Chủ động đối phó với dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh

09:48 - Thứ Năm, 02/03/2017 Lượt xem: 5831 In bài viết
ĐBP - Trong những ngày gần đây, 17 tỉnh tại Trung Quốc đã xuất hiện dịch cúm A/H7N9 khiến gần 200 người tử vong, trong đó có 2 tỉnh giáp biên giới với Việt Nam là Quảng Tây và Vân Nam. Tỉnh ta cũng có đường biên giới với Trung Quốc, để ngăn chặn dịch cúm xâm nhập vào địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh.

Công điện số 02/CĐ-UBND ngày 24/2 của UBND tỉnh yêu cầu, UBND các huyện, thị khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật. Đồng thời, chuẩn bị các nguồn lực sẵn sàng ứng phó với các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người. Tăng cường tuyên truyền cho nhân dân, các hộ chăn nuôi gia cầm về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm, các dấu hiệu nhận biết khi gia cầm mắc bệnh cúm.

Ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cho biết: Sau khi có công điện của UBND tỉnh, Chi cục Thú y tỉnh đã chỉ đạo Trạm Thú y các huyện, thị tăng cường công tác tuyên truyền. Cử cán bộ xuống cơ sở, hướng dẫn nhân dân về các biểu hiện của cúm gia cầm. Tuyên truyền để người dân tự giám sát các hoạt động giết mổ gia cầm, các hoạt động vận chuyển, buôn bán gia cầm và các sản phẩm của gia cầm vào địa bàn tiêu thụ. Tiến hành tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh. Đối với các hộ chăn nuôi, nhập giống gia cầm có nguồn gốc, có kiểm dịch của cơ quan thú y.

Để phòng tránh dịch cúm gia cầm xuất hiện trên người, Sở Y tế tăng cường giám sát các ca bệnh cúm trên người đang điều trị tại các cơ sở y tế. Các nhà khoa học chưa tìm được cơ chế lây nhiễm vi rút cúm A/H7N9 giữa gia cầm và người nên rất khó phát hiện người bị cúm chủng vi rút A/H7N9. Chính vì vậy, để dịch cúm gia cầm không vào địa bàn tỉnh, cơ quan chức năng đã khuyến cáo các hộ chăn nuôi chủ động khai báo cho cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương về gia cầm chết một cách bất thường.

Dù dịch cúm A/H7N9 chưa xuất hiện trên địa bàn tỉnh Điện Biên, nhưng để chủ động đối phó với các chủng vi rút cúm A, cơ quan thú y đã tiến hành kiểm tra, giám sát các vùng có nguy cơ bùng phát dịch cúm. Đồng thời tiến hành kiểm tra các ổ dịch cũ, các địa điểm tập trung chăn nuôi với số lượng đàn gia cầm lớn. Phối hợp với UBND thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên tiến hành tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm H5N1 theo đúng kế hoạch.

Phòng chống dịch cúm gia cầm không chỉ là trách nhiệm của cơ quan thú y mà cần các cấp, ngành cùng vào cuộc phối hợp. Ngay sau khi có công điện của UBND tỉnh, UBND huyện Mường Nhé đã tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân vùng biên giới tiếp giáp với Trung Quốc về tính nguy hiểm của dịch cúm gia cầm. Tiến hành ký cam kết đến từng hộ dân không tham gia vận chuyển, buôn bán gia cầm và các sản phẩm của gia cầm qua biên giới, nhất là việc vận chuyển gia cầm qua lối mở A Pa Chải và các đường mòn.

Tại các huyện, thị tiếp giáp với các tỉnh khác, Chi cục Thú y đã chỉ đạo cán bộ thú y các trạm tiến hành kiểm tra tại các chốt khi có tin báo việc nhập lậu gia cầm vào địa bàn. Tiến hành tiêm vắc xin, phun độc khử trùng cho các hộ chăn nuôi quy mô lớn nhằm tránh nguy cơ bùng phát dịch. Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm khi phát hiện gia cầm nghi nhiễm vi rút gia cầm để xử lý kịp thời, không để lây lan ra diện rộng và lây nhiễm vi rút cho người.

Không để dịch cúm gia cầm bùng phát trên địa bàn tỉnh, ngoài việc chủ động của các cơ quan chuyên môn, rất cần người dân nâng cao ý thức trong việc phòng chống dịch cúm; không buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ; kịp thời thông tin cho các cơ quan chức năng về hành vi mua bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu vào địa bàn tỉnh.

Vinh Duy
Bình luận
Back To Top