Tuần Giáo chủ động phòng, tránh bệnh than trên người

00:00 - Thứ Hai, 11/04/2016 Lượt xem: 2733 In bài viết
ĐBP - Trước diễn biến phức tạp và mức độ nguy hiểm của bệnh than (bệnh nhiệt thán) trên người, thời gian qua, các cơ quan chức năng huyện Tuần Giáo, nhất là Trung tâm Y tế huyện đã chủ động ngăn chặn, phòng ngừa dịch bệnh. Do đó, từ năm 2015 đến nay, bệnh than trên người đã được khống chế, kiểm soát trên địa bàn huyện.

Từ năm 2014 về trước, Tuần Giáo là một trong những huyện lưu hành bệnh than cao trên địa bàn tỉnh. Thời điểm đó, toàn tỉnh ghi nhận 37 ca mắc bệnh than, trong khi huyện Tuần Giáo có tới 24 ca; Trung tâm Y tế huyện và trạm y tế cơ sở nơi xảy ra bệnh than chủ động khống chế, không cho ổ dịch lan rộng. Đồng thời, triển khai phun thuốc xử lý môi trường, chất thải của gia súc và bệnh nhân, vận động người dân không ăn thịt trâu, bò ốm, chết; không giết mổ trâu, bò chết. Từ đó đến nay, bệnh đã được khống chế, không xuất hiện thêm ca mắc. Song đây là bệnh rất nguy hiểm, người dân cần nâng cao nhận thức để chủ động phòng, tránh.

Chủ động giám sát chặt chẽ các ca bệnh góp phần đẩy lùi dịch bệnh, trong đó có bệnh than. Trong ảnh: Bệnh nhân đến khám, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo.

Bác sỹ Trịnh Đức Long, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo, cho biết: Than là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính diễn ra ở gia súc (trâu, bò, lợn, dê...) do vi khuẩn Bacillus anthracis gây ra. Vi khuẩn than là một trong số những vi khuẩn có thể tồn tại rất lâu ở môi trường trong dạng bào tử. Khi vòng đời của vi khuẩn gặp nhân tố bất lợi, như: Vật chủ ký sinh chết hoặc nhiệt độ môi trường thay đổi bất lợi, vi khuẩn chuyển thành dạng bào tử có tính ngủ đông để chờ các vật chủ mới, tiếp tục vòng đời của mình. Sau khi thâm nhập (bào tử của vi khuẩn rơi vào vết thương vật chủ), các vi khuẩn hay bào tử này sẽ tự phục hồi hoạt động và nhân lên nhanh chóng. Bệnh có thể lây sang người qua đường tiêu hoá, đường hô hấp do hít phải bụi có nha bào, thức ăn, nước uống có nhiễm nha bào nhiệt thán hoặc tiếp xúc trực tiếp với động vật bị bệnh, sản phẩm của động vật mắc bệnh. Triệu chứng của bệnh có thể nhận biết qua các biểu hiện: Xuất hiện các nốt, đám loét màu đen trên da, sốt, sưng nóng tại nơi nổi mụn, loét chảy dịch vàng, phù xung quanh vùng loét và có xu hướng lan rộng. Bệnh lây được qua cả 3 đường: Tiêu hoá, hô hấp, qua da và diễn biến nhanh, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây những biến chứng nguy hiểm (tổn thương não, mất nước, mất máu, suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, thủng ruột...).

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh than gây ra, bác sỹ Trịnh Đức Long khuyến cáo: Ngoài sự vào cuộc của ngành Y tế, các cấp ủy đảng, ban, ngành, đoàn thể cần tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh nhiệt thán; hướng dẫn người dân các biện pháp chủ động phòng bệnh cho người và gia súc. Người dân cần nâng cao ý thức không giết mổ gia súc có biểu hiện ốm hoặc đã chết; không mua bán, tiêu thụ, chế biến, ăn thịt gia súc khi chưa có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y; nên đi ủng, găng tay khi chăm sóc gia súc bị ốm và rửa tay bằng xà phòng ở các vết thương thật kỹ sau tiếp xúc. Đặc biệt, khi người trong gia đình có biểu hiện mắc bệnh than, bà con phải kịp thời đến các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, chăm sóc và điều trị.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top