Không chủ quan với bệnh dại ở người

08:44 - Thứ Hai, 24/10/2016 Lượt xem: 3571 In bài viết
ĐBP - Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 5 trường hợp tử vong do bệnh dại. Trong đó, TP. Điện Biên Phủ 1 ca; Nậm Pồ 1 ca; Tuần Giáo 1 ca; Mường Nhé 1 ca và huyện Điện Biên 1 ca. Qua kết quả điều tra, 5 trường hợp tử vong do bệnh dại có 2 trường hợp tử vong là trẻ em dưới 15 tuổi, 1 trường hợp 28 tuổi và 2 trường hợp 54 tuổi.

 

Cán bộ Trạm Y tế xã Lao Xả Phình, huyện Tủa Chùa tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng, tránh dịch bệnh cho người dân trên địa bàn xã.

Bà Dương Thị Quỳnh Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: Mùa hè là thời điểm các loại bệnh truyền nhiễm dễ bùng phát, nhất là những bệnh nguy hiểm (viêm não Nhật Bản B, viêm não vi rút, thủy đậu, quai bị, bệnh dại…); tuy nhiên bệnh có thể xảy ra ở các tháng trong năm, nhất là các dịch bệnh đã và đang từng lưu hành trên địa bàn. Điển hình như dịch cúm gia cầm, bệnh nhiệt thán và mới đây nhất là bệnh zika – một loại bệnh có tính chất nguy hiểm và nguy cơ tử vong rất cao trên toàn thế giới. Do đó, thời gian qua, mặc dù bệnh dại trên người đã có dấu hiệu trầm xuống và chưa ghi nhận thêm ca bệnh dại mới kể từ trung tuần tháng 7/2016, song xác định đây là bệnh nguy hiểm, người dân nên chủ động nâng cao kiến thức kỹ năng phòng, tránh các loại dịch bệnh truyền nhiễm nói chúng, bệnh dại nói riêng. Về phía ngành Y tế tỉnh, Sở Y tế cũng đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan từ tỉnh đến cơ sở triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, tăng cường tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho tất cả các đối tượng bị động vật cắn nghi dại; củng cố các điểm tiêm phòng vắc xin dại tại 10 huyện, thị, thành phố nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đến tiêm phòng (mỗi huyện có ít nhất 1 điểm tiêm). Theo thống kê, đến hết tháng 7 vừa qua, toàn tỉnh có gần 1.400 người được tiêm vắc xin phòng bệnh dại (trung bình 200 người được tiêm/tháng); sử dụng 5.374 liều vắc xin (trong đó 2.104 liều miễn phí cho người nghèo). Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với ngành Y tế tỉnh tổ chức 5 lớp tập huấn kiến thức liên quan đến bệnh dại và công tác tiêm chủng cho 225 cán bộ y tế từ tỉnh đến xã.

Theo bà Dương Thị Quỳnh Châu, công tác tuyên truyền luôn được các cơ quan chức năng triển khai thực hiện có hiệu quả bằng nhiều hình thức, như: Phát tờ rơi, tư vấn tại trạm y tế, loa truyền thanh… nhờ đó, người dân đã dần hiểu đúng và ý thức cao hơn trong công tác phòng, tránh dịch bệnh.

Bệnh dại là bệnh rất nguy hiểm, từ động vật mắc bệnh lây sang người bằng các vết cắn, vết xước… Bệnh có nhiều biểu hiện, thời gian phát bệnh dài hay ngắn phụ thuộc vào vết cắn, vết cắn càng gần thần kinh Trung ương (đầu, mặt, cổ) thì vết thương càng nặng, thời gian phát bệnh càng ngắn (một số trường hợp có thể có thời gian ủ bệnh đến 1 năm sau mới phát bệnh). Khi phát bệnh, người bệnh co giật, co cứng toàn thân, sợ nước, sợ ánh sáng, co thắt hệ hô hấp, liệt 1 hoặc 2 chi dưới sau đó lan dần lên trên dẫn đến khó thở (do liệt cơ hô hấp) thời gian phát bệnh đến lúc tử vong từ 4 - 10 ngày nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Chính vì mức độ nguy hiểm của bệnh dại, bà Dương Thị Quỳnh Châu khuyến cáo, khi bị động vật cắn, cần rửa sạch vết thương bằng nước sạch hoặc xà phòng, sau đó đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị. Đặc biệt, hiện nay tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố có vắc xin, huyết thanh kháng dại, người dân cần tham gia tiêm chủng đầy đủ để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top