Thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT:

Giải pháp “đột phá” của ngành Y tế

02:08 - Thứ Bảy, 01/07/2017 Lượt xem: 4330 In bài viết

ĐBP - Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (Số 46/2014/QH13), từ ngày 1/1/2016, chính thức áp dụng mở thông tuyến khám, chữa bệnh từ tuyến huyện (bệnh viện hạng 3) trở xuống. Có nghĩa là, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh từ tuyến xã lên tuyến huyện sẽ được thông tuyến. Người dân có thẻ BHYT đăng ký nơi khám, chữa bệnh ban đầu ở tuyến xã có thể đến khám, chữa bệnh ở cơ sở y tế tuyến huyện mà không cần phải giấy chuyển viện như trước đây; đồng thời cũng có thể chọn bất kỳ một cơ sở y tế nào trong và ngoài tỉnh, tương đương tuyến huyện trở xuống để khám, chữa bệnh mà vẫn được hưởng đầy đủ các quyền lợi như nơi đăng ký ban đầu.

Sau một năm rưỡi triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Điện Biên, việc thông tuyến đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng, nhất là đối với người dân mà nơi cư trú ở xa trung tâm.

 

Bà Lò Thị Một (dân tộc Khơ Mú) bản Pá Nặm, xã Mường Lạn, huyện Mường Ảng khám bệnh thông tuyến tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Điện Biên Phủ. 

Chúng tôi đến Bệnh viện Đa khoa thành phố Điện Biên Phủ vào dịp này, tại các phòng khám và khoa điều trị, rất nhiều bệnh nhân có thẻ BHYT đăng ký nơi khám, chữa bệnh ban đầu ở những địa phương khác đến đây khám và điều trị. Tại phòng khám số 2, bà Lò Thị Một, dân tộc Khơ Mú - bệnh nhân đến từ bản Pá Nặm, xã Mường Lạn, huyện Mường Ảng, cho biết: Thẻ BHYT của bà đăng ký nơi khám, chữa bệnh ban đầu tại Trạm Y tế xã Mường Lạn. Trong dịp hè này, bà về TP. Điện Biên Phủ thăm con gái, nên tiện bà mang theo thẻ BHYT đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Điện Biên Phủ; mọi quyền lợi của người bệnh bà vẫn được hưởng như nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu mà không cần phải giấy chuyển tuyến. Hơn nữa, bà còn được các bác sỹ trực tiếp khám, nội soi bằng những thiết bị hiện đại mà nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu không có.

Tại khoa điều trị, anh Tòng Văn Đăm - bệnh nhân đến từ xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên cho biết: Nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu của anh tại Trạm y tế xã Nà Nhạn. Trước đây, mỗi khi bệnh tiểu đường tái phát, anh thường về điều trị tại tuyến trên là Bệnh viện Đa khoa huyện Điện Biên. Từ khi thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT, anh thường chọn Bệnh viện Đa khoa thành phố Điện Biên Phủ để điều trị, vừa tiện đường, không phải đi xa mà các con anh công tác tại thành phố ra chăm sóc cũng tiện.

Cũng tại khoa điều trị, bà Vũ Thị Thu - bệnh nhân đến từ thị trấn Cẩm Thủy, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ: “Thẻ BHYT của tôi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Tôi lên Điện Biên thăm con, nhưng chẳng may bệnh cũ tái phát nên tôi vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Điện Biên Phủ. Nhờ việc thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT nên tôi vẫn được hưởng mọi quyền lợi của bệnh nhân như nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu”.

Có thể nói, việc thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT đã tạo điều kiện tối đa cho người tham gia BHYT tiếp cận các dịch vụ y tế một cách thuận lợi nhất. Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa thành phố Điện Biên Phủ, trong năm 2016, bệnh viện đã khám, điều trị cho 59.003 bệnh nhân có thẻ BHYT, trong đó có 10.108 bệnh nhân thông tuyến (chiếm 17%). 6 tháng đầu năm 2017, tổng số bệnh nhân khám, điều trị BHYT là 29.338 người, trong đó số bệnh nhân thông tuyến là 6.344 (chiếm 22%). Qua đây có thể thấy, việc thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT đã tác động tích cực đến người tham gia BHYT. Các bệnh nhân tham gia BHYT đã lựa chọn cho mình những cơ sở y tế thuận tiện, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh tốt hơn so với nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh, khẳng định: Thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT đã đem lại lợi ích thực sự đối với người dân tham gia BHYT; tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh lựa chọn, tiếp cận với các cơ sở y tế có điều kiện khám, chữa bệnh tốt, mà vẫn được hưởng đầy đủ các quyền lợi của người bệnh. Việc thông tuyến buộc các cơ sở y tế phải đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đổi mới phong cách phục vụ bệnh nhân; đồng thời tạo ra sự cạnh tranh giữa các cơ sở y tế. Nếu cơ sở y tế nào không đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh, thì sẽ không thu hút được bệnh nhân. Đặc biệt, thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT rất thuận lợi đối với các trường hợp người lao động khi phải di chuyển công việc từ địa phương này sang địa phương khác.

Mặc dù việc thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT không phải là không có những bất cập; nhưng hiện tại chủ trương này vẫn được xem là một trong những chính sách được người dân hoan nghênh; đồng thời là một trong những giải pháp “đột phá” của ngành Y tế, nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong khám, chữa bệnh, cũng như góp phần đẩy mạnh BHYT toàn dân.

Bài, ảnh: Linh Giang
Bình luận
Back To Top