Giúp người dân vượt “rào cản” tâm lý

08:56 - Thứ Năm, 24/11/2016 Lượt xem: 7872 In bài viết
ĐBP - Suốt quá trình mang bầu 6 đứa con, bà Giàng Thị Chu, bản Huổi Ban, xã Mường Nhé không một lần đến cơ sở y tế khám thai vì quan niệm “trời sinh, trời dưỡng”. Cho đến khi sinh đứa con thứ 6 ở tuổi 37, thì mọi người trong gia đình bà Chu đã không khỏi hoang mang khi con có nhiều biểu hiện bất thường.

Đứa trẻ được đặt tên là Mùa A Lâu. Hàng ngày, mọi việc từ ăn uống, sinh hoạt, vệ sinh cá nhân của Lâu... đều tại chỗ. Lâu không thể đi lại, vận động và cũng không nhận thức được mọi việc xung quanh ngoài chuyện bất chợt gào khóc điên dại trong vô thức. Và đến nay, khi Lâu đã gần 6 tuổi bà Chu vẫn không hiểu lý do vì sao đứa con thứ 6 lại “thiếu may mắn” như vậy.

 
Trong căn nhà trống huơ trống hoác có hơn 10 người thuộc 3 thế hệ chung sống, mỗi ngày bà Chu phải gắng gượng để ôm trên tay đứa con dại. Khi nhắc đến Lâu, bà Chu không khỏi nghẹn ngào: “Nó cứ lớn lên như vậy mà chẳng biết gì, từ bé chỉ ăn được chất lỏng vì không biết nhai. Cứ đến giờ nó lại gào khóc, chắc đau ở đâu đó, nhưng nó chẳng nói được nên tôi cũng không biết đau ở đâu, chỉ ôm con khóc theo. Đi đâu, làm gì, kể cả lên nương vài ngày cũng phải bế con theo, trước nó bé còn bế được, giờ lớn quá rồi...”

 

Số ít phụ nữ dân tộc thiểu số ở Mường Nhé đã bắt đầu ý thức và đến cơ sở y tế thăm khám khi mang thai và sinh con.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi, rằng “Tại sao nhiều tuổi rồi mà bà vẫn sinh con? Khi mang bầu bà có đến cơ sở y tế khám và nghe bác sỹ tư vấn hay không? bà Chu chỉ lắc đầu e ngại, rồi để ông Mùa A Sềnh – chồng bà trả lời thay: “Gia đình nghèo lo làm đủ ăn đã khó, chứ chẳng nghĩ được gì khác. Với lại, mấy đứa trước vẫn chửa đẻ bình thường có sao đâu. Chỉ có đứa út này không hiểu sao lại thiếu may mắn vậy!?”.

Thế nhưng, đến cuối cuộc trò chuyện với chúng tôi, bà Chu vô tình thốt lên: “Biết thế này ngày trước chẳng cố sinh thêm nữa, vì bác sỹ cũng bảo tôi nhiều tuổi rồi. Mà lúc nó còn trong bụng đi khám sớm, biết nó bị như thế này thì tôi chẳng sinh nữa, có khi con đã không phải sống khổ sống sở như bây giờ... Sinh con ra như vậy lại hóa làm nó khổ cả cuộc đời!”

Cùng với trường hợp của Mùa A Lâu, ở xã Mường Nhé - địa bàn trung tâm và được xem là thuận lợi nhất của huyện Mường Nhé, theo thống kê chưa đầy đủ của cán bộ dân số xã thì hiện có đến hơn 20 trẻ bị khuyết tật, di tật bẩm sinh. Còn với toàn huyện, có gần 300 trẻ khuyết tật, dị tật. Nguyên nhân chưa có đánh giá nào cụ thể, song chắc chắn rằng, nếu được thăm khám, kiểm tra phát hiện và can thiệp sớm, thì số lượng trẻ bị khiếm khuyết ở Mường Nhé đã không nhiều đến thế!

Nói về thực trạng trên, Bác sỹ chuyên khoa I Lò Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé, cho biết: Có rất nhiều nguyên nhân có thể kể ra ở đây, như: Tình trạng hôn nhân cận huyết thống, thiếu dinh dưỡng hoặc sử dụng thuốc gây tác dụng phụ trong quá trình mang thai, sản phụ mang thai trong độ tuổi cao... Song, xét cho cùng thì tất cả đều xuất phát từ nhận thức và tâm lý người dân. Họ chưa coi trọng sức khỏe, ngại đến cơ sở y tế, tâm lý trọng thầy cúng hơn thầy thuốc. Để giải quyết được thực trạng này thì cách duy nhất là phải giúp người dân vượt qua những “rào cản” tâm lý trên.

Và giải pháp mà lực lượng chuyên môn địa phương đưa ra vẫn là kiên trì đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, giáo dục. Trung tâm Y tế huyện đã tập trung nhiều vào các hoạt động truyền thông bằng các hình thức, như: thông qua lực lượng cộng tác viên dân số; các chiến dịch truyền thông chuyên đề, lồng ghép ở cộng đồng dân cư; treo băng rôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi; tư vấn, giáo dục kết hợp cho người dân khi đến khám tại các cơ sở y tế... Hoạt động tư vấn, giáo dục được tập trung vào các đối tượng là vợ, chồng sắp cưới hoặc mới cưới và nhóm phụ nữ có “nguy cơ cao”, như: từ 35 tuổi trở lên, tiền sử có con bị bệnh tật bẩm sinh, cặp vợ chồng kết hôn cận huyết thống, người tiếp xúc thường xuyên với môi trường độc hại…

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top