Báo động dấu hiệu trục lợi bảo hiểm y tế

00:00 - Thứ Sáu, 27/05/2016 Lượt xem: 3194 In bài viết
Chiều 26-5 tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức cuộc họp định kỳ để thông báo tình hình thực hiện các chính sách thu và chi trả bảo hiểm xã hội (BHXH) trong quý 2-2016 nhưng chủ đề được nhấn mạnh là tình trạng lạm dụng Quỹ BHXH đang có dấu hiệu gia tăng những tình tiết mới và có nguy cơ “phá vỡ chính sách”.

Đã có dấu hiệu lạm chi BHYT.

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế - bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết, sau hơn 4 tháng thực hiện chính sách BHXH mới theo cơ chế “thông tuyến” tạo điều kiện cho bệnh nhân  có nhu cầu khám chữa bệnh lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh mà không cần thiết phải đến địa chỉ đã đăng ký cố định trong thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, người bệnh có dấu hiệu lạm dụng các chính sách chi trả từ BHXH để đi thăm khám nhiều lần trong cùng một ngày, đến nhiều cơ sở y tế, bệnh viện để lấy thuốc...

Mặc dù ông Phạm Lương Sơn dè dặt dùng từ “có nguy cơ” nhưng Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo, người chủ trì cuộc họp, không ngại nêu các dẫn chứng: “Số liệu theo dõi qua hơn 4 tháng thực hiện chính sách BHXH theo luật mới của chúng tôi cho thấy có những biểu hiện bất thường. Đó là số thẻ BHYT đăng ký mới chỉ tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái (khi chưa có chính sách thông tuyến) nhưng tổng số lượt khám chữa bệnh trong 4 tháng qua lại tăng lên tới 5% so với cùng kỳ (tương đương khoảng 2 triệu lượt)”. Ông Thảo cũng cho biết, số lượt khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến trung ương cũng có những “dấu hiệu lạ”. Mặc dù tổng số lượng khám chữa bệnh chung của các bệnh viện tuyến trung ương không thay đổi, nhưng tỷ lệ khám chữa bệnh đúng tuyến lại tăng mạnh, chiếm tới 70%-80% trong khi tỷ lệ trái tuyến lại giảm mạnh. Điều này cho thấy có nhiều bệnh nhân đổ dồn về tuyến trung ương và sẽ dẫn đến quá tải, trong khi chính sách và chủ trương là bệnh nào thì nên khám chữa ở đúng tuyến đó để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trung ương.

Theo ông Nguyễn Minh Thảo, nguyên nhân là do sau khi thực hiện chính sách “thông tuyến”, các bệnh nhân giờ đây không cần phải đến đúng bệnh viện đã đăng ký ban đầu với cơ quan BHXH nữa mà có thể đến bất cứ nơi nào để xin giấy chuyển tuyến và bác sĩ cũng không cần phải “cân nhắc” khi viết giấy chuyển tuyến cho bệnh nhân mặc dù bệnh không cần thiết phải lên tuyến trên. “Chính sách thông tuyến là để cải cách hành chính và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân về khám chữa bệnh nhưng nếu không quản lý chặt tình trạng lạm dụng thì sẽ dẫn đến nguy cơ phá vỡ chính sách” - ông Nguyễn Minh Thảo chia sẻ.

Để tháo gỡ bất cập này, theo ông Phạm Lương Sơn, bắt đầu từ 30-6-2016, BHXH Việt Nam sẽ đẩy mạnh cơ chế giám sát thông tin thực hiện chính sách BHYT (thông qua theo dõi và quản lý lịch sử khám chữa bệnh của bệnh nhân cũng như các chỉ định của bác sĩ). Ông Nguyễn Minh Thảo cũng khẳng định, sắp tới sẽ triển khai mã định danh, theo đó bệnh nhân và người dân khám chữa bệnh ở bất cứ đâu cũng được hệ thống thực hiện chính sách BHXH theo dõi, cập nhật một cách dễ dàng, chặt chẽ. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng vừa có văn bản gửi BHXH các tỉnh về việc triển khai chống trục lợi trong thực hiện các chính sách BHXH.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top