Phát triển dược liệu và y học cổ truyền: Manh mún, thiếu quy hoạch

00:00 - Thứ Ba, 22/03/2016 Lượt xem: 2477 In bài viết
Một trong những điểm đáng chú ý và được đồng thuận cao trong Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) chuẩn bị được Quốc hội thông qua là chính sách của Nhà nước về phát triển dược liệu và y học cổ truyền (YHCT). Đây vốn dĩ là lợi thế lâu đời của nước ta, là một ưu việt của nền y học nước nhà, nhưng lâu nay chưa được quan tâm, tạo điều kiện phát triển đúng mức.

Bán cái nguyên chất, mua cái tạp chất!

Là một trong những đơn vị có thâm niên trong sản xuất thuốc YHCT, Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm A.T (TPHCM), cho biết rất đau đầu với nguyên liệu. Theo vị giám đốc này, nguyên liệu trong nước ngày càng cạn kiệt, bị thương lái thu mua tận diệt rồi xuất sang Trung Quốc cả gốc, rễ, lá, cành. Do đó, các nhà máy trong nước hầu hết đều phải nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc và chất lượng không đảm bảo. Một số công ty tuy cũng có đầu tư các vùng trồng nguyên liệu nhưng vẫn lay lắt. “Công ty tôi kết hợp với tỉnh Hà Giang, An Giang trồng dược liệu nhưng không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc giá rẻ. Đầu tư mà không có đầu ra thì chết”, Giám đốc Công ty Dược phẩm A.T than thở… Thực tế, theo Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế), mỗi năm nước ta tiêu thụ từ 60.000 đến 70.000 tấn dược liệu. Trong đó, sản xuất trong nước chỉ đạt chưa đến 10%, còn hơn 90% nguồn dược liệu được nhập từ Trung Quốc.

Bày bán dược liệu tràn lan không kiểm soát được chất lượng.

Tuy  nhiên, điều đáng quan ngại là chất lượng của dược liệu nhập khẩu chưa được kiểm soát chặt chẽ, nguồn gốc không đảm bảo. Trong năm 2015, Cục Quản lý y dược cổ truyền đã lấy 227 mẫu dược liệu để kiểm nghiệm thì có tới 60% mẫu không đạt chất lượng (không đạt chất lượng về hàm lượng, hoạt chất, làm giả dược liệu). Thậm chí, theo bà Trần Thị Hồng Phương, Phó Cục trưởng Cục Y dược cổ truyền, có nhiều dược liệu bị phát hiện làm giả hoặc bị chiết hết tinh chất như ý dĩ, hoàng kỳ, thăng ma, thiên ma, hoài sơn, khương hoạt…

Trước đó, qua kiểm nghiệm gần 400 mẫu dược liệu thì Cục Y dược cổ truyền cũng phát hiện đa số không đảm bảo chất lượng, nhất là dược liệu nhập từ Trung Quốc lẫn lộn cả bột xi măng, cacbonat và chất gây ung thư. Theo Bộ Y tế, hiện cả nước có khoảng 61 doanh nghiệp sản xuất thuốc dược liệu, nhưng chủ yếu cũng nhập khẩu nguyên liệu, phần lớn từ Trung Quốc. Ngoài ra là buôn bán theo hộ kinh doanh cá thể, tự phát, không đủ điều kiện bảo quản, tiêu chuẩn vệ sinh. Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội Đông y TPHCM, những cây thuốc quý của nước ta được khai thác bán nguyên chất nhưng khi nhập khẩu lại thì toàn tạp chất. Dược liệu rác, trôi nổi, kém chất lượng đến nay vẫn tràn lan, chưa kiểm soát được.

Siết nhập khẩu, khuyến khích nuôi trồng

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, định hướng ngành dược trong nước ưu tiên nghiên cứu sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn nguyên liệu, dược liệu sẵn có tại Việt Nam để phục vụ công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc generic, thuốc sắp hết hạn bằng sáng chế hoặc độc quyền, kể cả vaccine, sinh phẩm y tế. Do đó, Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) đã bổ sung nhiều quy định về dược liệu, YHCT như tạo điều kiện phát hiện, đăng ký lưu hành, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, kế thừa, bảo mật bài thuốc cổ truyền và có chính sách đãi ngộ hợp lý cho người hiến tặng các bài thuốc cổ truyền quý… Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, các chính sách phát triển YHCT sẽ “thoáng hơn”, kể cả miễn thử lâm sàng và một số giai đoạn thử lâm sàng với bài thuốc YHCT được Bộ Y tế công nhận; cấp chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề tại các hộ kinh doanh thuốc cổ truyền…

Bộ Y tế cho biết, hiện Việt Nam đã thống kê được trên 4.000 loài cây trong rừng tự nhiên có thể sử dụng làm thuốc. Không chỉ một số dược liệu chữa được bệnh thông thường mà hiện nay đã nghiên cứu, phát triển thành công những loại thuốc có tác dụng chữa các bệnh nan y. Vậy làm gì để phát triển nguồn dược liệu phục vụ nhu cầu sản xuất thuốc trong nước, nhất là thuốc YHCT? Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, cần sớm cụ thể hóa chiến lược phát triển dược liệu cùng với các chính sách đầu tư như quy hoạch các vùng nuôi trồng, hỗ trợ ưu đãi vốn và đầu ra. Chẳng hạn tỉnh Hà Giang đã đầu tư gần 2.000ha ở ba huyện nghèo với trên 1.000 loại dược liệu, phấn đấu đáp ứng đủ 300 vị thuốc YHCT cho cả nước, nhưng kết quả thế nào vẫn chưa ghi nhận! Thực tế việc nuôi trồng nguồn dược liệu chủ yếu vẫn tự phát, manh mún. Địa phương nào thấy có dược liệu tiềm năng thì kêu gọi trồng, doanh nghiệp có tiềm lực thì nuôi trồng nhưng thiếu những mô hình, quy hoạch, định hướng. Nhiều địa phương xin Chính phủ hay các bộ ngành hỗ trợ nuôi trồng dược liệu nhưng mục tiêu chưa rõ ràng, chưa ai chịu trách nhiệm. Theo TS Trần Thị Hồng Phương, cần phải quy hoạch vùng trồng dược liệu chuyên canh quy mô lớn nhằm cung cấp dược liệu sạch, có tính ổn định, có chính sách khuyến khích nông dân nuôi trồng dược liệu, tạo ra thị trường tiêu thụ dược liệu tốt…

Tuy nhiên, vấn đề được các chuyên gia dược học, YHCT lưu ý trước mắt là kiểm soát được chất lượng dược liệu nhập khẩu. Theo các nhà chuyên môn, không như tân dược có thể kiểm soát dễ dàng qua kiểm nghiệm, trong đông dược việc kiểm định chất lượng, hàm lượng rất khó khăn. Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 03 để quản lý nguồn dược liệu nhập khẩu, có hiệu lực thi hành từ ngày 6-3-2016 yêu cầu tất cả dược liệu nhập phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, có đối tác bên nhập được phép kinh doanh dược liệu. Đặc biệt, từ ngày 1-7-2016, một số dược liệu được đưa vào danh mục phải có phiếu kiểm nghiệm chất lượng của từng lô khi nhập khẩu.

Theo quy định mới, doanh nghiệp Việt Nam muốn được nhập khẩu dược liệu phải có các điều kiện gồm: Đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc với phạm vi bán buôn dược liệu; đạt các nguyên tắc “Thực hành tốt bảo quản thuốc” đối với dược liệu theo quy định.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top