Nâng cao năng lực y tế dự phòng, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân

08:36 - Thứ Hai, 27/02/2017 Lượt xem: 5938 In bài viết
ĐBP - Những năm qua, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh và sự nỗ lực của các đơn vị thuộc hệ y tế dự phòng đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả tích cực. Toàn ngành Y tế đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đổi mới đạt được nhiều chuyển biến: Mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển; nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi; đại dịch HIV/AIDS được kiểm soát; thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường y tế; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm số vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể; đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác y tế dự phòng cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và vẫn còn những hạn chế cần tập trung giải quyết.

Nhằm nâng cao năng lực y tế dự phòng, chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, toàn hệ dự phòng tập trung triển khai có hiệu quả trọng tâm công tác sau đây:

Tăng cường giám sát phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; chủ động, triển khai kế hoạch giám sát trọng điểm, giám sát các yếu tố nguy cơ, dự báo tình hình dịch bệnh, tăng cường khả năng chủ động đáp ứng phòng chống dịch; thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm, chú trọng bệnh tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, ung thư; tăng cường vai trò của chính quyền các cấp trong phòng chống dịch bệnh, huy động các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng tham gia công tác phòng chống dịch bệnh.

Tăng cường sự quan tâm của chính quyền và các cấp ủy đảng; các cơ quan thông tin truyền thông đối với công tác truyền thông giáo dục sức khỏe;  triển khai mạnh mẽ giáo dục y đức, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện quy tắc ứng xử, xây dựng hình ảnh đẹp của người thầy thuốc. Tổ chức truyền thông chủ động, trọng tâm:  Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh: Viêm não Nhật bản; dịch bệnh lây qua đường tiêu hóa (tiêu chảy, lỵ, tay chân miệng...), cúm, dại...; an toàn thực phẩm; giảm tử vong bà mẹ và trẻ em.

Triển khai phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” theo Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 26/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ; các huyện, thị, thành phố chọn điểm tổ chức lễ phát động; đánh giá tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh, tỷ lệ người dân có thói quen rửa tay bằng xà phòng, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch; tăng cường quản lý triệt để chất thải y tế: các huyện, thị, thành phố chịu trách nhiệm và lập kế hoạch đảm bảo tất cả các cơ sở y tế phải có hệ thống quản lý, xử lý chất thải; không để xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Tăng cường giáo dục cho cộng đồng công tác an toàn thực phẩm một cách thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân; hoàn thiện, nâng cao năng lực hệ thống kiểm nghiệm an toàn thực phẩm; thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, thường xuyên, liên tục, công bố kết quả rộng rãi, công khai minh bạch thông tin để người dân lựa chọn thực phẩm an toàn; triển khai thực hiện Thông tư số 30/2012/TT-BYT ngày  5/12/2012 của Bộ Y tế quy định điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.

Đẩy mạnh triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, đặc biệt đẩy mạnh mở rộng chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone, thực hiện chương trình sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm, điều trị bằng thuốc kháng vi rút; hoạt động phòng chống HIV/AIDS lồng ghép, gắn với các chương trình y tế khác nhằm đảm bảo tính bền vững.

Xây dựng mô hình tổ chức cả 3 tuyến tỉnh, huyện, xã với nguyên tắc giảm đầu mối để tăng cường năng lực, chất lượng hoạt động; đối với tuyến tỉnh thực hiện mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật ở tuyến tỉnh trên cơ sở sáp nhập các trung tâm có cùng chức năng; đối với tuyến huyện thực hiện theo Thông tư 37/2016/TT-BYT, ngày 25/10/2016 của Bộ Y tế về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế huyện, quận, thị, thành phố. Trạm y tế xã, phường, thị trấn là đơn vị sự nghiệp thuộc Trung tâm Y tế huyện và thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 33/2015/TT-BYT, ngày 27/10/2015 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của Trạm Y tế xã, phường, thị trấn.

Đoàn Ngọc Hùng (Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh)
Bình luận
Back To Top