Đưa y tế tư nhân về đúng “quỹ đạo”

10:28 - Thứ Sáu, 14/07/2017 Lượt xem: 6393 In bài viết
Thời gian qua, hàng loạt sai phạm trong hành nghề y tế tư nhân xảy ra khiến dư luận bức xúc, hoài nghi về chất lượng khám, chữa bệnh tại những cơ sở y tế thuộc loại hình này cũng như công tác quản lý của cơ quan chức năng. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-BYT về việc tăng cường quản lý hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân. Đây được coi là biện pháp mạnh, hữu hiệu để đưa hoạt động y tế tư nhân trở về đúng “quỹ đạo”.

Xử lý chưa triệt để...

Theo Bộ Y tế, cả nước hiện có 206 bệnh viện và hơn 30.000 phòng khám tư nhân. Thời gian qua, các cơ sở y tế tư nhân đã góp phần quan trọng trong cung cấp các dịch vụ khám, chữa bệnh, giúp giảm tải cho các bệnh viện công lập. Tuy nhiên, không ít cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, nhất là các phòng khám tư còn để xảy ra các sai phạm như: Mời bác sĩ người nước ngoài hành nghề khi chưa có chứng chỉ hành nghề; hành nghề quá phạm vi chuyên môn cho phép; sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam; quảng cáo quá phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép; việc lưu đơn thuốc, hồ sơ bệnh án chưa đúng theo quy định của Bộ Y tế…

 

Khám, điều trị cho người bệnh tại Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc, một trong những cơ sở y tế tư nhân có uy tín

Trực tiếp đi kiểm tra, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng phát hiện nhiều sai phạm ở một số cơ sở y tế tư nhân như: Dùng những thủ thuật, kỹ thuật không bảo đảm an toàn, dễ gây tai biến; không có sổ sách ghi chép bệnh án; thu giá dịch vụ cao… Thế nhưng, các sai phạm của những phòng khám tư vẫn chưa được xử lý triệt để. Có những phòng khám bị cơ quan chức năng nhắc nhở, xử lý 4 - 5 lần nhưng tiếp tục tái phạm. Những phòng khám này còn tồn tại là do sự phối hợp chưa đồng bộ giữa Thanh tra Bộ Y tế - thanh tra các địa phương và giữa thanh tra y tế - công an các địa phương.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang cho rằng, quy định pháp luật hiện tại đủ để quản lý chặt chẽ phòng khám tư nhân và trách nhiệm quản lý các cơ sở y tế tư nhân thuộc chính quyền địa phương. Theo ông Nguyễn Huy Quang, công tác tuyên truyền chưa tốt nên người dân không biết cơ sở nào đạt chất lượng để lựa chọn. Chính vì vậy, xảy ra tình trạng có những phòng khám tư nhếch nhác, thiếu thốn cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, vi phạm hoạt động chuyên môn mà người bệnh vẫn không biết để tránh.

Còn theo quan điểm của bác sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), các cơ quan quản lý mới nặng về kiểm tra... mang tính hành chính, thủ tục. Trong khi đó, vấn đề quan trọng đối với nghề y là chất lượng chuyên môn và đạo đức hành nghề... 

Sẽ phân hạng phòng khám tư

Để kiểm soát các hoạt động của phòng khám tư nhân, nhất là phòng khám có yếu tố nước ngoài, từ đầu năm 2017 đến nay, cơ quan chức năng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, biện pháp mạnh để quản lý các phòng khám tư là tăng cường kiểm tra hoạt động chuyên môn, quản lý chứng chỉ hành nghề và khi phát hiện sai phạm thì phải rút giấy phép hoạt động, rút chứng chỉ hành nghề... Sau đó, thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân có vi phạm, bao gồm tính chất, mức độ vi phạm, hình thức xử phạt, nhằm tăng tính răn đe và phòng ngừa tái phạm.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện việc đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của ngành danh sách cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân đã được cấp giấy phép hoạt động, kèm theo phạm vi hoạt động chuyên môn. Đồng thời, các cơ sở y tế tư nhân phải đăng tải công khai giấy phép hoạt động: Phạm vi chuyên môn, thời gian hoạt động; danh sách, văn bằng chuyên môn, phạm vi chuyên môn của người chịu trách nhiệm chuyên môn và người hành nghề khám, chữa bệnh; giá dịch vụ khám, chữa bệnh; tên và địa chỉ cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp để người dân biết. “Tới đây, Bộ Y tế sẽ chấm điểm, phân hạng phòng khám tư nhân như bệnh viện công lập để tạo sự công bằng, cạnh tranh lành mạnh” - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Trong chiến lược phát triển của ngành Y tế, Chính phủ ưu tiên phát triển y tế tư nhân, khuyến khích kết hợp công - tư. Bộ Y tế đặt ra chỉ tiêu, phấn đấu y tế tư nhân chiếm 20% trong tổng số giường bệnh toàn ngành, nhằm tăng khả năng lựa chọn cho bệnh nhân, giúp giảm tải, khuyến khích đầu tư. Trong đề án bệnh viện vệ tinh chuyển giao công nghệ giúp phát triển kỹ thuật cao của Bộ Y tế cũng mở rộng đến cả bệnh viện tư nhân.

Thiết nghĩ, trong khi cơ sở y tế công lập còn đang quá tải, việc phát triển y tế tư nhân là rất cần thiết. Tuy nhiên, ngành Y tế cần có những giải pháp quản lý hữu hiệu để y tế tư nhân hoạt động đúng "quỹ đạo", bảo vệ quyền lợi của người đến khám, chữa bệnh.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top