Bộ Y tế yêu cầu thành lập 4 đội phản ứng nhanh phòng chống dịch Zika

00:00 - Thứ Tư, 30/03/2016 Lượt xem: 1989 In bài viết
Sáng 29-3, theo tin từ Bộ Y tế, hiện đã có 61 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các trường hợp nhiễm vi rút Zika, đặc biệt các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc là những nước có chung đường biên giới với nước ta cũng đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh.

Dự báo, thời gian tới sẽ ghi nhận thêm các quốc gia có ca mắc vi rút Zika. WHO khẳng định, dịch bệnh do vi rút Zika là tình trạng khẩn cấp toàn cầu và ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học về mối liên quan giữa nhiễm vi rút Zika với chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh (Guillain-Barré).

Tại Việt Nam, ngày 22-3, Bộ Y tế đã nhận được thông tin về du khách người Úc có xét nghiệm dương tính với vi rút Zika sau khi trở về từ Việt Nam. Vì vậy, nguy cơ vi rút Zika xâm nhập và lây lan trong cộng đồng là rất lớn. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo nâng cao mức cảnh báo đối với toàn bộ hệ thống y tế trong phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika; yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Y tế tăng cường việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm đối, đồng thời thành lập 4 đội phản ứng nhanh phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika tại các khu vực Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên để sẵn sàng hỗ trợ địa phương khi cần thiết.

Trước đó, chiều 28-3, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê có công văn khẩn tăng cường cảnh giác phát hiện sớm bệnh do vi rút Zika gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Y tế các Bộ, ngành. Nhằm tăng cường công tác phòng chống bệnh do vi rút Zika có thể xâm nhập vào Việt Nam, Cục Quản lý khám chữa bệnh yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện, chỉ đạo các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc tăng cường cảnh giác, phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ do vi rút Zika xâm nhập vào Việt Nam tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chú ý những người bệnh đến, đi về từ các quốc gia có dịch bệnh có các triệu chứng sốt, ban dát sẩn trên da, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, viêm kết mạc mắt, có thể có biến chứng về thần kinh:

Guillain Barre, viêm não màng não, hoặc hội chứng não bé ở trẻ sinh ra từ bà mẹ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai để khám, sàng lọc, lấy mẫu ngay tại khoa khám bệnh phối hợp với hệ thống Y tế dự phòng để gửi mẫu đi xét nghiệm (4 Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pastuer khu vực và 2 bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW và Bệnh nhiệt đới Tp Hồ Chí Minh) phát hiện ca bệnh đầu tiên và cách ly người bệnh. Mặt khác tiếp tục tổ chức phổ biến, tập huấn “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh do vi rút Zika” ban hành kèm Quyết định số 439/QĐ-BYT ngày 05/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bác sĩ và điều dưỡng tham gia công tác khám, điều trị SXHD tại khoa Khám bệnh, khoa Hồi sức cấp cứu, khoa Nhi, khoa Truyền nhiễm, khoa Thần kinh, khoa Chẩn đoán hình ảnh, khoa Xét nghiệm của tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do đơn vị quản lý (công lập và tư nhân).

Cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng khu vực điều trị để tiếp nhận và điều trị người bệnh nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Zika, chuẩn bị các cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư, để phục vụ tốt việc thu dung, điều trị các ca bệnh nghi ngờ do vi rút Zika. Mặt khác, vệ sinh môi trường, cảnh quan bệnh viện, phun diệt muỗi trong bệnh viện, các phòng bệnh, cung ứng đủ màn cho người bệnh điều trị nội trú, tuyên truyền để người bệnh, người chăm nuôi hiểu và phòng tránh muỗi đốt để phòng bệnh.

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top