Chủ động tiêm vắc xin để phòng, chống bệnh dại

00:00 - Thứ Hai, 25/04/2016 Lượt xem: 3234 In bài viết
ĐBP - Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus dại gây nên. Người mắc bệnh dại do động vật có máu nóng (chủ yếu là chó, mèo) bị bệnh dại truyền virus qua vết cắn, vết cào trên da và niêm mạc bị tổn thương... Do đó, để hạn chế thấp nhất bệnh dại, tránh bùng phát thành dịch, người dân cần nâng cao ý thức, chủ động tiêm vắc xin bệnh cho vật nuôi trong gia đình...

Cử nhân điều dưỡng Vương Quý Ngọc, Đội trưởng Đội Y tế dự phòng huyện Tuần Giáo, cho biết: Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện có 59 trường hợp bị chó cắn đã được tiêm phòng dại. Chó dại có các triệu chứng và biểu hiện, như: Luôn luôn cử động, nhảy lên bắt đớp những con ruồi tưởng tượng hoặc kẻ thù không có; khó nuốt như bị hóc xương, tiếng kêu khàn khàn, từng nhát, tiếng sủa kéo dài và rướn cao lên thành những tiếng hú ghê rợn. Bất cứ sự kích thích nào dù nhỏ đều có thể làm cho chó lên cơn dại, cắn người và các con vật khác hoặc tự cắn nó, thường cắn rất mạnh và bổ ra đường chạy rông khắp nơi. Phạm vi hoạt động của một con chó dại có khi lên tới 50km. Vì vậy chó dại rất nguy hiểm, nó là mối nguy cơ lớn truyền bệnh dại cho người và các súc vật khác.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo tiêm phòng dại cho bệnh nhân.

Để chủ động phòng tránh bệnh dại, người dân cần nâng cao ý thức trong việc nuôi nhốt chó (xích, nhốt, rọ mõm); diệt chó chạy rông, chó vô chủ, chó dại và nghi dại; tiêm vắc xin phòng dại đầy đủ theo hướng dẫn của ngành Thú y; nghiêm cấm di chuyển chó từ nơi đang có dịch sang vùng khác để tránh lây lan dịch bệnh. Người dân khi bị chó nghi dại cắn hoặc tiếp xúc với chúng phải rửa ngay và thật kỹ vết thương bằng nước xà phòng đặc, nước muối hoà đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn (cồn, cồn iốt đậm đặc...). Đây là giải pháp làm giảm đến mức tối thiểu lượng virus dại tại nơi xâm nhập. Chú ý khi rửa vết thương không được làm dập nát vết thương và chỉ khâu vết thương sau 3 - 5 ngày để hạn chế virus tản phát. Để đạt hiệu quả cao, người dân cần tiêm phòng dại ngay sau khi bị cắn hoặc tiếp xúc với con vật bị dại, nghi dại; tiêm đủ số mũi, đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm theo chỉ định của bác sỹ đối với từng loại vắc xin dại và phác đồ tiêm. Trong thời gian tiêm không nên làm việc quá sức, không uống rượu và dùng các chất kích thích... Đặc biệt, khi phát hiện chó, mèo bị bệnh dại hoặc nghi dại, cần tránh tiếp xúc với con vật; báo ngay cho chính quyền, y tế, thú y thôn, bản và xã để có biện pháp xử lý con vật bị dại và những con vật đang sống tại đó; khi chó chết cần chôn sâu xác và rắc các chất sát khuẩn (cresly, vôi cục chưa tôi hoặc vôi bột...).

Có mặt tại Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo, trò chuyện với chúng tôi, anh Vừ A Dia, bản Đề Chia A, xã Pú Nhung, cho biết: Ngày 15/4, 3 người trong gia đình anh bị chó của nhà nuôi cắn. Sau 5 ngày, anh thấy chó có biểu hiện bất thường và chết. Nghi chó đã bị bệnh dại nên anh đưa cả gia đình đến Trung tâm Y tế huyện khám và tiêm vắc xin phòng dại. Đến nay, sức khỏe cả gia đình đều ổn định, không có các biểu hiện bị bệnh dại do chó cắn.

Để chủ động phòng, tránh bệnh do chó dại cắn, hạn chế thấp nhất những ca tử vong đáng tiếc có thể xảy ra, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành; người dân cũng cần phải nâng cao ý thức trong việc nuôi chó, mèo; tuân thủ nghiêm túc các quy định của Nhà nước về tiêm phòng vắc xin cho chó mèo; không được thả rông, nuôi chó phải có xích, khi dắt chó ra đường phải đeo rọ mõm cho chó...

Bài, ảnh: Phương Linh
Bình luận
Back To Top