Bệnh viện Đa khoa tỉnh với mục tiêu nâng hạng

Nhiều việc cần làm

00:00 - Thứ Sáu, 25/03/2016 Lượt xem: 2593 In bài viết
ĐBP - Được công nhận là bệnh viện loại II từ năm 2004, Bệnh viện Đa khoa tỉnh gồm 25 khoa, 5 phòng chức năng, 1 Trung tâm Huyết học truyền máu trực thuộc với quy mô 500 giường bệnh. Những năm qua, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp, các ngành, tập thể cán bộ, y bác sỹ Bệnh viện đã dồn tâm lực, tập trung đồng bộ các giải pháp, nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh, với mong muốn sớm hoàn thành mục tiêu nâng bệnh viện lên hạng I.

Theo quy định, tất cả các bệnh viện thuộc hệ thống y tế nhà nước đều được xem xét, xếp hạng. Việc xếp hạng bệnh viện là cơ sở để hoàn chỉnh tổ chức, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật và chất lượng phục vụ người bệnh. Cùng với đó là đầu tư phát triển bệnh viện trong từng giai đoạn thích hợp, phân tuyến kỹ thuật trong điều trị. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí lao động và thực hiện các chế độ chính sách đối với công chức, viên chức bệnh viện. Việc xếp hạng được xác định trên nguyên tắc đánh giá chấm điểm theo 5 nhóm tiêu chuẩn: Vị trí, chức năng và nhiệm vụ; quy mô và nội dung hoạt động; trình độ chuyên môn kỹ thuật, cơ cấu lao động; cơ sở hạ tầng và thiết bị y tế, kỹ thuật chẩn đoán và điều trị. Các bệnh viện được chia thành 3 hạng: hạng I, hạng II và hạng III, dựa trên tổng số điểm mà bệnh viện đạt được theo các nhóm tiêu chuẩn trên. Căn cứ các tiêu chí phân hạng bệnh viện thì Bệnh viện Đa khoa tỉnh cần tập trung thực hiện các tiêu chí: phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh để được công nhận là Bệnh viện hạng I.

Đồng chí Trần Văn Sơn, Bí thư Tỉnh ủy thăm Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Chia sẻ với chúng tôi về những việc đã làm được trong lộ trình nâng hạng bệnh viện, Thạc sỹ, bác sỹ Trần Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Nhằm nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của đội ngũ y, bác sỹ, bệnh viện đã bổ sung nguồn nhân lực, đặc biệt chú trọng về năng lực. Đến nay, Bệnh viện có 99 bác sỹ, trong đó 2 thạc sỹ bác sỹ chuyên khoa II, 13 thạc sỹ, 31 bác sỹ chuyên khoa I, 53 bác sỹ đa khoa và bác sỹ chuyên khoa định hướng... Để hoàn thiện tiêu chí trình độ chuyên môn kỹ thuật, đơn vị đã có kế hoạch liên kết với Trường Đại học Y Thái Bình về việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ y, bác sỹ của bệnh viện trong thời gian tới. Hàng năm Bệnh viện cử nhiều bác sỹ đi học các lớp ngắn hạn tại các bệnh viện TW và các chuyên ngành. Với những nỗ lực đó, năm 2015, đơn vị đã tiếp nhận thành công 12 gói kỹ thuật về chuyên môn do Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chuyển giao. Điều vui mừng hơn cả là được sự quan tâm giúp đỡ của Bộ Y tế và Bệnh viện Tim Hà Nội, đơn vị đã tham gia Đề án Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Tim Hà Nội giai đoạn 2015 – 2020.

Bên cạnh yếu tố con người, để sớm hoàn thành mục tiêu nâng hạng, Bệnh viện cũng tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Đến nay, đơn vị đã trang bị được các trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ, như: Máy chụp CT – Scaner, XQ kỹ thuật số, cộng hưởng từ, siêu âm Doppler… Ngoài ra, còn được bổ sung 10 máy thận nhân tạo và hệ thống pha dịch trung tâm, rửa quả lọc, đưa vào sử dụng trong điều trị cho bệnh nhân phải chạy thận chu kỳ. Bệnh viện còn áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị, như: phẫu thuật nội soi tiêu hóa, tiết niệu, sản phụ, phẫu thuật thay khớp háng, nẹp cột sống. Qua đó, giúp người bệnh có cơ hội tiếp cận kỹ thuật cao tại tỉnh với chi phí thấp hơn, giảm lượng bệnh nhân chuyển lên tuyến do thiếu phương tiện kỹ thuật. Với mục tiêu lấy bệnh nhân làm trung tâm, hướng đến sự hài lòng của người bệnh, Bệnh viện cũng chú trọng nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, cải tiến chất lượng bệnh viện thông qua nhiều giái pháp: Tăng số lượng phòng khám, sắp xếp lại các khoa phòng khoa học và hợp lý, không để người bệnh chờ khám dài. Hàng tuần, Bệnh viện tổ chức các cuộc họp hội đồng người bệnh để nắm tình hình và chấn chỉnh kịp thời những phản ánh của người bệnh đối với công tác khám, chữa bệnh. Trong điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, bệnh nhân tại Khoa Nhi, Khoa Sản thường đông, thiếu giường nằm nên đơn vị đã thu hẹp diện tích Khoa Mắt để dành không gian bố trí giường bệnh cho bệnh nhân. Nội não khoa tổng hợp, Nội tổng hợp cũng lắp thêm nhà khung kính để làm phòng cho cán bộ, y bác sỹ trực và nhường chỗ cho bệnh nhân.

Nâng hạng Bệnh viện Đa khoa tỉnh trở thành loại I mang lại nhiều lợi ích như tăng giá dịch vụ, giường nằm, các chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, y bác sỹ cũng được nâng lên, có điều hiện phát triển và ứng dụng KHKT… Vấn đề nâng hạng là vô cùng cần thiết, song để làm được điều này thì ngoài sự nỗ lực của tập thể cán bộ, y, bác sỹ bệnh viện còn cần đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Qua 12 năm sử dụng, cơ sở vật chất, trang thiết bị của Bệnh viện đã xuống cấp, lạc hậu, ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động chuyên môn. Một số máy móc được đầu tư từ năm 2014 nay đã hư hỏng, đặc biệt là hệ thống vệ sinh, thoát nước nên việc sửa chữa, nâng cấp là rất cần thiết. Do vậy mà lộ trình nâng hạng trở thành bệnh viện loại I của Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn rất nhiều việc cần làm.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top