Nâng cao chất lượng công tác y tế ở tuyến đầu

08:45 - Thứ Hai, 24/10/2016 Lượt xem: 3364 In bài viết
ĐBP - Để từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở y tế tuyến xã, những năm qua ngoài cử cán bộ, y sỹ các trạm đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn... Trung tâm Y tế huyện Mường Chà còn điều động, phân công bác sỹ xuống trạm  y tế làm việc 2 buổi/tuần. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở, đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân các xã khó khăn...

Trạm Y tế xã Sa Lông là một trong những Trạm thiếu biên chế bác sỹ về công tác... Để đảm bảo nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, Trung tâm Y tế huyện Mường Chà đã sắp xếp, bố trí, phân công bác sỹ tăng cường cơ sở 2 buổi/tuần. Bác sỹ Phạm Hồng Tân, Trưởng khoa Khám bệnh (Trung tâm Y tế Mường Chà), cho biết: Được phân công về tăng cường tại các trạm y tế, tôi thường chủ động sắp xếp thời gian, bàn giao công việc cho đồng nghiệp trong khoa những ngày xuống cơ sở. Trước khi xuống cơ sở, cán bộ Trạm phối hợp với UBND các xã thông báo về ngày, giờ và lịch khám cụ thể để người dân biết và đến đúng giờ. Cùng với đó, tôi cũng hỗ trợ thêm cho cán bộ y tế ở Trạm theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” cách sơ cứu ban đầu một số bệnh thường gặp, phát hiện bệnh và chuyển tuyến kịp thời, đảm bảo an toàn tính mạng cho bệnh nhân”.

 

Bác sỹ Trung tâm Y tế huyện Mường Chà khám và điều trị cho bệnh nhân.

Để giải bài toán thiếu hụt bác sỹ ở các trạm y tế xã, bác sỹ Vũ Thị Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Chà, cho biết: Hiện nay, Trung tâm có 33 bác sỹ; trong đó, 8/12 xã, thị trấn có biên chế bác sỹ, số trạm còn lại (Sa Lông, Mường Tùng, thị trấn...) luân phiên mỗi tuần 2 buổi bác sỹ của Trung tâm Y tế huyện xuống tăng cường. Để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân tuyến cơ sở, ngay từ đầu năm, Trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch, điều động và khuyến khích bác sỹ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ; ưu tiên bác sỹ là con em đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống tại địa phương luân phiên về cơ sở tăng cường, đặc biệt là những xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, chưa có bác sỹ.

Điều dễ nhận thấy khi bác sỹ tăng cường về các trạm là hiệu suất khám, chữa bệnh được cải thiện và tăng cao về số lượng và chất lượng; việc sơ cứu, cấp cứu các trường hợp rủi ro do tai nạn lao động, dịch bệnh, tự sát bằng thuốc trừ sâu, tai biến sản khoa... được kịp thời, giảm thiểu tình trạng tử vong. Cùng với đó, công tác phòng, chống dịch bệnh, điều trị thông thường cho nhân dân được thực hiện hiệu quả, rất nhiều ca bệnh khó, nguy hiểm đã được phát hiện, chuyển tuyến và điều trị kịp thời; hỗ trợ tuyến dưới thực hành các phương pháp, kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh, nâng cao tay nghề, hạn chế tình trạng chuyển tuyến không cần thiết, giảm tải cho tuyến trên. Với đặc thù là huyện vùng cao, địa bàn rộng và địa hình chia cắt như Mường Chà, việc tăng cường bác sỹ về cơ sở có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân.

Tuy nhiên, cũng theo bác sỹ Vũ Thị Phương thì việc điều động bác sỹ về cơ sở cũng gặp không ít khó khăn và chỉ là giải pháp tình thế. Bởi ngoài khó khăn khi sắp xếp, bố trí người trực thay khi bác sỹ xuống cơ sở; bác sỹ tăng cường cơ sở chỉ có thể làm trong giờ hành chính. Trong trường hợp ca bệnh khó nhưng đến khám điều trị ngoài giờ thì không có bác sỹ chăm sóc. Điều này khiến người dân chưa yên tâm khi đến tuyến y tế cơ sở...

Có thể khẳng định, việc tăng cường bác sỹ về tuyến xã ở Mường Chà là rất phù hợp với nguyện vọng người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại, thu hẹp dần khoảng cách dịch vụ y tế giữa tuyến trên và cơ sở. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng khám và điều trị, củng cố niềm tin của người dân vào tuyến y tế cơ sở, từng bước thay đổi diện mạo y tế vùng cao. Tuy nhiên về lâu dài, giải pháp biên chế đầy đủ bác sỹ cho tuyến cơ sở là rất cần thiết.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top