Tăng cường phòng, chống bệnh quai bị

00:00 - Thứ Hai, 09/05/2016 Lượt xem: 2573 In bài viết
ĐBP - Quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do một loại siêu vi thuộc họ Paramyxoviridae gây ra; bệnh thường xuất hiện nhiều vào mùa xuân - hè và phát triển thành dịch ở những nơi đông đúc, như: Nhà trẻ, trường học... Bác sỹ Chuyên khoa II, Dương Thị Quỳnh Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, cho biết: Tính đến ngày 5/5, toàn tỉnh có 392 trường hợp mắc bệnh quai bị (trong đó, huyện Tủa Chùa 158 ca, Điện Biên 91 ca, TP. Điện Biên Phủ 39 ca, thị xã Mường Lay 32 ca...)…

…Quai bị thường có biểu hiện sốt và sưng, đau một hoặc nhiều tuyến nước bọt, thường gặp ở tuyến nước bọt mang tai, đôi khi có thể viêm ở tuyến nước bọt dưới lưỡi hoặc tuyến dưới hàm. Khi bị nhiễm vi rút quai bị, phần lớn bệnh nhân thấy khó chịu từ 1 - 2 ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện. Bệnh nhân bị sốt cao trong 3 - 4 ngày, chảy nước bọt, sưng vùng mang tai, dấu hiệu dễ nhận biết nhất là má sưng to, có thể sưng một bên mặt rồi lan sang bên kia hoặc sưng hai bên cùng một lúc. Quai bị là bệnh nhẹ nhưng nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, như: Viêm màng não, nguy hiểm hơn là sưng tinh hoàn, viêm tụy tạng và một số cơ quan khác… Quai bị rất dễ lây qua các đường: hô hấp, ăn uống, nước bọt khi bệnh nhân nói, ho, hắt hơi... Thời gian lây khoảng 6 ngày trước khi phát bệnh và đến 2 tuần sau khi có triệu chứng bệnh lý. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, trẻ lớn và tuổi vị thành niên chưa có miễn dịch quai bị, người lớn cũng có thể mắc nhưng tỷ lệ thấp hơn…

Để phòng, chống bệnh quai bị, tránh dịch bùng phát trên diện rộng, hạn chế thấp nhất trường hợp mắc, biến chứng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện ca mắc mới để kịp thời xử lý. Đặc biệt, cần chú ý theo dõi, giám sát chặt chẽ vùng dịch bệnh đang lưu hành, những nơi tập trung đông người, như: Nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp… báo cáo lên tuyến trên để có biện pháp phối hợp xử lý kịp thời.

Cũng theo bác sỹ Dương Thị Quỳnh Châu, đối với những bệnh nhân có biểu hiện nghi mắc quai bị cần đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng. Khi mắc bệnh, cần cách ly điều trị trong vòng 7 - 9 ngày kể từ khi phát bệnh, tại nhà đối với trường hợp nhẹ, hoặc cách ly điều trị tại cơ sở y tế đối với trường hợp nặng hoặc biến chứng…

Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn; sử dụng các thuốc sát khuẩn đường mũi họng, súc miệng bằng nước sát khuẩn và các dung dịch sát khuẩn khác. Đồng thời, vệ sinh môi trường, nơi ở, làm việc, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt của học sinh bằng các chất sát khuẩn thông thường. Tiêm phòng vắc xin quai bị sớm cho trẻ 12 tháng tuổi hoặc người lớn chưa có miễn dịch là biện pháp hiệu quả nhất; đặc biệt những người làm trong các nhà trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học, nhân viên khoa truyền nhiễm tại các bệnh viện… Hiện, đang vào thời kỳ bệnh quai bị phát triển mạnh và có thể phát triển thành dịch; để phòng tránh và hạn chế thấp nhất số ca mắc mới, ngoài sự vào cuộc của các ngành chức năng, ngành y tế, người dân cũng cần nêu cao ý thức trong phòng, tránh; chủ động đưa con em đến các cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng ngừa.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top