Ngăn ngừa bệnh não mô cầu bùng phát thành dịch

00:00 - Thứ Năm, 28/04/2016 Lượt xem: 2930 In bài viết
Theo thông tin của Bộ Y tế, năm 2015 và các tháng đầu năm 2016, cả nước đã phát hiện những bệnh nhân mắc bệnh não mô cầu rải rác ở một số địa phương như: Hà Nội, TP.HCM, Sơn La, Hòa Bình, Gia lai, Nam Định, Lạng Sơn, Hải Dương... Trong đó có trường hợp bị tử vong. Bệnh có thể bùng phát thành dịch làm cho nhiều người mắc, vì vậy cần có biện pháp chủ động ngăn ngừa và khống chế.

Đặc điểm bệnh não mô cầu

Bệnh não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm có khả năng gây dịch, chúng được lây truyền qua đường hô hấp với tác nhân gây bệnh là song cầu khuẩn Neisseria meningitidis. Vi khuẩn thường đột nhập vào cơ thể qua đường mũi họng, từ đó xâm nhập vào máu gây nhiễm khuẩn huyết; đồng thời có thể qua đường máu đến màng não gây viêm màng não mủ kèm theo nhiễm khuẩn huyết.


Neisseria meningitidis là loại vi khuẩn gram âm, ái khí, có 9 nhóm huyết thanh gồm A, B, C, D, X, Y, Z, W135 và 29E. Hiện nay nhóm B và C là nguyên nhân chủ yếu gây nên các vụ dịch bệnh do vi khuẩn não mô cầu. Bệnh được lây nhiễm qua đường hô hấp do hít phải giọt nước bọt của người bệnh hoặc người lành mang mầm bệnh vi khuẩn. Bệnh có khả năng lây truyền mạnh trong thời kỳ bệnh khởi phát, nếu được sử dụng kháng sinh can thiệp phù hợp và kịp thời thì vi khuẩn sẽ biến mất khỏi đường mũi họng trong khoảng thời gian 24 giờ. Theo các nhà khoa học, thực tế tỉ lệ người lành mang vi khuẩn rất cao, chiếm tỉ lệ khoảng 25%; trong các vụ dịch thì tỉ lệ này có thể chiếm đến 50% số người nhiễm vi khuẩn không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng.

Song cầu khuẩn Neisseria meningitidis là thủ phạm gây bệnh não mô cầu.

Bệnh cảnh lâm sàng của bệnh não mô cầu xảy ra đột ngột với các triệu chứng sốt cao, rét run, đau mỏi toàn thân, đau nhức khớp, xuất hiện các ban đỏ xuất huyết hoại tử trên da; có thể xuất hiện biến chứng sốc nhiễm khuẩn hoặc hội chứng Waterhouse Friderichsen gây ban xuất huyết bạo phát vì suy tuyến thượng thận do xuất huyết. Những trường hợp có viêm màng não thường có hội chứng màng não cấp tính với biểu hiện nhức đầu, nôn, táo bón, cứng gáy, dấu hiệu vạch màng bụng dương tính; đối với trẻ em hay có triệu chứng co giật, lơ mơ, hôn mê sâu; chọc dò dịch não tủy thấy nước đục như nước vo gạo, đôi khi kèm theo xuất huyết màng não. Chẩn đoán bệnh bằng cách cấy máu, cấy dịch não tủy để phân lập vi khuẩn não mô cầu; có thể ngoáy họng để làm tiêu bản soi tươi hoặc cấy để tìm vi khuẩn. Trong thực tế, việc chẩn đoán thường mang lại kết quả thấp vì tỉ lệ người lành mang vi khuẩn rất cao. Tỉ lệ tử vong của bệnh não mô cầu chiếm khoảng 5 - 15% các trường hợp bệnh. Tại nước ta, trung bình mỗi năm theo thống kê ghi nhận  khoảng 650 trường hợp viêm màng não mủ do vi khuẩn; trong đó có 14% bị nhiễm vi khuẩn Neisseria meningitidis gây bệnh não mô cầu; bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỉ lệ từ 10 - 20% và tỉ lệ tử vong có thể chiếm từ 10 - 15%.

Quá trình hình thành và bùng phát dịch não mô cầu

Sốt cao, rét run, đau mỏi toàn thân, đau nhức khớp, xuất hiện các ban đỏ xuất huyết hoại tử trên da.

Sau khi xuất hiện người bị mắc bệnh não mô cầu đầu tiên, nếu bệnh nhân không được phát hiện, chẩn đoán sớm và cách ly, xử trí điều trị kịp thời thì chỉ khoảng 1 - 2 tuần sẽ có nguy cơ bùng phát thành dịch. Thông thường tại nước ta tỉ lệ người lành mang mầm bệnh vi khuẩn não mô cầu trong cộng đồng chiếm từ 2 - 15% lúc chưa có dịch, tỉ lệ này có thể tăng lên đến 40% trong số người tiếp xúc với bệnh nhân khi có dịch. Thực tế ghi nhận khi dịch xảy ra ở trong tập thể khoảng 1 - 2 ngàn người, tỉ lệ người mắc bệnh khoảng 16 - 32%, tỉ lệ người mang vi khuẩn có thể chiếm gấp 10 - 14 lần so với lúc chưa có dịch; thậm chí có khi lên đến 100%. Tỉ lệ người mang vi khuẩn trong ổ dịch có khả năng tăng theo lứa tuổi, theo thời tiết với mùa đông xuân cao hơn mùa hè và tỉ lệ này cao hay thấp tùy thuộc vào hiệu quả biện pháp chống dịch.

Nguồn lây truyền bệnh chính của bệnh não mô cầu là người lành mang vi khuẩn, bệnh nhân mắc bệnh thể viêm màng não nhẹ và không điển hình thường chiếm khoảng 75 - 98% tổng số bệnh nhân. Đối tượng này ít được chú ý theo dõi, vẫn đi lại tự do bình thường nên đây là nguồn lây nhiễm khá quan trọng. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp khi hít phải những bụi nước bọt và đờm dãi chứa vi khuẩn não mô cầu được thải bắn ra từ mũi họng người bệnh và người mang vi khuẩn. Vi khuẩn não mô cầu không sống lâu ngoài cơ thể nên ít lây truyền trực tiếp qua quần áo, bát đũa, đồ chơi... Mầm bệnh thường có mặt ở mũi, họng bệnh nhân khoảng từ 2 - 10 ngày trước khi phát bệnh và được thải ra bên ngoài trong 3 - 4 tuần từ khi bệnh khởi phát. Người mang mầm bệnh thải vi khuẩn ra bên ngoài lâu hơn người bệnh nhưng cũng có hạn định, thường có khoảng 75% trường hợp thải mầm bệnh trong thời gian từ 4 - 6 tuần tới 2 - 3 tháng, rất hiếm khi đến 1 - 2 năm và có thể dễ kéo dài ở những người bị viêm mũi họng mạn tính. Thực tế bệnh não mô cầu được lây truyền từ người mang vi khuẩn vẫn là nguồn bệnh chính và dịch bệnh thường xảy ra ở trong các trường học, trại tân binh mới tập trung; những khu nhà ở tập thể sống chật chội, thiếu ánh sáng, ẩm thấp...

Bệnh não mô cầu thường tồn tại trong cộng đồng dưới hai hình thức là bệnh tản phát và phát triển thành dịch. Ở nhiều nước, bệnh phát sinh vào tháng 2 - 3 tương ứng với khí hậu có độ ẩm cao. Ở nước ta có sự khác biệt giữa hai miền: tại miền Bắc mùa dịch bệnh chính từ tháng 3 - 4, mùa dịch bệnh phụ từ tháng 9 - 10; ở miền Nam có nhiệt độ nóng ấm quanh năm, chỉ có hai mùa khô và mưa nên bệnh xảy ra rải rác suốt năm nhưng cũng có lúc rộ lên vào các tháng 5 - 7. Ngoài quy luật trên, những tập thể thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, tân binh tập trung lại từ nhiều địa phương khác nhau thì dịch bệnh não mô cầu có thể bùng phát vào bất  cứ lúc nào nếu có người mang mầm bệnh vi khuẩn hiện diện trong tập thể. Theo thống kê, nhóm dễ bị mắc bệnh là từ 10 - 18 tuổi, chiếm tỉ lệ khoảng 70% tổng số bệnh nhân; còn lại 30% ghi nhận ở nhóm tuổi dưới 10 và trên 18; trẻ sơ sinh ít bị mắc bệnh vì có kháng thể từ mẹ truyền sang nhưng kháng thể này có thể mất dần sau vài tuần. Trong huyết thanh của những người cao tuổi thuộc các địa phương hay có dịch bệnh thường có kháng thể chống lại bệnh.

Về bệnh lý, bệnh não mô cầu có thể gây nên tình trạng người mang vi khuẩn ẩn hoặc bị mắc một trong các thể bệnh như: viêm mũi họng là thể nhẹ, viêm màng não là thể nặng, viêm màng não - não là thể rất nặng, nhiễm khuẩn huyết từ trung bình đến rất nặng, nhiễm khuẩn huyết kịch phát có sốc là thể nguy kịch. Thực tế trong các ổ dịch thường gặp, có khoảng 75 - 90% người bệnh mắc thể viêm mũi họng có diễn biến nhẹ, không điển hình với triệu chứng sốt, nhức đầu nhẹ, viêm mũi họng nhẹ không đến mức sổ mũi, tắc mũi, họng ít sung huyết đỏ, không đau rát, không có dấu hiệu viêm màng não, bạch cầu tăng nhẹ, phân lập được vi khuẩn não mô cầu từ chất nhầy lấy từ mũi họng. Vì vậy cần lưu ý đến vấn đề thực trạng này.

Phòng chống dịch bệnh não mô cầu

Khi chưa có dịch bệnh não mô cầu bùng phát, ngành y tế dự phòng cần chủ động tiến hành các biện pháp giám sát dịch tập trung vào những tập thể có nguy cơ ảnh hưởng. Định kỳ nên có kế hoạch kiểm tra người mang vi khuẩn, tỉ lệ người có kháng thể chống lại bệnh, nhóm huyết thanh bệnh não mô cầu lưu hành. Tổ chức công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, vận động cộng đồng người dân giữ gìn vệ sinh; bảo đảm nơi ở rộng rãi, thoáng mát, có đủ ánh sáng, khô ráo, không ẩm thấp; thực hiện vệ sinh răng, miệng, mũi, họng hàng ngày; giữ ấm cổ họng về mùa lạnh, ngăn ngừa viêm mũi họng... Tại cơ sở khi phát hiện có bệnh nhân đầu tiên, phải cách ly điều trị và khử trùng đờm dãi; kiểm tra những người đã tiếp xúc với bệnh nhân nhằm phát hiện thêm người mang vi khuẩn. Khi dịch bệnh đã bùng phát và lây lan, cần xác định phạm vi và giới hạn ổ dịch để tăng cường các biện pháp vệ sinh cần thiết; tiếp tục phát hiện bệnh nhân và người mang vi khuẩn; cách ly điều trị triệt để tại chỗ những bệnh nhân thể viêm màng não và người mang vi khuẩn. Việc điều trị dự phòng bằng thuốc tại các ổ dịch có tác dụng ngắn và tốn kém nên hiện nay những nhà khoa học khuyến cáo chỉ nên ứng dụng rất hạn chế ở một số đối tượng tiếp xúc thường xuyên và trực tiếp với bệnh nhân. Đồng thời cũng cần quan tâm đến việc tổ chức tiêm chủng dự phòng chọn lọc cho những tập thể có nhiều nguy cơ, những vùng trọng điểm thường hay xảy ra dịch bệnh và tiêm chủng dự phòng khẩn cấp trước mùa dịch bệnh cho nhóm tuổi có cảm thụ bệnh cao nhất.


 

Vắcxin phòng bệnh não mô cầu thường được sử dụng có tên thương mại là Meningococcal polysaccharide vaccine A+C.

Vắcxin phòng bệnh não mô cầu thường được sử dụng có tên thương mại là Meningococcal polysaccharide vaccine A+C do Pháp sản xuất, có thời gian bảo vệ 3 năm. Loại vắcxin này được sử dụng để phòng bệnh cho trẻ em ở vùng có bệnh lưu hành hoặc khi đang có dịch bệnh. Liều dùng 0,5ml tiêm dưới da hoặc tiêm bắp thịt, nên tiêm 1 liều khi trẻ được 18 tháng tuổi. Thận trọng khi tiêm vắcxin cho phụ nữ có thai, chỉ nên tiêm trong trường hợp thật sự có nguy cơ mắc bệnh; đồng thời cũng không nên tiêm cho trẻ dưới 18 tháng tuổi trừ khi đang có dịch bệnh bùng phát. Chống chỉ định dùng vắcxin đối với người bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, các bệnh cấp tính hoặc mãn tính tiến triển; không tiêm cho người có phản ứng mạnh sau khi tiêm vắcxin lần trước hoặc người có dị ứng với thành phần của vắcxin.

Theo Suckhoe&Doisong
Bình luận
Back To Top