Chủ động phòng, chống vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm

09:17 - Thứ Hai, 03/04/2017 Lượt xem: 4911 In bài viết
ĐBP - Trước diễn biến phức tạp của vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm có khả năng lây sang người, ngày 27/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện đến các bộ, ngành, tỉnh, thành phố tập trung các biện pháp phòng, chống dịch.

Thông tin từ ngành Y tế tỉnh, trong gần 3 tháng đầu năm, Trung Quốc đã ghi nhận 533 người bị nhiễm vi rút cúm A/H7N9, trong đó có các tỉnh chung biên giới với nước là Quảng Tây (17 trường hợp mắc) và tỉnh Vân Nam (2 trường hợp mắc). Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã phát hiện trên 2.000 mẫu dương tính với vi rút cúm A/H7N9 trên gà, vịt, bồ câu, vẹt ở môi trường. Chính vì thế, ngành Y tế xác định: Nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút khác (A/H5N2, A/H5N8) từ nước ngoài xâm nhiễm vào nước ta qua biên giới thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc, trong đó có Điện Biên và các tỉnh, thành phố khác là rất cao. Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại, du lịch của nhân dân hai nước, đặc biệt cư dân biên giới cũng có thể đưa vi rút cúm A/H7N9 xâm nhiễm vào nước ta. Đối với tỉnh Điện Biên, vài năm trở lại đây, tình hình dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp. Các loại dịch bệnh có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Ngành Y tế tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường giám sát, phòng, chống, ngăn chặn và khống chế các chủng cúm nguy hiểm này. Trong đó, chú trọng phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thú y tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên kiểm tra chuồng trại nuôi gia cầm tại các xã, khu vực, đặc biệt là khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa có nguy cơ dễ xảy ra dịch bệnh. Ngành Y tế cũng phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện ngăn chặn nhập lậu, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm. Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh, nếu phát hiện bệnh nhân có biểu hiện bất thường, thông báo kịp thời tình hình cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để phối hợp giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác. Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã chủ động các loại thuốc, hóa chất khử trùng, dập dịch khi dịch xuất hiện, tránh để lan rộng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

 

Cán bộ Trạm Y tế xã Hừa Ngài, huyện Mường Chà tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho người dân.

Bà Dương Thị Quỳnh Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: Cúm A/H7N9 là chủng cúm A có độc lực cao. Để chủ động phòng chống dịch cúm từ gia cầm, ngành Y tế khuyến cáo người dân: Hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm chết, chất thải từ gia cầm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Không ăn tiết canh động vật tươi sống, chỉ ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm đã được nấu chín; không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khi phát hiện người dân có triệu chứng cúm phải cách ly điều trị tại cơ sở y tế để hạn chế lây lan cho người khác, đồng thời báo cho các cơ quan chức năng để giám sát dịch tễ, bao vây dập dịch nếu có. Khuyến khích người dân báo dịch khi phát hiện gia cầm ốm, chết bất thường. Đồng thời, thực hiện tốt công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi, tập trung vào khu vực có nguy cơ cao phát sinh ổ dịch cúm gia cầm, khu vực chăn nuôi gia cầm, chợ buôn bán, điểm thu gom gia cầm, cơ sở ấp nở gia cầm và cơ sở giết mổ gia cầm.

Theo bà Dương Thị Quỳnh Châu, hiện chưa có vắc xin phòng cúm A/H7N9, tuy nhiên khuyến khích người dân, nhất là người có nguy cơ mắc bệnh cao, người già, trẻ em… nên tiêm vắc xin phòng cúm mùa đều đặn hàng năm vì loại vắc xin này có tác dụng làm giảm nhẹ triệu chứng và hạn chế tử vong do các chủng cúm nguy hiểm gây ra, như: Cúm A/H5N1, H7N9…

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top