Xây dựng bệnh viện theo hướng xanh - sạch - đẹp

09:54 - Thứ Năm, 23/06/2016 Lượt xem: 3655 In bài viết
Bên cạnh yêu cầu thực hiện nghiêm việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; đổi mới phong cách, thái độ ứng xử của nhân viên y tế, Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện phải đổi mới toàn diện theo hướng xanh - sạch - đẹp. Bộ Y tế sẽ sớm công khai chất lượng các bệnh viện để người bệnh biết, lựa chọn khi không may ốm, đau.

Theo tiêu chí chất lượng bệnh viện do Bộ Y tế ban hành, người bệnh được sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ và đầy đủ các phương tiện là một trong những yêu cầu để chấm điểm bệnh viện. Cơ sở y tế đạt điểm tối đa là những nơi có nhà vệ sinh có giấy vệ sinh, bồn rửa tay, nước rửa tay, xà-phòng, dung dịch sát khuẩn, gương, bảo đảm sạch sẽ, ít nhất một nhà vệ sinh cho 7 đến 11 giường bệnh, ghi nhật ký các giờ làm vệ sinh... Nhưng với hàng loạt các tiêu chí đó, không nhiều bệnh viện ở Việt Nam đạt được điểm tối đa. Trong khi thực tế việc sử dụng các nhà vệ sinh là nhu cầu sinh hoạt cá nhân tối thiểu và các phương tiện vệ sinh không bảo đảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.

 

Các phòng mổ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đều được đầu tư trang thiết bị hiện đại và bảo đảm tiệt trùng, giúp an toàn cho người bệnh.

Khảo sát thực tế ở rất nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội, việc vào nhà vệ sinh luôn là nỗi khiếp sợ của không ít người. Trừ những tòa nhà mới được xây dựng, khu vực vệ sinh ở những bệnh viện cũ thường có diện tích hẹp, thiết bị xuống cấp, hư hỏng nhưng ít được sửa chữa, trong khi đó số lượng người sử dụng nhiều. Đáng chú ý, một phần không nhỏ người bệnh, người nhà người bệnh ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường không tốt, cho nên dù được quét dọn thường xuyên dẫn đến nhà vệ sinh vẫn bẩn. Thống kê của một số bệnh viện, số lượng người bệnh gấp hàng chục lần khả năng đáp ứng của bệnh viện… Điều này phần nào lý giải vì sao đến nay cả nước mới có hai bệnh viện tư nhân đạt chứng chỉ quốc tế về chất lượng.

Trong cuộc khảo sát về cấp nước và vệ sinh trong các cơ sở y tế năm 2015 do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) tiến hành trên các bệnh viện các tuyến theo vùng sinh thái đã phát hiện nhiều vấn đề bất cập và hạn chế. Nhà vệ sinh các bệnh viện nhất là khu vực dành cho người bệnh và các khu vệ sinh chung còn bẩn, thiếu nước, thiếu xà-phòng rửa tay, dây đọng nước, bệ xí bị vỡ, hư hỏng không được sửa chữa và nhất là mùi hôi nặng nề do lượng người dùng nhiều, không được xử lý kịp thời. Một số bệnh viện, các nhà vệ sinh bị khóa cửa do không có người lau dọn. Nguyên nhân có thể do vấn đề này chưa được các nhà quản lý quan tâm đúng mức, thiếu sự tổ chức và quản lý hợp lý, thiếu kỹ năng và ý thức trong bảo quản và sử dụng của cả nhân viên y tế và người bệnh, người dân. Việc thiếu nguồn lực bao gồm nhân lực và kinh phí cũng là một rào cản trong thực hiện tốt công tác vệ sinh bệnh viện.

Môi trường bệnh viện xanh - sạch - đẹp vốn là những phần không thể thiếu trong tiêu chí quản lý chất lượng, trong đó có thể kể đến những điều bắt buộc phải có như nhà vệ sinh sạch, hệ thống xử lý nước thải, rác thải y tế. Khi các yếu tố chất lượng khám, chữa bệnh; tinh thần thái độ phục vụ ngày càng được nâng cao thì các bệnh viện phải quan tâm giải quyết đến vấn đề vệ sinh bệnh viện. Tại Hội nghị câu lạc bộ giám đốc bệnh viện mới đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các bệnh viện phải đổi mới toàn diện theo hướng xanh - sạch - đẹp, bắt đầu từ việc làm sạch nhà vệ sinh. Người đứng đầu ngành y tế đã chỉ rõ: Một trong những nguyên nhân khiến người bệnh ra nước ngoài điều trị là vì nơi đó xanh - sạch - đẹp từ ga trải giường, chỗ ăn uống, nhất là nhà vệ sinh. Trên cơ sở đó, tới đây ngành y tế sẽ xây dựng và triển khai đề án bệnh viện xanh - sạch - đẹp. Ở đó, bệnh viện phải là nơi sạch nhất, không thể để nhà vệ sinh bẩn được, chỗ rửa tay phải có xà-phòng, khuôn viên phải có cây xanh, phòng bệnh không thể trải ga cũ, nhàu nhĩ được.

Để thay đổi bộ mặt bệnh viện công, ngoài việc yêu cầu đổi mới mô hình quản lý, các cơ sở tập trung nâng cao chất lượng bệnh viện. Một bệnh viện sạch không chỉ là ở nhà vệ sinh, sân vườn… mà còn cả trong những vấn đề liên quan đến công tác chuyên môn, nhất là khâu xử lý nước thải, rác thải y tế và kiểm soát nhiễm khuẩn.

Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới theo mô hình xanh - sạch - đẹp, lãnh đạo nhiều bệnh viện cho rằng sẽ làm được nhưng cần thời gian. Với các khu nhà mới hoặc bệnh viện cơ sở hai được đầu tư mới thì xây công viên, bãi cỏ, vườn hoa... trong khuôn viên là “chuyện nhỏ”. Còn đối với những bệnh viện cũ, nhất là những cơ sở nội đô, nằm ở những khu vực “tấc đất tấc vàng” thì đó là chuyện rất khó khăn. Tại đây, giường cho người bệnh còn đang thiếu, phòng làm việc cho hàng chục nhân viên cũng chỉ 20, 30 m2, cả trăm con người chung nhau một nhà vệ sinh thì lấy đâu ra chỗ trồng cây xanh, làm vườn hoa? Hai khó khăn chính mà các bệnh viện đang “vướng” là người bệnh quá đông và nhiều khu nhà trong bệnh viện đã cũ, trong khi việc cải tạo, xây dựng thêm còn phụ thuộc vào vấn đề kinh phí. Tuy nhiên, nhà có thể cũ nhưng chắc chắn là phải giữ sạch sẽ vì điều này còn liên quan đến công tác chuyên môn.

Đã đến lúc chính các nhà quản lý bệnh viện cần nhận thức rõ rằng vệ sinh và nhà vệ sinh bệnh viện là một trong những khía cạnh quan trọng, cần được ưu tiên trong nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại cơ sở mình. Từ đó có các quy định, hướng dẫn cụ thể về thực hiện vệ sinh trong cơ sở y tế; đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra các bệnh viện nhằm bảo đảm tốt việc thực thi các quy định, hướng dẫn; đẩy mạnh việc truyền thông, nâng cao năng lực và nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi của các nhà quản lý bệnh viện, nhân viên y tế và chính những người bệnh, người dân về quản lý, sử dụng, bảo quản, duy trì vệ sinh bệnh viện.

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top