Dịch Zika xuất hiện tại Việt Nam

Huy động tổng lực các biện pháp dập dịch

00:00 - Thứ Tư, 06/04/2016 Lượt xem: 2553 In bài viết
Ngày 5-4, Bộ Y tế chính thức thông báo Việt Nam đã phát hiện 2 trường hợp nhiễm virus Zika ở Khánh Hòa và TPHCM. Cả hai trường hợp này đều do muỗi truyền bệnh. Bộ Y tế nhận định trong thời gian tới, số người nhiễm virus Zika có thể sẽ tiếp tục gia tăng, đòi hỏi các cơ quan chức năng, địa phương và cộng đồng phải đẩy mạnh các biện phòng chống dịch.

Nguyên nhân do muỗi truyền

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, tính đến ngày 4-4, kết quả xét nghiệm mới nhất của các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur trong cả nước đối với 1.215 mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp có biểu hiện tương tự như nhiễm virus Zika tại 32 tỉnh, thành phố trên cả nước đã phát hiện 2 trường hợp dương tính với virus Zika tại tỉnh Khánh Hòa và TPHCM.

Lực lượng Y tế dự phòng TPHCM phun thuốc diệt muỗi và lăng quăng tại tòa nhà nơi làm việc của bệnh nhân nhiễm virus Zika.

Trong đó trường hợp ở Khánh Hòa là trường hợp được xác định là ca nhiễm virus Zika đầu tiên ở nước ta, đây là một bệnh nhân nữ (64 tuổi, ở phường Phước Hòa, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) khởi phát bệnh ngày 26-3 với các triệu chứng sốt nhẹ, đau đầu, nổi ban ở hai chân và đau mắt đỏ. Bệnh nhân tự uống thuốc hạ sốt ở nhà nhưng không đỡ, đến ngày 28-3, bệnh nhân được người nhà đưa đến khám tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa. Kết quả xét nghiệm ngày 31-3 tại Viện Pasteur Nha Trang dương tính với virus Zika. Ngày 4-4, xét nghiệm khẳng định lại tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TPHCM đều cho kết quả dương tính với virus Zika.

Trường hợp thứ hai cũng là bệnh nhân nữ (33 tuổi, ở phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TPHCM), khởi phát bệnh ngày 29-3 với triệu chứng phát ban, viêm kết mạc, mệt mỏi và đến khám tại Bệnh viện quận 2 cùng ngày do lo ngại bị bệnh rubella. Sau khi bệnh nhân nhập viện, ngày 31-3 và 1-4, cơ quan y tế đã làm xét nghiệm bệnh phẩm của bệnh nhân này tại Viện Pasteur TPHCM cho kết quả dương tính với virus Zika. Nữ bệnh nhân bị mắc virus Zika này đang mang thai 8 tuần nên đang được cơ quan y tế theo dõi chặt chẽ sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra công tác phòng chống dịch Zika tại địa phương bệnh nhân cư trú.

PGS-TS Trần Đắc Phu cũng khẳng định, đây là 2 trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên ghi nhận tại cộng đồng ở nước ta và không liên quan 4 trường hợp nghi ngờ vào tuần trước tại Khánh Hòa. Đáng chú ý, qua giám sát và điều tra dịch tễ cho thấy, 2 ca nhiễm virus Zika này là do muỗi truyền. Tuy nhiên hiện nay kết quả giám sát các trường hợp người nhà và các hộ gia đình xung quanh 2 ca nhiễm trên chưa phát hiện trường hợp nào khác nhiễm virus Zika. Hơn nữa, hiện sức khỏe của cả hai bệnh nhân này đều ổn định.

Dự báo số ca mắc Zika còn gia tăng

Trước việc ghi nhận 2 ca mắc virus Zika đầu tiên ở nước ta, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi Sở Y tế Khánh Hòa và TPHCM tham mưu UBND tỉnh/thành phố công bố dịch vì đây là dịch bệnh truyền nhiễm nhóm B nên thẩm quyền công bố dịch là UBND tỉnh, thành phố quyết định. Đồng thời, Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương trong cả nước nâng mức cảnh báo, đáp ứng dịch lên mức 2 đối với tình huống đã có trường hợp mắc bệnh xảy ra. Các Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TPHCM phối hợp chặt chẽ với các địa phương điều tra mở rộng tại khu vực ổ dịch và triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch, để hạn chế dịch lan rộng và nhanh trong dập dịch.

Đặc biệt, Bộ Y tế nhận định trong thời gian tới, Việt Nam có thế tiếp tục ghi nhận trường hợp mới mắc bệnh virus Zika do có sự giao lưu giữa các quốc gia cũng như các địa phương trong cả nước. Đồng thời, Việt Nam đang lưu hành muỗi vằn (muỗi Aedes) là véc tơ truyền bệnh Zika và cũng là muỗi truyền sốt xuất huyết lưu hành quanh năm ở nước ta.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long trấn an, mặc dù Việt Nam đã ghi nhận có dịch bệnh do virus Zika nhưng người dân không nên quá hoang mang, lo lắng. Bộ Y tế cũng không khuyến cáo hạn chế đi lại, du lịch giữa các địa phương. Bởi lẽ do đặc điểm của bệnh Zika thường diễn biến ở mức độ vừa, nhẹ, nhiều trường hợp không có biểu hiện triệu chứng và tự khỏi nên không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

“Do mối liên quan tiềm ẩn giữa nhiễm virus Zika ở phụ nữ có thai và dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh nên cần quan tâm đến việc phòng bệnh và theo dõi sức khỏe cho phụ nữ đang mang thai, người dự định có thai và phụ nữ mang thai nhiễm Zika...” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khuyến cáo.

Chiều 5-4, đoàn công tác Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đã vào Khánh Hòa làm việc, sau khi địa phương này phát hiện có ca dương tính với virus Zika.

Tại buổi làm việc, Bộ Y tế đề nghị tỉnh Khánh Hòa cần nâng mức độ cảnh báo dịch Zika. Phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu từng đơn vị hành chính cấp thôn, xã để cùng vào cuộc, cùng chống dịch. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng sẽ tăng cường các cơ quan giám sát dịch Zika đối với các nơi có dịch và nơi có nguy cơ.

Ông Nguyễn Đắc Tài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết, trong ngày 6-4, tỉnh sẽ mở rộng chiến dịch can thiệp trên toàn tỉnh về phòng chống dịch Zika. Trước tiên, tỉnh sẽ ưu tiên phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng và tuyên truyền đến từng hộ gia đình tham gia phòng dịch; đồng thời yêu cầu Sở Y tế tăng cường lấy mẫu xét nghiệm các ca nghi nhiễm bệnh để sàng lọc, khoanh vùng.

PGS-TS Trần Danh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương: Chưa khẳng định mối liên quan giữa virus Zika với hội chứng dị tật đầu nhỏ.

Thực tế qua các nghiên cứu cho thấy, hội chứng dị tật đầu nhỏ không phổ biến trong sản khoa. Trong hội chứng dị tật đầu nhỏ có khoảng 20% không tìm được nguyên nhân. Còn các nguyên nhân khác gây hội chứng này như: nhiễm trùng (trong đó có rubella), đột biến nhiễm sắc thể, nhiễm độc do chiếu xạ, hóa chất.

Mới đây nhất, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có nghiên cứu chứng minh sự liên quan giữa hội chứng dị tật đầu nhỏ và virus Zika. Tuy nhiên việc chứng minh virus Zika là nguyên nhân thực sự của hội chứng dị tật đầu nhỏ hay không thì chưa được khẳng định. Để phát hiện thai nhi có bị chứng dị tật đầu nhỏ hay không thì hiện nay ngành sản khoa Việt Nam hoàn toàn làm được. Theo đó, việc sàng lọc và chẩn đoán hội chứng não bé hữu hiệu nhất là đo kích thước đầu thai nhi khi siêu âm thai. Khi đo và nghi ngờ mắc hội chứng dị tật đầu nhỏ, các bác sĩ sẽ so sánh với chuẩn chu vi đầu theo tuổi thai, từ đó sẽ phát hiện tốc độ phát triển của chu vi đầu.

Tuy nhiên, người dân không nên lo lắng quá mức về hội chứng dị tật não nhỏ. Bởi lẽ hiện tại, Brazil là nước đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc chứng bệnh này thì trong hơn 6.776 ca mắc bệnh dị tật đầu nhỏ thì chỉ có hơn 900 trường hợp nghi có nhiễm virus Zika. Tức là không phải các trường hợp mắc virus Zika đều liên quan đến hội chứng não nhỏ. Hiện WHO vẫn đang nghiên cứu để tìm ra những biện pháp xác thực về mối tương quan của não nhỏ với Zika.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top