Bệnh thủy đậu: Triệu chứng và cách phòng tránh

00:00 - Thứ Hai, 04/04/2016 Lượt xem: 2357 In bài viết
ĐBP - Thủy đậu (phỏng rạ hay trái rạ) là bệnh do virus Varicella Zoster gây nên, dễ lây lan trong cộng đồng và thường bùng phát thành dịch vào mùa xuân. Do đó, để hạn chế thấp nhất những ca mắc thủy đậu, tránh bùng phát dịch bệnh trên diện rộng, người dân cần nâng cao ý thức, chủ động phòng, chống dịch bệnh cho bản thân và gia đình...

Bác sỹ Chuyên khoa II, Dương Thị Quỳnh Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, cho biết: Tính đến hết ngày 24/3/2016, toàn tỉnh có 54 ca mắc thủy đậu (trong đó, Nậm Pồ 24 ca, huyện Điện Biên 16 ca, Mường Chà 2 ca, thị xã Mường Lay 5 ca...). Thủy đậu thường ủ bệnh từ 10 - 20 ngày sau khi nhiễm virus; khi phát bệnh, người bệnh có thể có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, sau đó cơ thể xuất hiện những “nốt đậu”, lúc đầu là những hồng ban nhỏ, xuất hiện nhanh trong khoảng từ 12 - 24 giờ. Sau 1 - 2 ngày mới xuất hiện nốt đậu là những mụn nước, bóng nước; nốt đậu có thể mọc khắp toàn thân hay mọc rải rác trên cơ thể, số lượng trung bình khoảng 100 - 500 nốt. Đa số nốt đậu có đường kính dưới 5mm, tuy nhiên cũng có nốt đậu có đường kính tới 10mm. Nốt đậu nổi nhiều là dấu hiệu cảnh báo bệnh có thể diễn tiến nặng. Đối với trẻ nhỏ, bên cạnh mụn nước, trẻ thường kèm sốt nhẹ, biếng ăn, bệnh thường kéo dài từ 7 - 10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt rạ sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước nhưng không để lại sẹo. Trường hợp bị nhiễm thêm vi trùng mụn nước có thể để lại sẹo. Một số trường hợp, có thể bị biến chứng nặng, như: Viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não… có thể nguy hiểm đến tính mạng, hay để lại di chứng sau này.

Phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm vì dễ bị biến chứng nặng, đặc biệt là viêm phổi. Phụ nữ mang thai bị thủy đậu ở 3 tháng đầu của thai kỳ siêu vi trùng sẽ lây qua bào thai gây sảy thai, hay khi sinh ra trẻ sẽ bị thủy đậu bẩm sinh với nhiều dị tật, như: Đầu nhỏ, bại não, sẹo bẩm sinh… Trong những ngày sắp sinh hay sau sinh, trẻ bị lây bệnh sẽ diễn tiến rất nặng với mụn nước nổi rất nhiều và dễ bị biến chứng viêm phổi.

Cũng theo bác sỹ Dương Thị Quỳnh Châu, ngay sau khi phát hiện ca bệnh thủy đậu trên địa bàn các huyện, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chỉ đạo trung tâm y tế các huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện ca mắc mới để kịp thời xử lý, tránh lây lan ra cộng đồng; đặc biệt ở trong trường học, những em có biểu hiện mắc thủy đậu cần cách ly sớm, tránh lây lan ra diện rộng... Để phòng, tránh bệnh thủy đậu, tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất. Đối với những bệnh nhân có biểu hiện nghi mắc bệnh thủy đậu cần đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời; khi mắc bệnh, người bệnh cần được cách ly trong phòng riêng, thoáng khí, có ánh sáng mặt trời, thời gian cách ly khoảng 7 - 10 ngày, từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh (phát ban) cho đến khi các nốt phỏng nước khô vảy hoàn toàn (người lớn phải nghỉ làm, học sinh phải nghỉ học). Người bệnh nên mặc quần áo rộng, nhẹ, mỏng, thoáng, sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng; vệ sinh mắt, mũi họng hàng ngày, thay quần áo và tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm; không tự ý làm vỡ nốt phỏng đậu. Đối với trẻ em nên cắt móng tay cho trẻ, giữ móng tay sạch hoặc có thể dùng bao tay vải để bọc tay trẻ nhằm tránh biến chứng nhiễm trùng da do trẻ gãi gây chầy xước các nốt phỏng nước. Đặc biệt, nếu bệnh nhân cảm thấy: Khó chịu, mệt mỏi, co giật, hôn mê hoặc có xuất huyết trên nốt rạ nên đưa ngay đến các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị. Hiện tại, đang vào thời kỳ bệnh thuỷ đậu phát triển mạnh và có thể lây lan thành dịch; vì vậy các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng ngừa thủy đậu, trước khi trẻ bị lây nhiễm bệnh từ bên ngoài.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top