KỶ NIỆM 61 NĂM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM (27/2/1955 - 27/2/2016)

Yêu nghề và đồng cảm với bệnh nhân

00:00 - Thứ Sáu, 26/02/2016 Lượt xem: 2290 In bài viết
ĐBP - Những người theo nghề y, hay còn gọi là thầy thuốc - một nghề cao quý, chữa bệnh cứu người, mang lại hạnh phúc và bình an cho bệnh nhân cũng như gia đình người bệnh. Họ xứng đáng được ghi nhận, nể trọng, tôn vinh vì những gì họ cống hiến, mang lại cho xã hội. Ở mỗi lĩnh vực chuyên môn khác nhau thì sự cống hiến, vất vả của họ cũng khác nhau. Đối với những thầy thuốc điều trị, chăm sóc bệnh nhân tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh cũng vậy, công việc của họ luôn có tính đặc thù riêng, nếu không muốn nói là nhiều khó khăn, vất vả và nguy hiểm.

Đến thăm Bệnh viện Tâm thần tỉnh Điện Biên vào những ngày đầu năm mới Bính Thân 2016, theo chân Bác sỹ Cao Danh Tuyên, Trưởng khoa Điều trị đi kiểm tra tình hình tiến triển của các bệnh nhân, chúng tôi mới có dịp hiểu thêm về công việc mà các thầy thuốc ở đây đang làm. Nhìn bên ngoài, các phòng bệnh nhân rất bình thường như bao bệnh viện khác. Nhưng khi bước vào từng phòng, chúng tôi bắt gặp những nụ cười ngây dại, những câu chào hỏi rất lễ phép, ngây thơ như những đứa trẻ; hay những gương mặt lạnh tanh với cặp mắt lừ lừ nhìn chúng tôi không chớp như thể thăm dò. Thấy chúng tôi có vẻ e dè, Bác sỹ Tuyên liền giới thiệu: “Các bệnh nhân ở đây cơ bản tình trạng sức khỏe, tinh thần đã được điều trị tương đối ổn định; một số người đã có thể đối thoại, nói chuyện bình thường”. Đến gần một bệnh nhân nam to khỏe vẫn đang nằm ngủ li bì trên giường, Bác sỹ Tuyên cho biết: “Đây là bệnh nhân có những biểu hiện, hành vi nguy hiểm, rối loạn nhận thức, hay bị kích động, ở nhà đã cầm dao đòi giết vợ; bệnh nhân được người nhà chuyển đến bệnh viện trong tình trạng chân tay bị trói chặt. Sau một thời gian điều trị, đến nay bệnh nhân có tiến triển tốt, đã biết nhận thức và đối thoại được, nhất là đã tự biết vệ sinh cá nhân. Điều trị cho bệnh nhân này, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì anh ta không hợp tác, luôn chống đối…”.

Bác sỹ Cao Danh Tuyên, Trưởng khoa Điều trị (Bệnh viện Tâm thần tỉnh) thăm hỏi tình hình sức khỏe bệnh nhân.

Theo Bác sỹ Tuyên, làm bác sỹ chuyên ngành tâm thần không chỉ đòi hỏi về trình độ, chuyên môn, mà bên cạnh đó còn phải có tình yêu nghề, phải kiên trì, biết yêu thương, đồng cảm với bệnh nhân. Hàng ngày, thường xuyên đến từng buồng bệnh thăm, khám, kiểm tra, theo dõi tình trạng, diễn biến của bệnh nhân để có phác đồ thích hợp trong quá trình điều trị. Cái khó của bác sỹ điều trị cho bệnh nhân tâm thần là ở chỗ: Đối với bệnh nhân bình thường thì họ biết lắng nghe, họ cần đến bác sỹ, họ yêu cầu được điều trị một cách tốt nhất. Nhưng đối với những bệnh nhân tâm thần thì ngược lại, họ không chịu hợp tác với bác sỹ, luôn chống đối; họ cho rằng mình là người bình thường, không cần phải điều trị, và luôn có tư tưởng trốn viện. Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp trốn viện mà bác sỹ phải phối hợp với người nhà bệnh nhân đi tìm nhiều ngày mới thấy. Thỉnh thoảng lại gặp những bệnh nhân hay bị kích động, rối loạn nhận thức, quậy phá, tấn công bác sỹ… Gần đây, có bệnh nhân còn lấy bình cứu hỏa để ở hành lang bệnh viện đập phá cửa kính các phòng; hay có bệnh nhân còn cào cấu, nhổ nước  bọt vào mặt bác sỹ… Nhất là đối với bệnh nhân tâm thần nghiện ma túy, nhân cách con người họ bị thay đổi, họ cùn tính, có thể xếp vào diện bệnh nhân đặc biệt nguy hiểm. “Đối với những bác sỹ điều trị cho bệnh nhân tâm thần như chúng tôi, việc bị trầy xước, thương tích nhẹ, bầm tím do bệnh nhân gây ra là chuyện bình thường” - Bác sỹ Cao Danh Tuyên chia sẻ.

Bình quân mỗi năm Bệnh viện Tâm thần tỉnh Điện Biên điều trị cho khoảng 400 bệnh nhân nội trú. Số bệnh nhân đang điều trị hiện tại dao động từ 20 - 25 người. Bác sỹ Lương Văn Sáng, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: Xác định điều trị, chăm sóc người bệnh tâm thần là việc làm rất khó khăn, vất vả và nguy hiểm. Song cán bộ của đơn vị đã có nhiều cố gắng trong công tác điều trị, chăm sóc người bệnh, nhất là những bệnh nhân nặng, có hành vi nguy hiểm, hành vi tự sát, hành vi trốn viện và chống đối cả khi ăn uống… Các bệnh nhân luôn được theo dõi sát sao, nắm bắt diễn biến tâm lý, hành vi để có kế hoạch xử trí kịp thời.

Hiện nay, Bệnh viện Tâm thần tỉnh chưa có trụ sở, vẫn đang phải nhờ một phần khuôn viên của Bệnh viện Lao & Bệnh phổi làm cở sở điều trị. Công tác khám, chữa bệnh mặc dù còn khó khăn về nhân lực, vật lực; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng đúng theo yêu cầu chuyên môn của một ngành có tính chuyên biệt, nhưng với tình yêu nghề nghiệp, với quyết tâm khắc phục khó khăn của tập thể cán bộ, y, bác sỹ bệnh viện, nên công tác khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân tâm thần luôn được đảm bảo; các chỉ tiêu khám, chữa bệnh đều vượt so với kế hoạch đề ra. Được biết, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Điện Biên đang quản lý trên 700 bệnh nhân tâm thần (dạng phân liệt), trên 600 bệnh nhân động kinh tại cộng đồng. Sau gần 4 năm đi vào hoạt động, bệnh viện đã đáp ứng không chỉ lòng mong mỏi của bệnh nhân, người thân và cộng đồng xã hội; mà còn cả nguyện vọng được chăm sóc, được cống hiến sức mình của đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ bệnh viện đối với bệnh nhân. Trước khi chia tay, bác sỹ Cao Danh Tuyên, Trưởng khoa điều trị còn nói: “Chúng tôi thấy thật hạnh phúc mỗi khi bệnh nhân được bình phục, ổn định tâm lý, trở về hòa nhập với cộng đồng. Khi đó, những khó khăn, vất vả của chúng tôi như được bù đắp, như được tiếp thêm nghị lực để tiếp tục cống hiến cho cộng đồng xã hội”.

Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), chúng tôi xin gửi đến tất cả những thầy thuốc nói chung, thầy thuốc của Bệnh viện Tâm thần tỉnh Điện Biên nói riêng lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc các thầy thuốc nhiều sức khỏe, hạnh phúc và nhiệt huyết để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp chữa bệnh cứu người!

Bài, ảnh: Linh Giang
Bình luận
Back To Top