Tán sỏi tiết niệu bằng tia laser, sao lại chết người?

00:00 - Thứ Tư, 30/03/2016 Lượt xem: 2885 In bài viết
ĐBP - Chị Lò Thị Thương, sinh năm 1982, giáo viên Trường Mầm non Luân Giói, xã Luân Giói (huyện Điện Biên Đông), thời gian gần đây mắc bệnh sỏi thận. Chị Thương được y tế tuyến huyện giới thiệu chuyển lên bệnh viện tuyến trên điều trị, nhập viện Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngày 19/3/2016. Sau một tuần nằm viện được y, bác sỹ theo dõi chăm sóc, ngày 25/3, chị Thương được chữa trị bệnh sỏi thận bằng tán sỏi tiết niệu bằng tia laser (trong chuyên môn nghề y gọi là thủ thuật)...

...Ca thủ thuật hoàn thành lúc hơn 11 giờ trưa cùng ngày. Sau khi xong thủ thuật tán sỏi, chị Thương có hiện tượng chóng mặt buồn nôn, chân tay giãy giụa, nói năng không minh mẫn. Sau đó chị được y, bác sỹ của Bệnh viện tiêm thuốc 4 lần để chữa trị. Tuy nhiên, sau mỗi lần tiêm, Thương ngủ li bì và lần cuối cùng bất tỉnh, rồi tử vong. Chị Thương ra đi trong sự bất ngờ, đau đớn của gia đình và người thân. Gia đình chị Thương và dư luận xã hội đặt câu hỏi tại sao không phải bệnh hiểm nghèo, không phải ca mổ khó, nguyên nhân nào dẫn đến cái chết của chị Thương?. Hơn 11 giờ đêm, ngày 27/3 cơ quan chuyên môn đã vào cuộc, khám nghiệm tử thi và đang chờ một kết luận minh bạch, công tâm và đàng hoàng của các ngành chức năng.

Bà Lò Thị Siêng, mẹ đẻ của chị Thương là người chăm sóc con sau khi mổ nội soi, cho biết: Sau khi mổ, cháu Thương vẫn tỉnh táo và nói với mẹ “con không thấy đau”. Nhưng hơn 10 phút sau, tôi thấy cháu môi thâm tái và bảo chóng mặt, buồn nôn. Tôi sợ quá, gọi bác sỹ thì bác sỹ trả lời “buồn nôn là chuyện bình thường, cứ để cho nó nôn”. Thương nôn nhiều lần. Sau đó, cháu giãy giụa chân tay và kêu to: “Tránh ra”. Thấy Thương hành động như vậy, bác sỹ trực lúc đó nói: Mày buồn cười thật, phải chịu đau chứ, xem bệnh nhân kia 90 tuổi mà họ có kêu đâu. Rồi bác sỹ nói với tôi: Nó có phải con út không, chắc chị chiều nó lắm nhỉ. Tôi nói nó là giáo viên đã 12 năm rồi, nó có ở chung với tôi đâu mà chiều. Nó là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, nó tự biết mình đau hay không. Sau đó, bác sỹ bảo với người y tá: Tiêm cho nó 1 mũi 10cc. Tôi không biết đó là loại thuốc gì, nhưng sau khi tiêm mấy phút con tôi ngủ và ngáy to. Là mẹ đẻ của cháu, tôi biết nó không ngủ ngáy, vì thế tôi gọi chồng cháu là Đỗ Duy Hải để hỏi xem tình hình. Cháu Hải bảo: “nhà con (chị Thương) không ngủ ngáy, sao bây giờ lại ngáy to thế ” và cháu vào thay tôi để chăm sóc vợ nó. Tôi không biết tên một số y, bác sỹ điều trị cho cháu hôm đó, vì họ chỉ mặc quần áo trắng của bệnh viện nhưng không đeo thẻ công chức.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện Biên Phủ, anh Hải, chồng chị Thương cho biết: Khi cháu vào thay mẹ để chăm sóc vợ được một lúc thì thấy vợ kêu ú ớ không rõ tiếng, chân tay múa may. Cháu gọi bác sỹ và họ lại tiêm, sau đó vợ cháu lại ngủ và ngáy. Chừng gần 1 tiếng sau, vợ cháu lại thức, chân tay giãy giụa, múa may và kêu ú ớ như lần trước và bác sỹ lại tiêm, vợ cháu lại ngủ và ngáy. Bà Nguyễn Thị Sim, mẹ đẻ của cháu Hải, là mẹ chồng của cháu Thương vào chăm sóc con dâu thay Hải lúc 3 giờ sáng, cho biết: Lúc hơn 3 giờ sáng, cháu Thương được tiêm lần nữa, đến lúc 3 giờ 16 phút, tôi thấy cháu toát mồ hôi ướt hết người và không thấy cử động, nằm bất tỉnh cả ngày. Từ đó cho đến 18 giờ 15 phút ngày 27/3, cháu chết.

Với thủ thuật tán sỏi tiết niệu bằng laser, tiêm thuốc sau thủ thuật không hiểu lý do gì làm cho cô giáo Lò Thị Thương đến với cái chết đầy bất ngờ, đau đớn, gây bàng hoàng tới Trường Mầm non Luân Giói. Vợ chồng ông Lò Văn Tỉnh và bà Lò Thị Siêng, là bố mẹ đẻ của bệnh nhân, trú tại bản Nôm, xã Noong Luống (huyện Điện Biên) và gia đình thông gia, cũng như người thân của 2 gia đình không chấp nhận cái chết không rõ nguyên nhân của con, cháu mình nên đã đề nghị cơ quan chuyên môn khám nghiệm tử thi, và cơ quan công an điều tra để làm rõ vụ việc. Ngày 28/3, gia đình nội ngoại hai bên đưa cô giáo Thương về nơi an nghỉ vĩnh hằng trong tột cùng của sự đau đớn. Sau mũi tiêm  có cái gì đó như thể “định mệnh” trưa ngày 25/3, cô giáo Thương ra đi ở tuổi 34, để lại đứa con mới 6 tuổi, và cũng chưa kịp nói với chồng, bố mẹ 2 bên, người thân điều gì. Trao đổi với chúng tôi, người thân của gia đình cô giáo Thương rất bức xúc về thái độ giao tiếp, ứng xử của một số thầy thuốc với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong thời gian chữa trị cho cháu Thương tại Bệnh viện.

Bác sỹ Phạm Văn Mẫn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Bệnh viện đã thực hiện đúng quy trình khám, chữa bệnh theo quy định chuyên môn của ngành Y tế. Tuy nhiên, sự cố trong y học đã xảy ra. Sau vụ việc đáng tiếc trên, Bệnh viện đã phối hợp với cơ quan chức năng niêm phong hồ sơ bệnh án, trả lời giải thích những thắc mắc của gia đình bệnh nhân; động viên thăm hỏi chia sẻ nỗi buồn với gia đình bệnh nhân. Trong thời gian sớm nhất, Bệnh viện kiểm thảo tử vong, thành lập hội đồng chuyên môn xem xét quá trình chăm sóc, chữa trị, rút kinh nghiệm chuyên môn… để tránh những sai sót đáng tiếc có thể xảy ra.

Cô giáo Lò Thị Thương, giáo viên dạy giỏi cấp huyện của huyện Điện Biên Đông đi chữa bệnh để khỏe mạnh, công tác tốt, với mong muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ của người gieo chữ nơi vùng cao. Không ai ngờ ngày cô đi chữa bệnh là ngày không trở về. Thuốc tiêm điều trị cho cô giáo Thương sau mổ nội soi và liều lượng 4 lần như vậy đúng hay sai; trong quá trình thực hiện thủ thuật tán sỏi bằng laser có sơ suất chuyên môn gì không? Cơ quan chuyên môn, ngành chức năng và Bệnh viện Đa khoa tỉnh cần sớm trả lời dư luận và người thân của cô giáo Thương.

Bảo Khánh
Bình luận
Back To Top