh nghiệm, sẵn sàng cho mọi tình huống khẩn cấp và thực hiện nhiệm vụ đột xuất khi Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo.

Khi được hỏi trong 35 năm làm nghề y, cái Tết nào ông thấy trọn vẹn nhất? Đại tá Phạm Hồng Phong cho biết: “Cứ khi nào một bệnh nhân được cứu sống, hồi phục sức khỏe thì đấy là một cái Tết trọn vẹn và viên mãn đối với người thầy thuốc như chúng tôi!”. Câu trả lời ấy khiến tôi chợt hiểu rằng: bên cạnh tấm lòng “từ mẫu” của một “lương y”, thì mỗi cán bộ công an áo trắng còn thực hiện nhiệm vụ vinh quang nữa chính là “vì nhân dân phục vụ”.

Bài, ảnh: Lê Hoàng
Bình luận
Back To Top