Cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng

Khó chồng khó

00:00 - Thứ Tư, 20/04/2016 Lượt xem: 3709 In bài viết
ĐBP - Toàn tỉnh có 5.121 lượt người được cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng trong vòng 5 năm (2011 - 2015). Đây là nỗ lực lớn của tỉnh, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội và hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Dù được ghi nhận nhiều về kết quả triển khai thực hiện, song trên thực tế còn thiếu bền vững, bởi hầu hết người nghiện đều có biểu hiện tái nghiện sau cai.
Người nghiện ma túy tại xã Quảng Lâm (huyện Mường Nhé) điều trị cai nghiện tại cộng đồng. Ảnh: Minh Thùy

Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, toàn tỉnh có hơn 9.540 người nghiện các chất ma túy. Trong đó, có đến 95% số người nghiện hiện ở ngoài xã hội, chỉ phần ít đang trong trại tạm giam, tạm giữ và cai tự nguyện tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh. Số người nghiện các chất ma túy ngày càng tăng (tăng hơn 4.000 người so với năm 2010). Người nghiện chủ yếu đang trong độ tuổi lao động nhưng không có việc làm (chiếm hơn 68%). Tệ nạn ma túy không chỉ khiến cho nhiều gia đình rơi vào cảnh đói nghèo cùng cực mà không ít người nghiện nhiễm HIV, lây truyền bệnh cho người thân và cộng đồng.

Trước những hệ lụy ma túy gây ra, hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng được nhiều gia đình lựa chọn, song kết quả đạt được trong thời gian qua không như mong muốn. Huyện Điện Biên được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều nỗ lực trong công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng của tỉnh. Năm 2015, toàn huyện đã tổ chức cai nghiện ma túy cho 169 người, đạt hơn 126% kế hoạch giao. Song điều làm lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội của huyện trăn trở nhất chính là tỷ lệ tái nghiện sau cai. Ông Trần Văn Bốn, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên, cho biết: Dù đã rất nỗ lực trong quá trình tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, song mục tiêu mới đạt chỉ là số lượng, còn chất lượng thì còn rất nhiều điều đáng bàn. Theo dõi, giám sát sau quá trình cai nghiện cho thấy tỷ lệ có biểu hiện tái nghiện gần 100%. Nguyên nhân chủ yếu là do thời gian cai nghiện tại gia đình và cộng đồng ngắn (từ 7 - 10 ngày) nên người nghiện mới chỉ có thể cắt cơn chứ chưa bình phục. Mặt khác, việc cai nghiện ma túy tại các xã trên địa bàn hầu hết chỉ thực hiện một phác đồ bằng an thần kinh; không có địa điểm để thực hiện cai nghiện (nhờ địa điểm của UBND xã) nên chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác cai nghiện. Việc theo dõi, giám sát của gia đình sau cai chưa thực sự được gia đình quan tâm đúng mức, bạn bè rủ rê, lôi kéo… dẫn đến tỷ lệ người tái nghiện cao.

Theo bà Hà Thị Thu, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thì không thể phủ nhận kết quả cai nghiện tại gia đình và cộng đồng trong thời gian qua. Bởi với quy trình hiện nay, người nghiện khi cai tại gia đình, cộng đồng được khám sức khỏe, phân loại người nghiện; điều trị cắt cơn, giải độc; được theo dõi, giúp đỡ trong và sau khi cai nghiện; giáo dục, phục hồi hành vi, nhân cách; dạy nghề, tạo việc làm. Trong quá trình cắt cơn, giải độc, người nghiện có phác đồ điều trị (an thần kinh hoặc sử dụng thuốc cai nghiện ma túy Cedemex; Camat); 100% người cai nghiện được theo dõi 24/24 giờ/ngày và thực hiện theo đúng phác đồ điều trị nên không xảy ra tình trạng sốc thuốc hay hậu quả khác ảnh hưởng đến sức khỏe của người nghiện ma túy. Vì vậy, trong 5 năm qua đã có 5.121 lượt người cai nghiện tại gia đình và cộng đồng và chủ yếu sử dụng phác đồ điều trị an thần kinh (chiếm gần 90%). Sau khi hoàn thành giai đoạn điều trị cắt cơn, người nghiện ma túy được đưa về gia đình tiếp tục theo dõi, quản lý (có sự giám sát và hỗ trợ của tổ công tác cai nghiện tại xã, phường, thị trấn). Sau khi hoàn thành trong thời gian cai nghiện tại gia đình, cộng đồng (6 tháng), tổ công tác đánh giá và cấp giấy chứng nhận hoàn thành quy trình cai nghiện. Cùng với đẩy mạnh các biện pháp cai nghiện ma túy, công tác quản lý sau cai được chú trọng hơn khi toàn tỉnh đã tổ chức quản lý 3.130 người. Trong đó, tổ chức dạy nghề 543 người, hỗ trợ tạo việc làm cho 193 người. Một số mô hình quản lý sau cai nghiện đạt hiệu quả, như mô hình “Chân trời mới” tại thị trấn Mường Ảng (huyện Mường Ảng) đã tạo việc làm, giúp nhau trong cuộc sống, phòng chống tái nghiện cho nhiều người sau cai nghiện. Tuy nhiên, trong quá trình cai nghiện ma túy tại cộng đồng và gia đình do thời gian cai ngắn, kinh phí hạn chế lại không có cơ sở để cai nghiện tại cộng đồng nên người nghiện chỉ được điều trị cắt cơn mà chưa được thực hiện đầy đủ các quy trình cai nghiện phục hồi. Môi trường ma túy không trong sạch, trong khi công tác quản lý tại gia đình và cộng đồng chưa chặt chẽ nên người nghiện vẫn có thể gặp gỡ, tiếp xúc với đối tượng xấu nên hình thức cai nghiện này chưa thực sự hiệu quả.

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma tuý và thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, cần phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể trong việc vận động người nghiện, gia đình có người nghiện chủ động khai báo và tự nguyện đăng ký các hình thức cai nghiện phù hợp; giúp quản lý người sau cai. Tổ chức tốt công tác cắt cơn, giáo dục, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm và giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng để họ tham gia lao động sản xuất, có thu nhập ổn định cuộc sống. Đồng thời tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone cho người nghiện ma tuý; tranh thủ sự tài trợ về tài chính, giúp đỡ về chuyên môn kỹ thuật và kinh nghiệm của các tổ chức hỗ trợ, phát triển dự án mới trong lĩnh vực cai nghiện và hỗ trợ quản lý sau cai tại cộng đồng, giảm lây nhiễm HIV/AIDS.

Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top