Không chờ dịch mới lo ứng phó

09:27 - Thứ Năm, 16/02/2017 Lượt xem: 6077 In bài viết
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, nhiều dịch bệnh do vi rút, vi khuẩn đang lưu hành như: Cúm, Zika, sốt xuất huyết, tay chân miệng (TCM), bệnh dại, liên cầu khuẩn lợn, sốt rét, viêm não Nhật Bản… vẫn đang là thách thức đối với việc giảm số người mắc và tử vong ở nước ta. Vì vậy, nhiệm vụ của các địa phương là phải tăng cường hệ thống giám sát dịch bệnh thường xuyên, không chờ dịch đến mới lo ứng phó.

Ổ dịch thường xảy ra tại “vùng lõm“ tiêm chủng 

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng tại hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh khu vực phía Bắc năm 2017, do Bộ Y tế tổ chức ngày 15-2: Năm 2016, cả nước ghi nhận 219 trường hợp nhiễm vi rút Zika. Từ đầu năm 2017 đến nay đã có thêm 13 trường hợp mắc vi rút này. Trong đó, ghi nhận 1 trường hợp có biến chứng đầu nhỏ tại Đắk Lắk nghi ngờ có liên quan đến Zika.

 

Cùng với đó, bệnh sốt xuất huyết vẫn tiếp tục ghi nhận số ca mắc tăng cao với gần 111.000 ca mắc và 36 ca tử vong trong năm 2016. Dịch bệnh TCM cũng tiếp tục lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố, tập trung ở khu vực miền Nam với khoảng 48.000 ca mắc và 1 ca tử vong. Thậm chí, một số dịch bệnh được khống chế đang có dấu hiệu xuất hiện trở lại như: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, thủy đậu, bệnh dại…

Nguyên nhân được chỉ ra là do giao lưu thương mại, du lịch giữa các khu vực, đô thị hóa, biến đổi khí hậu, kháng thuốc của vi sinh vật gây bệnh. Một phần nữa là do vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm, ý thức của người dân chưa cao. Ngoài ra, các ổ dịch thường xảy ra tại “vùng lõm” tiêm chủng - nơi có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh chưa cao và không quản lý tốt đối tượng tiêm.

Ngoài các dịch bệnh trên, ông Trần Đắc Phu khuyến cáo, hiện là thời điểm của cúm mùa, cúm gia cầm gia tăng. Dù năm 2016, Việt Nam không ghi nhận ca mắc cúm gia cầm (như: H5N1, H7N9, H5N6) nhưng cúm mùa vẫn lưu hành rộng rãi với 3 chủng cúm A/H3N3 (chiếm 45%), cúm B (chiếm 43%), cúm H1N1 (chiếm 12%). Bên cạnh đó, nước láng giềng Trung Quốc phát hiện nhiều ca nhiễm cúm gia cầm nên nguy cơ lây lan sang Việt Nam hoàn toàn có thể, nhất là trong bối cảnh giao thương, đi lại diễn ra thường xuyên như hiện nay.

Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương Nguyễn Văn Kính cũng khẳng định, dịch cúm đang gia tăng rất mạnh ở Châu Mỹ. Ngay tại Châu Âu cũng đã xuất hiện ca nhiễm cúm gia cầm H5N1. Để phòng dịch bệnh xâm nhập, nhiều nước cấm nhập thịt gia cầm từ các quốc gia có dịch. Riêng Bắc Kinh (Trung Quốc) đã ghi nhận cúm A/H7N9 nên xu hướng xâm nhập vào nước ta rất lớn. “Năm ngoái, khi xuất hiện một số ca mắc cúm mùa, chúng tôi đã chuyển kho dự trữ thuốc Tamiflu cho một số tỉnh, thành phố. Do vậy, năm nay, Bộ Y tế cần sớm mua bổ sung thuốc để phòng dịch”, ông Nguyễn Văn Kính đề xuất.

Mỗi dịch bệnh, một kịch bản 

Thời gian qua, Hà Nội là địa phương cơ bản khống chế và kiểm soát tốt dịch bệnh. Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, hệ thống giám sát dịch bệnh từ thành phố đến cơ sở sẽ tiếp tục được củng cố, tăng cường để thực hiện hiệu quả công tác giám sát dịch tễ, giám sát véc tơ, giám sát yếu tố nguy cơ, phát hiện sớm các ca mắc bệnh tại cộng đồng và cơ sở y tế.

Thêm vào đó, 65 đội phòng chống dịch cơ động của thành phố và tuyến quận, huyện được trang bị đầy đủ các phương tiện sẵn sàng dập dịch. Trong năm 2017, kinh phí phòng chống dịch bệnh của thành phố được tăng thêm 50% sẽ giúp cho hệ thống y tế dự phòng thành phố hoạt động hiệu quả hơn.

Từ những kết quả đạt được của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, để phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, đối với các địa phương cần nhận diện, đánh giá cho được những dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập, lưu hành trên địa bàn. Bên cạnh đó, các địa phương phải phân tích đánh giá và có báo cáo cụ thể về tỷ lệ tiêm chủng hằng năm. Từ đó, mỗi địa phương sẽ xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh cụ thể theo từng năm, trong đó phải đề cập đầy đủ các vấn đề từ truyền thông, tài chính đến giám sát, điều trị…

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, kinh nghiệm xây dựng kịch bản đối phó từng dịch bệnh từ nhiều nước trên thế giới cho thấy khi triển khai chống dịch sẽ rất hiệu quả. Do đó, điểm mới trong công tác phòng chống dịch năm nay là chúng ta sẽ xây dựng kịch bản, tình huống cụ thể (khi không có ca bệnh, khi có ca bệnh xâm nhập và khi dịch bệnh xảy ra) đối với từng dịch bệnh trên địa bàn. Tuyệt đối không để khi có dịch mới loay hoay ứng phó.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top