Kỷ niệm 62 năm Ngày Thầy thuốc việt nam (27/2/1955 - 27/2/2017)

Định hướng phát triển công tác y tế Điện Biên đến năm 2020

08:33 - Thứ Hai, 27/02/2017 Lượt xem: 6431 In bài viết
ĐBP - Những năm qua, được sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác y tế của Điện Biên đã có bước phát triển đáng kể. Tổ chức bộ máy ngành Y tế tiếp tục được củng cố và kiện toàn ở tất cả các tuyến, đảm bảo về tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ theo các chức danh chuyên môn, thành phần và cơ cấu cán bộ; kiểm soát và khống chế thành công các vụ dịch trên địa bàn, không có dịch lớn xảy ra; thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia do ngành Y tế quản lý. 

Đặc biệt là công tác khám, chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách.

 
Để người dân ngày càng được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, công tác y tế phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội và nhân dân, thời gian tới ngành Y tế tiếp tục tập trung tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả theo Nghị quyết 46-NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị, về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và các định hướng phát triển của Trung ương và của tỉnh về công tác y tế, như sau:

 

Thạc sỹ Triệu Đình Thành, Giám đốc Sở Y tế trao giải cho những cá nhân có thành tích xuất sắc trong Hội thi “Điều dưỡng - hộ sinh - kỹ thuật viên giỏi lần thứ V” và thi tuyên truyền “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Ảnh: Việt Phú (T4G)

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác y tế, công tác y tế phải là nội dung trọng tâm trong các nghị quyết, chương trình, kế hoạch hoạt động của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; đẩy mạnh sự tham gia, phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể với các hoạt động y tế nhằm đẩy mạnh xã hội hóa y tế. Kiên trì, nỗ lực thực hiện mục tiêu y tế theo hướng: Công bằng - hiệu quả và phát triển. Giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, dịch bệnh; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế. Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu chủ yếu trong Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, như: tỷ lệ tăng dân số hàng năm 1,63%, quy mô dân số dưới 60 vạn người; bình quân 11 bác sỹ/vạn dân, trên 94% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 10%; 80% số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã và 16 nhóm chỉ tiêu y tế do Bộ Y tế, HĐND, UBND tỉnh giao.

Hai là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy y tế các tuyến; xây dựng đội ngũ nhân viên y tế có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ năng lực theo vị trí việc làm của từng đơn vị; tăng cường đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho y tế cơ sở đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ba là, thực hiện công tác y tế dự phòng theo định hướng phòng bệnh hơn chữa bệnh, triển khai có hiệu quả các dự án thuộc chương trình mục tiêu y tế - dân số, chú trọng công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống HIV/AIDS; nâng cao chất lượng, hiệu quả các chương trình mục tiêu, chiến lược quốc gia do ngành Y tế quản lý trên địa bàn tỉnh.

Bốn là, công tác khám, chữa bệnh được áp dụng kỹ thuật cao, chuyên sâu ở tuyến tỉnh, tuyến huyện đảm bảo thực hiện được các danh mục kỹ thuật theo phân tuyến của Bộ Y tế; phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; thực hiện hiệu quả Đề án 1816; kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền trong công tác chăm sóc sức khỏe; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ.

Năm là, đảm bảo cung ứng đủ thuốc, vật tư cho công tác phòng, chống dịch bệnh, khám, chữa bệnh và phòng, chống thiên tai thảm họa; quản lý tốt giá thuốc và hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn hợp lý cho nhân dân; chú trọng phát triển dược liệu y học cổ truyền.

Sáu là, tăng cường nguồn lực đầu tư cho y tế, tiếp tục kêu gọi, huy động các nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế cho các cơ sở y tế từ nguồn ngân sách Nhà nước, từ các nguồn vốn ODA và các nguồn vốn hỗ trợ, viện trợ đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân

Bảy là, phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng triển khai khoa học kỹ thuật trong khám, chữa bệnh, y tế dự phòng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh, bảo hiểm y tế, quản lý y tế cơ sở, các chương trình y tế và công tác quản lý chung toàn ngành; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý, quản lý chất thải y tế.

Tám là, nâng cao chất lượng y tế cơ sở; đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh, triển khai thực hiện đầy đủ các danh mục kỹ thuật theo phân tuyến.

Chín là, đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thực hiện đầy đủ quy chế chuyên môn, quy chế giao tiếp và ứng xử của cán bộ y tế.

Mười là, đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe; đẩy mạnh các biện pháp truyền thông tại cộng đồng, vùng đồng bào dân tộc để nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc tham gia tự bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và xã hội.

Tin tưởng rằng trong thời gian tới, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, công tác y tế sẽ ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong bảo vệ và nâng cao sức khỏe.

Thạc sỹ Triệu Đình Thành (Giám đốc Sở Y tế)
Bình luận
Back To Top