Tiêm chủng đầy đủ, phòng bệnh an toàn

08:58 - Thứ Hai, 27/06/2016 Lượt xem: 5394 In bài viết
ĐBP - Tiêm chủng là phương pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm. Những năm qua, nhờ có hàng trăm triệu liều vắc xin được tiêm miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ mắc nhiều loại bệnh đã giảm rõ rệt, có những bệnh còn được loại trừ ra khỏi cộng đồng. Lợi ích là vậy, song 6 tháng đầu năm, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh chưa cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến ngành Y tế gặp khó khăn trong phòng ngừa, kiểm soát các loại dịch bệnh.

Báo cáo của Sở Y tế, ước 6 tháng đầu năm, mặc dù công tác tiêm chủng mở rộng được triển khai thường xuyên và đồng bộ ở 100% xã, phường, thị trấn song tỷ lệ đạt chưa cao. Theo đó, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 44,7% (đạt 47,5% kế hoạch); trẻ em 18 tháng tiêm vắc xin sởi mũi 2 đạt 44,8%; trẻ từ 1 – 5 tuổi tiêm vắc xin viêm não mũi 1 và 2 đạt 44,5% (46,9% kế hoạch) và mũi 3 đạt 40,9%; tỷ lệ tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai 40,9% (đạt 43,5%) và phụ nữ tuổi sinh đẻ đạt 38% (đạt 40% kế hoạch). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên song chủ yếu là do địa bàn đi lại khó khăn, người dân chưa hiểu về lợi ích của tiêm chủng nên không hợp tác.

 

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé tiêm vắc xin sởi - rubella cho trẻ thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng tại xã Chung Chải.

Có con bị bệnh uốn ván, chị Giàng Thị Ly ở xã Sa Dung, huyện Điện Biên Đông, chia sẻ: “Trước đây thấy nhiều người đưa con đến trạm y tế xã tiêm phòng, mình cứ nghĩ không tiêm cũng chả sao nên không đưa con đi tiêm. Giờ nó bị bệnh rồi, có biết lợi ích của tiêm chủng mở rộng cũng chẳng làm được gì”. Không chỉ người dân ở vùng sâu, vùng xa vì nhận thức chưa cao, chưa hiểu hết lợi ích của chương trình tiêm chủng mở rộng mà nhiều người ở thành thị vì tâm lý chủ quan nên đã không cho con đi tiêm vì sợ con đau, biến chứng hoặc chờ tiêm vắc xin dịch vụ cho tốt hơn… dẫn đến nhiều trẻ bị tiêm thiếu liều hoặc tiêm không đúng lịch, bỏ qua thời gian vàng tiêm chủng vắc xin phòng bệnh. Hậu quả để lại là nhiều trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mà đáng lẽ đã được phòng bệnh.

Theo Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vắc xin là một công cụ rất hiệu quả trong dự phòng các bệnh nhiễm khuẩn. Hiện có gần 30 bệnh nhiễm khuẩn có thể dự phòng được bằng vắc xin. Ngoài tác dụng làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, làm cho trẻ em khỏe mạnh, phát triển thể chất và trí não bình thường, vắc xin còn giúp giảm mắc các bệnh khó chữa. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng ước tính, nếu tất cả các vắc xin sẵn có hiện nay đều được sử dụng rộng rãi thì hàng năm sẽ dự phòng thêm từ 2 - 3 triệu trẻ em không bị chết vì các bệnh nhiễm khuẩn.

Tiêm chủng là quyền và trách nhiệm của các bậc phụ huynh, nhằm đảm bảo sức khỏe cho con mình và khẳng định tính ưu việt của công tác tiêm chủng mở rộng trong phòng bệnh cho trẻ. Tuy nhiên, ngoài việc đưa trẻ đến tiêm vắc xin ở các đợt tiêm chủng mở rộng, bậc phụ huynh cũng cần hiểu đúng về các bệnh cũng như tác dụng phụ của mỗi loại vắc xin sau tiêm, nhằm tránh sự hoang mang và có biện pháp kịp thời xử lý với các tình huống; nắm bắt lịch tiêm chủng của trẻ theo từng lứa tuổi, từng loại bệnh để đi tiêm chủng đầy đủ.

Có thể nói, lợi ích của tiêm chủng mở rộng là không thể phủ nhận, giúp ngăn ngừa nhiều bệnh truyền nhiễm, như: Bệnh lao, viêm gan siêu vi B, uốn ván, bại liệt, bạch hầu, sởi… Vì sức khỏe của trẻ, gia đình, cộng đồng và đặc biệt là các bậc phụ huynh hãy thực sự trách nhiệm, lưu tâm, học hỏi để con trẻ được tiêm chủng đầy đủ, phòng bệnh an toàn.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top