Tham gia bảo hiểm y tế để giảm gánh nặng viện phí

00:00 - Thứ Tư, 23/03/2016 Lượt xem: 2108 In bài viết
Sau gần một tháng tăng giá 1.800 dịch vụ y tế, nhiều người dân, đặc biệt ở các vùng quê đã mạnh dạn tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) để phòng thân. Bảo hiểm xã hội (BHXH) 30 quận, huyện của TP Hà Nội đang gấp rút hoàn thành điều tra, lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT, đồng thời thực hiện các biện pháp mở rộng đối tượng tham gia BHYT, từ đó góp phần giảm gánh nặng viện phí.

Trở về quê nhà sau nhiều năm lao động ở nước ngoài, bà Đào Thị Thuyên (Ứng Hòa, Hà Nội) phải nhập viện vì căn bệnh tiểu đường độ II dẫn đến bại một cánh tay. Do chưa tham gia BHYT nên gia đình phải trả 100% chi phí khám và điều trị bệnh với số tiền 20 triệu đồng. Nhằm giảm nỗi lo chi phí điều trị bệnh nhất là khi tăng giá dịch vụ y tế, bà Thuyên bảo con nhanh chóng mua thẻ BHYT cho cả gia đình.

Khu vực tiếp nhận bệnh nhân khám bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Việt Nam - Cuba.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc BHXH Hà Nội cho biết: Để nâng cao tỷ lệ tham gia BHYT, ngành BHXH thành phố tập trung vào chương trình hành động cụ thể để phát triển, khai thác mở rộng ba nhóm đối tượng còn ít tham gia BHYT. Đó là, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, hộ kinh doanh cá thể. BHXH thành phố tăng cường phối hợp với Cục Thuế thành phố vận động chủ sử dụng lao động và người lao động tích cực tham gia BHYT.

Nhóm đối tượng thứ hai là học sinh, sinh viên các trường cao đẳng, đại học, trung học chuyên nghiệp học năm thứ hai trở đi. Ngoài việc tích cực phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo, các nhà trường và học sinh, sinh viên, ngành BHXH còn phối hợp với UBND các quận, huyện có trường học tuyên truyền, vận động. Đối tượng thứ ba là hộ gia đình. Với đối tượng này, ngành BHXH phối hợp với UBND các quận, huyện, xã, phường, các đại lý thu BHYT triển khai vận động để người dân hiểu từ đó có sự lựa chọn đúng đắn, nhằm chia sẻ rủi ro, gánh nặng viện phí.

Hiện nay, toàn thành phố có hơn 5,5 triệu người tham gia BHXH, BHYT. Trong đó, hơn 1,3 triệu người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc; hơn 20 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện; hơn 426 nghìn người tham gia BHYT theo hộ gia đình; hơn 3,7 triệu người chỉ tham gia BHYT (đối tượng hưu trí, mất sức lao động, trẻ em dưới 6 tuổi, thân nhân công an, quân đội, người có công…).

Từ ngày 1-7 tới đây, theo lộ trình, giá dịch vụ y tế áp dụng cho tất cả đối tượng cả có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT đều tăng, với mức tăng khoảng 50% so với hiện nay. Hiện tại, BHXH thành phố ký hợp đồng khám chữa bệnh (KCB) BHYT với 198 cơ sở KCB, trong đó có 79 bệnh viện (23 bệnh viện ngoài công lập), 45 trung tâm y tế và tương đương, 12 phòng khám đa khoa, 62 đơn vị y tế cơ quan.

Ông Nguyễn Đức Hòa cho rằng, khi viện phí áp dụng theo hướng tính đúng, tính đủ và thông tuyến khám chữa bệnh BHYT (hiện nay là tuyến huyện), bệnh viện nào có chất lượng khám chữa bệnh kém, bệnh nhân sẽ giảm và không có nguồn thu. Khi đó, chính bệnh nhân sẽ là người đánh giá và xác định chất lượng KCB tại các bệnh viện. Hiện nay, ngành BHXH đang phối hợp với ngành Y tế triển khai phần mềm liên thông giữa các bệnh viện với nhau để xác định được người đi khám trong một ngày.

Hơn bao giờ, việc đẩy nhanh độ bao phủ BHYT lại trở nên cấp thiết để người dân không may mắc bệnh được chia sẻ gánh nặng viện phí và tránh rơi vào tình trạng đã nghèo lại càng nghèo. Vì vậy, không chỉ ngành BHXH, Y tế, mà cả các cơ quan chức năng có liên quan, chính quyền địa phương phải có nhận thức đúng đắn, vào cuộc mạnh mẽ, tích cực hơn để giúp người dân thấy được lợi ích, tính nhân văn của chính sách an sinh xã hội cũng như của việc tham gia BHYT.

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top