Một đêm ở phòng cấp cứu

15:44 - Thứ Năm, 30/06/2016 Lượt xem: 18602 In bài viết
ĐBP - Ngoài trời, từng đợt mưa vẫn xối xả. Bên trong phòng cấp cứu, người phụ nữ trẻ ôm trong lòng đứa con chưa đầy 1 tuổi, run rẩy trình bày. Tiếng chuông từ chiếc điện thoại bàn vang lên xua tan bầu không khí căng thẳng bao trùm căn phòng. Lại có một vụ tai nạn giao thông vừa xảy ra ở đầu thành phố. Các bác sỹ, y tá vội vã lao đi…

Chúng tôi có mặt ở phòng cấp cứu, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) lúc 7h tối. Do đặc thù công việc thường xuyên phải xử lý những ca bệnh nặng, tiếp nhận nhiều bệnh nhân, có khi cái chết chỉ còn tính bằng... gang tấc, nên khoa cấp cứu được đặt ngay ở cổng bệnh viện. Kíp trực đêm nay có 6 người, gồm: 3 bác sỹ và 3 điều dưỡng. Bác sỹ Trần Hải Phong - Trưởng Khoa Cấp cứu trực dẫn tôi đi thăm từng phòng rồi chỉ về phía 2 đầu hành lang có chấn song sắt nói: Ban Giám đốc mới cho làm đấy, nghề bác sỹ, đặc biệt là bác sỹ khoa Cấp cứu luôn phải đối diện với 3 nguy cơ “khủng bố” là bạo lực, tinh thần và kể cả khủng bố bằng áp lực từ các mối quan hệ của người bệnh... Mật độ làm việc luôn căng thẳng và tất bật. Nhiều ca bệnh nặng các y, bác sỹ phải chạy đua không lãng phí “thời gian vàng”, cố gắng giành lại sự sống cho bệnh nhân. Chính vì vậy, các anh, các chị luôn trong tình trạng căng thẳng.

 

Bác sỹ Trần Hải Phong (ngoài cùng bên trái), Trưởng Khoa Cấp cứu cùng êkíp cấp cứu bệnh nhân.

Câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn bởi tiếng gọi của người y tá: "Anh ơi! Mời anh vào giải quyết trường hợp người nhà bệnh nhân không hợp tác!". Đó là trường hợp một bệnh nhân 60 tuổi có tiền sử suy tim, bụng đau dữ dội, qua chẩn đoán ban đầu là bệnh nhân bị viêm túi mật. Trường hợp này đã được bác sỹ chỉ định tiêm thuốc cản quang để chụp ổ bụng mới có thể xác định chính xác tình trạng bệnh lý và có hướng điều trị, nhưng người nhà bệnh nhân nhất định không đồng ý.

Lại thêm một người phụ nữ bước vào phòng với vẻ mặt thất thần: “Bác sỹ ơi em xin cho cháu ra viện được không ạ?” Đó là mẹ của một cháu bé mới 10 tuổi, bị ngã đập đầu xuống đất và luôn trong tình trạng đau đầu dữ dội, nôn mửa. Các bác sỹ đã làm thủ tục cho nhập viện, thăm khám và chuẩn đoán sơ bộ là chấn thương sọ não. Bác sỹ Phong vừa ân cần giải thích, phân tích bằng kiến thức chuyên môn lại vừa nói chuyện tình cảm như nói với một người em trong nhà, thậm chí phải dùng cả thái độ cứng rắn thì mẹ của cháu bé mới chấp nhận ở lại.

Ở phòng bên cạnh là một bệnh nhân 64 tuổi, ở xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, khi người nhà đưa lên đây ông đã liệt nửa người bên trái. Bác sỹ Nguyễn Thị Thu, Khoa Cấp cứu kể với giọng tiếc nuối: Đây là trường hợp rất đáng tiếc, nếu như được cấp cứu kịp thời thì sẽ không để lại hậu quả như vậy. Cách đây 3 ngày bệnh nhân này bị đau đầu, chóng mặt, tê nửa người, có dấu hiệu của tai biến. Do gia đình nghèo, lại đang vào mùa nên ông phải đợi người nhà gieo xong thửa ruộng mới đưa được đến Trung tâm y tế huyện. Các bác sỹ tuyến dưới đã xác định ông bị tai biến và cho chuyển lên tuyến trên ngay. Không biết khi cố cấy thêm mấy sào ruộng thì gia đình ông có đủ ăn không, nhưng di chứng của cơn tai biến thì còn theo đuổi ông... chưa biết đến khi nào!

Với mong muốn trải nghiệm thêm và hiểu hơn công việc của các y, bác sỹ ở Khoa Cấp cứu,  tôi ngỏ ý xin ở lại cùng kíp trực một đêm.

0 giờ 20 phút, bác sỹ ơi cứu em với... Tiếng kêu cứu cùng với tiếng đập cánh cửa sắt rầm rầm. Hai thanh niên lao vào phòng cấp cứu, quần áo xộc xệch, một người ôm đầu be bét máu. Người đi cùng nói giọng không tròn tiếng: Bác sỹ cứu bạn em với, nó uống rượu bị ngã chảy nhiều máu quá! Sau khi vệ sinh và băng bó vết thương cho người thanh niên, tiếng cô y tá nhẹ nhàng hỏi: Em bị chém phải không? Không! Bị ngã thôi... Sau khi đã dẫn bệnh nhân lên Khoa chấn thương, cô y tá bảo với tôi, trường hợp này chắc chắn là bị chém, vì sợ bị phạt nên không dám nhận, nhìn vết thương sắc lẹm, tóc đứt như cắt thì không thể là bị ngã được!

Trong lúc yên tĩnh hiếm hoi, bác sỹ Phong cho biết, mỗi đêm phòng cấp cứu tiếp nhận trung bình từ 20-30 bệnh nhân. Có những đêm yên tĩnh đến 3 - 4 giờ sáng, rồi có liền mấy ca nặng nên phải huy động cả bác sỹ ở các khoa khác. Cách đây ít hôm, y, bác sỹ các khoa trong bệnh viện phải căng mình làm việc nhiều giờ vì phải cấp cứu nạn nhân vụ tai nạn xe khách ở  Phong Sa Ly (Lào). Cùng lúc có 9 bệnh nhân được chuyển đến, trong đó có 4 trường hợp nặng, có cả người già và phụ nữ mang thai. Có hôm xong ca trực về nhà ngủ thiếp đi mãi đến khi người nhà gọi mới tỉnh. Thức đêm, ngủ ngày là trái với quy luật sinh học vì 4 tiếng ngủ ngày mới bằng 1 tiếng ngủ đêm nhưng không phải ai cũng hiểu và thông cảm. Những người làm nghề y thường không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Có khi ngày nghỉ hiếm hoi, vừa đưa vợ con đi chơi thì lại nhận được điện thoại từ bệnh viện, nên phải quay về. Có những ngày giá rét, đang nằm trong chăn ấm cũng phải ra khỏi nhà lúc nửa đêm...

Câu chuyện giữa tôi và bác sỹ Phong đang dang dở thì tiếng ô tô đến. Rồi hai người đàn ông dìu một phụ nữ từ trên xe khách xuống. Đây là trường hợp đang mang thai tháng thứ 7, do có nhiều dấu hiệu bất thường có thể sinh non nên đã được các y, bác sỹ ở Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ chuyển lên. Trời mưa gió, Trung tâm y tế huyện không có xe nên họ phải thuê xe khách hết 4 triệu đồng, đi từ lúc 9 giờ tối, 3 giờ 15 phút sáng mới đến đây! Các y, bác sỹ lại tất bật quây quanh giường bệnh... Ngoài cửa những ánh mắt thất thần, mỏi mệt ngóng chờ của người nhà bệnh nhân theo bóng dáng những y, bác sỹ áo trắng. Một đêm ở Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho tôi thấu hiểu và thêm chia sẻ hơn với công việc thầm lặng hàng ngày, hàng giờ của các anh, các chị.

           BVĐK tỉnh Điện Biên, đêm 24-6-2016

Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top