“Để người dân được sống trong môi trường không còn bệnh lao”

09:09 - Thứ Hai, 19/09/2016 Lượt xem: 5043 In bài viết
ĐBP - Lao là bệnh nguy hiểm, mức độ lây lan cao, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo các cơ quan chức năng, mỗi ngày ở Việt Nam có gần 50 người chết vì bệnh lao. Với mức độ nguy hiểm của bệnh; những năm qua, công tác phòng, chống lao được Sở Y tế tỉnh triển khai và duy trì tại 100% huyện, thị, thành phố. Việc quản lý, cấp phát thuốc, điều trị cho bệnh nhân lao tại tuyến y tế cơ sở được đảm bảo, qua đó góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân.

Với khẩu hiệu “Để người dân được sống trong môi trường không còn bệnh lao” do Tổ chức Y tế thế giới phát động trong năm 2016, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương cũng đang nỗ lực đẩy lùi bệnh lao ra khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, việc loại trừ bệnh lao khỏi cộng đồng vẫn là thách thức lớn, bởi trên địa bàn tỉnh còn nhiều bệnh nhân chưa được phát hiện. Bên cạnh đó, tình hình phức tạp của căn bệnh HIV/AIDS cũng là nguyên nhân tạo điều kiện cho bệnh lao gia tăng, từ đó khiến quá trình quản lý và điều trị gặp nhiều khó khăn.

 

Bác sỹ Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Trung ương khám bệnh lưu động miễn phí cho bệnh nhân tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.

Trước thực trạng đó, ngành Y tế đã củng cố mạng lưới phòng, chống lao từ tỉnh, huyện đến xã, phường. Cán bộ chuyên trách công tác phòng, chống lao tại các tuyến được phân công, phụ trách từng địa bàn cụ thể để nắm bắt kịp thời tình hình của bệnh. Với công tác phòng, chống lao, việc xác định nguồn lây tiềm ẩn trong cộng đồng để quản lý cũng như điều trị bệnh rất quan trọng, chính vì thế, mỗi cán bộ làm công tác phòng, chống lao tại trạm y tế xã đã chủ động vận động, thuyết phục người dân nghi mắc lao đi xét nghiệm, chẩn đoán. Những trường hợp lao phổi AFB (+), lao ngoài phổi được chuyển lên tuyến tỉnh khám chẩn đoán và điều trị.

Để công tác phòng, chống lao đạt hiệu quả, thời gian qua, các chuyên khoa lao từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, thành phố được đầu tư trang bị, phương tiện nhằm xét nghiệm, phát hiện bệnh chính xác và hiệu quả. Tại tuyến tỉnh, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi được chương trình chống lao quốc gia trang bị hệ thống máy xét nghiệm lao nhanh và lao kháng thuốc Gene - Xpert cho kết quả chỉ sau 2 giờ, với độ chính xác cao (trên 98%). Ngoài ra, các cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, như: Máy siêu âm, X.Quang và các phương tiện xét nghiệm khác hỗ trợ khám, chẩn đoán, phát hiện bệnh lao cũng được tăng cường.

Với tinh thần trách nhiệm, cùng nỗ lực quyết tâm đẩy lùi bệnh lao ra khỏi cộng đồng, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, các hoạt động phòng, chống lao, như: Quản lý, điều trị bệnh nhân tại cộng đồng; cung ứng thuốc, vật tư; đào tạo, truyền thông, kiểm tra giám sát, giám định tiêu bản đều được thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả. Công tác phòng, chống bệnh lao được triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn. Từ đầu năm đến nay, có hơn 1.500 người được khám bệnh lao, qua đó phát hiện mới gần 100 ca. Hiện tổng số bệnh nhân lao đang được quản lý 229 người, đạt 100% kế hoạch.

Lao là bệnh nguy hiểm, dễ lây truyền, người bị bệnh lao khi ho, hắt hơi… vi trùng lao sẽ theo đường nước bọt ra môi trường bên ngoài, người khác hít phải có nguy cơ bị nhiễm vi trùng lao. Bệnh lao thường có biểu hiện ho kéo dài với thời gian từ 2 tuần trở lên, như: Ho khan, ho có đờm, ho ra máu. Người mắc bệnh lao cơ thể sẽ ốm yếu, kém ăn, mệt mỏi, đau ngực, khó thở… Người bị bệnh lao nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, sẽ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm, như: Tràn dịch tràn khí màng phổi, ho ra máu, xơ phổi… dẫn đến tử vong.

Công tác phòng, chống bệnh lao ở tỉnh nhiều năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Là cơ quan chuyên môn, ngành Y tế cũng đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống lao. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông làm thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao. Tuy nhiên, để được sống trong môi trường không còn bệnh lao, mỗi người dân cần chung tay cùng với cơ quan chức năng tuyên truyền cho gia đình, người thân về tác hại của bệnh lao. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, cộng đồng... Đặc biệt, nên trang bị kỹ những kiến thức cơ bản về bệnh lao.

Bài, ảnh: Văn Quyết
Bình luận
Back To Top