Kỹ thuật tiêu sợi huyết trong điều trị đột quỵ não cấp

Bước tiến mới của Bệnh viện Đa khoa tỉnh

09:05 - Thứ Năm, 09/03/2017 Lượt xem: 6310 In bài viết
ĐBP - Chỉ sau 3 ngày áp dụng “Kỹ thuật tiêu sợi huyết trong điều trị đột quỵ não cấp” với sự điều trị tích cực của các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, bệnh nhân N.T.A, 67 tuổi ở TP. Điện Biên Phủ đã qua cơn nguy kịch và hồi phục một cách kỳ diệu trước sự vui mừng của gia đình. Trước đó, khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, liệt nửa người và không nói được…

Chia sẻ về thành công ban đầu khi áp dụng kỹ thuật này, Bác sỹ chuyên khoa cấp 2, Trần Hải Phong, Trưởng Khoa Cấp cứu, BVĐK tỉnh cho biết: Trong ca trực cấp cứu ngày 9/1/2017, bệnh nhân N.T.A, 67 tuổi ở TP. Điện Biên Phủ được gia đình đưa đến trong tình trạng gọi không nghe thấy, hỏi không biết gì sau một cơn đau đầu. Kíp trực đã khẩn trương khám, khai thác tiền sử và được biết bệnh nhân có tiền sử bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp từ nhiều năm nay. Trước khi nhập viện, gia đình đã sơ cứu, đánh cảm bằng phương pháp dân gian nhưng không hiệu quả. Khi đưa vào cấp cứu bệnh nhân hôn mê, thở ngáy, xuất tiết đờm miệng họng, niêm mạc, da nhợt, cấm khẩu và đã liệt nửa người bên phải.

 

Tiếp nhận bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Nhận thấy tình hình có tính chất nghiêm trọng, kíp trực đã nhanh chóng báo cáo và xin ý kiến lãnh đạo Bệnh viện. Khi nhận thông tin, Giám đốc BVĐK tỉnh, Thạc sỹ, Bác sỹ Chuyên khoa cấp 2 Phạm Văn Mẫn trực tiếp chỉ đạo kíp trực lập hồ sơ bệnh án, nhanh chóng lấy máu xét nghiệm, đồng thời điều trị kiểm soát đường máu, huyết áp và đưa bệnh nhân tới Khoa Chẩn đoán hình ảnh chụp Ctscanner sọ não để đưa ra chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị cụ thể. Trong điều kiện như vậy, mọi thao tác đưa bệnh nhân lên máy chụp cần sự phối hợp nhanh, nhịp nhàng và chính xác để tránh làm tổn thương thêm cho người bệnh. Sau khi có kết quả chụp Ctscanner vẫn không đủ cơ sở để đánh giá được tổn thương. Với kinh nghiệm của mình, Bác sỹ Phạm Văn Mẫn trực tiếp chỉ đạo kíp trực phối hợp cùng với Khoa Chẩn đoán hình ảnh đưa bệnh nhân đi chụp cộng hưởng từ để chụp sọ não và xác định đó là bệnh đột quỵ não cấp (nhồi máu não). Bệnh nhân ngay lập tức được đưa vào phòng theo dõi, chăm sóc đặc biệt. Cùng lúc đó, Bác sỹ Chuyên khoa cấp 2 Trần Hải Phong, Trưởng Khoa Cấp cứu và Thạc sỹ, Bác sỹ Lường Văn Long, Trưởng Khoa Thần kinh cũng đã được mời vào hội chẩn. Giám đốc Phạm Văn Mẫn trực tiếp chủ trì cuộc hội chẩn và thống nhất dùng thuốc tiêu sợi huyết để điều trị ngay trong khung giờ vàng (3 giờ đầu sau tai biến).

Vì đây là lần đầu tiên tại BVĐK tỉnh áp dụng kỹ thuật tiêu sợi huyết trong điều trị đột quỵ nên gia đình người bệnh không khỏi hoài nghi. Bác sỹ Phạm Văn Mẫn đã phân tích, giải thích cho người nhà bệnh nhân hiểu và tin tưởng hợp tác với Bệnh viện, chấp thuận điều trị bằng kỹ thuật mới. Bệnh viện cũng cho gia đình biết, mặc dù là kỹ thuật lần đầu triển khai tại BVĐK tỉnh nhưng trước đó đã được áp dụng thành công tại các bệnh viện lớn ở Trung ương và một số địa phương.

Trong phương pháp điều trị này, bác sỹ Trần Hải Phong là người chịu trách nhiệm chính. Với áp lực không nhỏ, bác sỹ Phong cùng bác sỹ Lò Văn Quyết tính toán liều lượng chuẩn xác tới từng mililit, microgam để điều trị. Khi những giọt thuốc đầu tiên được tiêm vào cơ thể người bệnh, cũng là lúc kim đồng hồ chỉ 22 giờ 30 phút. Vậy là chưa đầy 2 giờ sau khi bệnh nhân nhập viện, phương pháp mới đã được áp dụng kịp thời trong khung giờ vàng. Khi những mililit thuốc cuối cùng trong kỹ thuật tiêu sợi huyết kết thúc cũng là lúc cả kíp trực và người nhà bệnh nhân bớt đi phần nào căng thẳng. Các bác sỹ theo dõi sát từng nhịp thở, từng nhịp đập của tim và diễn biến của bệnh nhân. 3 tiếng sau, rồi 6 tiếng, dấu hiệu lâm sàng bắt đầu được cải thiện rõ rệt, ngón tay, ngón chân của người bệnh đã cử động. 36 giờ sau, sự phục hồi vận động của người bệnh đã đạt được 70 - 80%. Và sau 72 giờ bệnh nhân đã tự nhấc được chân, tay lên khỏi mặt giường. Sau 2 tuần điều trị tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhân được xuất viện trong sự vui mừng của gia đình và tập thể y, bác sỹ bệnh viện.

Những năm trước đây, theo khái niệm cũ thì các trường hợp tương tự đều được chẩn đoán là tai biến mạch máu não nói chung. Trong những năm gần đây, với sự phát triển không ngừng của khoa học đã có những chẩn đoán cụ thể hơn, đó là đột quỵ não cấp, gồm có: Xuất huyết não (vỡ động mạnh não); nhồi máu não (cục máu đông làm tắc mạnh máu não); tai biến thoảng qua (bệnh nhân vắng ý thức trong 1 khoảng thời gian). Thông thường, những bệnh nhân tương tự như trường hợp trên, nếu được cấp cứu kịp thời thì thời gian điều trị phải kéo dài 3 - 6 tháng. Có trường hợp nặng hơn phải sử dụng các biện pháp hồi sức tích cực, thông khí nhân tạo (thở máy) và nhiều thủ thuật khác, làm chi phí điều trị tăng cao xong kết quả cũng không được như mong đợi.

Để triển khai, áp dụng được kỹ thuật tiêu sợi huyết trong điều trị đột quỵ tại BVĐK tỉnh, Ban Giám đốc Bệnh viện đã chú trọng đầu tư, áp dụng các kỹ thuật mới. Từ năm 2014, Bệnh viện đã có kế hoạch đào tạo nhân lực và lập phương án mua sắm, nâng cấp trang thiết bị. Và kết quả ngày hôm nay cũng chính là thành quả của tập thể các y, bác sỹ có trình độ chuyên môn cao, có tâm huyết và luôn gắn bó với bệnh viện.

Được biết, trong thời gian tới, BVĐK tỉnh sẽ thành lập một đơn nguyên điều trị đột quỵ trực thuộc Khoa Cấp cứu và hiện nay đã có kế hoạch thu dung bệnh nhân để điều trị. Hy vọng, trong thời gian tới, kỹ thuật này sẽ được triển khai rộng rãi và đem lại niềm vui cho gia đình người bệnh.

Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top