Hương thuốc thơm như thể hương lòng

08:45 - Thứ Năm, 31/08/2017 Lượt xem: 6137 In bài viết
ĐBP - Tiếp nhận toàn bộ hạ tầng cơ sở do Bệnh viện Đa khoa tỉnh chuyển giao, sau hơn 10 năm “an cư lạc nghiệp”, Bệnh viện Y học Dân tộc tỉnh đã và đang tỏ ra xứng đáng với vai trò là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của tỉnh, trong việc áp dụng phương pháp kỹ thuật y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại để chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân...

Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng qua nhiều khoa phòng trong bệnh viện, bất chợt, ông Nguyễn Trọng Ninh - Bác sỹ chuyên khoa II, Thầy thuốc ưu tú, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh - dừng lại ở khu vực phòng khám với câu nói như một sự gợi ý: “Hôm nay là ngày khám bệnh, như các anh thấy đấy, có rất nhiều người đã đặt sổ Y bạ và đang ngồi chờ đến lượt gọi tên mình. Chúng tôi nghĩ chính họ là một “kênh thông tin” để báo chí tiếp cận”. Và sau đó, do phải lên làm việc trên Sở Y tế ngay bây giờ, nên giám đốc Nguyễn Trọng Ninh để lại chúng tôi với hàng chục người dân đến khám bệnh trước phòng khám của bệnh viện. Tại Phòng khám số 2, bác sỹ đa khoa Đỗ Thị Hải Yến và điều dưỡng viên Đặng Thị Hồng Thanh đang khám cho bệnh nhân. Tôi xin 10 phút làm việc và được bác sỹ Đỗ Thị Hải Yến hẹn chừng... hai tiếng đồng hồ nữa nếu khám hết bệnh nhân. Và rồi, chỉ mất... gần hai tiếng chứ chưa tới hai tiếng, cuộc trao đổi giữa chúng tôi và các bác sỹ cũng được thực hiện ngay tại phòng khám.

 

Đầu giờ các buổi sáng, bác sỹ đi dọc hành lang bệnh viện phát thuốc cho bệnh nhân.

Theo bác sỹ Đỗ Thị Hải Yến, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh hiện có 4 phòng khám, trừ những dịp đột xuất, còn thông thường bình quân mỗi ngày có khoảng 40 - 60 người đến đây khám bệnh theo thẻ Bảo hiểm y tế và là thẻ đăng ký khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Ngoài ra, còn không ít trường hợp những người vì lý do nào đó mà vào đây khám bệnh trái tuyến, hoặc người không có thẻ Bảo hiểm y tế. Ông Lèng Văn Bé, dân tộc Thái, 62 tuổi, bản Vàng Sôn 1 (xã Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ), cho biết: “Tôi bị đau nửa người bên trái mấy năm nay, nhờ thầy mo trong xã, trong huyện và cả đón thầy ở Lai Châu về nhà cúng mãi mà bệnh càng nặng hơn lên. Tôi được các con đưa về đây từ chiều hôm qua. Tôi vừa khám xong rồi, bác sỹ bảo phải nằm viện để bác sỹ chữa bệnh cho, khi nào khỏi thì về”. Kéo hai ống quần lên cho tôi xem hai bên cổ chân sưng húp và bầm tím, ông Lò Văn Việt, dân tộc Thái, 42 tuổi, bản Co Sáng (xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng), chia sẻ: “Tôi là y tá bản nên cũng biết chút ít về thuốc, sau gần hai năm tự chữa cho mình nhưng không kết quả nên buộc phải vào đây. Đã từ lâu tôi biết Bệnh viện Y học cổ truyền này, nhưng do mình là lao động chính trong nhà, lại là hộ nông nghiệp, nên giờ mới nhập viện được”. Ông Lò Văn Việt cho biết căn bệnh của ông là gút - khớp (hội chứng tay cổ), rất may là ông có thẻ bảo hiểm nên không lo chi phí điều trị. 

Tại Khoa Nội - Nhi ngũ quan, dịp này bệnh nhân nằm gần như kín cơ số giường phòng. Các bệnh nhân: Thò A Dế, 52 tuổi, dân tộc Mông (bản Mỹ Làng B, xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo); Lò Văn Hoai, 57 tuổi, dân tộc Khơ Mú (bản Huổi Dụa, xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông); Khoàng Thị Khống, 71 tuổi, dân tộc Thái trắng (bản Mường Toong 2, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé)... đang được các bác sỹ châm cứu theo phương pháp y học cổ truyền. Bà Phạm Thị Ban, 72 tuổi, dân tộc Kinh (xã Đông Các, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), vào điều trị mấy hôm nay. Trả lời câu hỏi của chúng tôi, bà Ban cho biết bà lên Điện Biên thăm con công tác tại Sở Công Thương, không may bị ốm; bà có thẻ Bảo hiểm y tế nhưng vào đây điều trị tức là chấp nhận chi phí điều trị trái tuyến theo quy định. Bên hành lang Khoa Nội - Nhi ngũ quan, bác sỹ chuyên khoa I Nguyễn Thị Đạo - Trưởng khoa, trải lòng: “Nghe trên thông tin đại chúng về những trường hợp tiêu cực trong khám chữa bệnh ở đâu đó, nói thực, là người trong ngành chúng tôi rất nghĩ ngợi và cũng rất ngạc nhiên. Như các anh biết, hầu hết bệnh nhân vào đây là những người nghèo, khám chữa bệnh theo thẻ bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo, địa bàn vùng sâu, biên giới (khu vực II và III); đến cơm ăn, nước uống hàng ngày Nhà nước còn phải hỗ trợ bà con cơ mà?”.

Để có thêm thông tin cho bài viết, ba hôm sau chúng tôi có buổi “tái làm việc” với giám đốc Nguyễn Trọng Ninh. Trong căn phòng nhỏ được bài trí đơn sơ, giám đốc Nguyễn Trọng Ninh cho biết: Tại thời điểm này bệnh viện có 14 khoa phòng (5 phòng chức năng và 9 khoa chuyên môn) với trên 100 cán bộ công chức (gồm: Bác sỹ, y sỹ đa khoa, dược sỹ, dược tá, điều dưỡng, hộ lý và cán bộ nhân viên khác). Ngoài chức năng chính là khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại, bệnh viện còn thực hiện các nhiệm vụ: Đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học, sản xuất một số loại thuốc, chỉ đạo y tế tuyến dưới, tham gia phòng chống dịch bệnh và truyền thông giáo dục sức khoẻ cộng đồng... Nhiều năm qua, để tạo nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và điều trị bằng y học cổ truyền, bệnh viện thường xuyên mời các chuyên gia đầu ngành Trung ương lên tập huấn chuyên môn, phối hợp với Trường Cao đẳng Y tế tỉnh mở các lớp chuyên khoa định hướng về y học cổ truyền. Kết quả đến nay đã có hàng trăm học viên quay về cơ sở xã, phường công tác góp phần xây dựng chương trình chuẩn quốc gia về y tế xã trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh đó, nhằm không ngừng phát triển mạng lưới y học cổ truyền từ tuyến tỉnh đến các trạm y tế cấp xã, bệnh viện đã thành lập và duy trì tổ chỉ đạo tuyến thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế, cử cán bộ luân phiên xuống cơ sở chuyển giao kỹ thuật; hướng dẫn các thủ thuật về châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt; phổ biến cho cán bộ y tế xã biết kỹ thuật trồng, sử dụng một số cây thuốc nam có ở địa phương và các bài thuốc nam chữa trị những chứng bệnh thông thường. Đó chính là cách thiết thực góp phần giảm tải cho y tế tuyến trên, đồng thời cũng nhằm giảm chi phí cho người bệnh khi không phải đi chữa bệnh xa nhà.

Hơn 2 năm qua, cũng như các cơ sở y tế khác trên địa bàn tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai Quyết định 2151/QĐ-BYT ngày 4/6/2015 của Bộ Y tế và Kế hoạch số 1110/KH-SYT ngày 7/8/2015 của Sở Y tế Điện Biên, về việc thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Để cụ thể hóa quyết tâm của mình, Ban giám đốc bệnh viện chủ trương chú trọng hơn nữa công tác chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng điều trị, thu dung đa dạng các loại bệnh, phương châm điều trị không chỉ ổn định mà là khỏi bệnh; chăm sóc người bệnh với tinh thần thái độ phục vụ nhiệt tình, chu đáo như 9 câu cách ngôn y huấn của Hải Thượng Lãn Ông; 12 điều y đức, quy tắc ứng xử và quy chế giao tiếp mà Bộ Y tế đã ban hành. “Chỉ cần lượng người đăng ký thẻ bảo hiểm khám bệnh tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh tăng qua hàng năm, vậy là chúng tôi phấn khởi lắm rồi, tự tin hơn rồi. Đương nhiên, đó là bằng chứng về uy tín của đội ngũ thầy thuốc và nhân viên ở cơ sở chúng tôi. Việc giáo dục ý thức phục vụ được chúng tôi chú trọng với ngay cả những nhân viên làm nhiệm vụ nấu ăn, mượn trả quần áo chăn màn, người gác cổng, trông giữ xe cho khách. Một ví dụ, để tiện cho bệnh nhân, đầu giờ các buổi sáng nhân viên nhà ăn (Khoa Dinh dưỡng) đi từng phòng bệnh (và thậm chí tới từng giường bệnh), hỏi xem bệnh nhân nào ăn cơm hôm nay thì đăng ký để bệnh viện nấu; cho dù hầu hết đó là những suất ăn miễn phí dành cho bệnh nhân nghèo...” - Bác sỹ Nguyễn Trọng Ninh cho biết như vậy.

Trên hành trình gần ba thập kỷ qua (1988-2017), tập thể cán bộ, thầy thuốc và công chức Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh luôn xác định rõ vai trò nhiệm vụ và dám nhận về mình sứ mạng vinh quang của người thầy thuốc “Lương y như từ mẫu”. Thành công hôm nay chính là kết quả của những phác đồ điều trị tối ưu và hiệu quả như có phép “cải tử hoàn sinh”, cả những ca trực bận rộn và căng thẳng giúp bao nhiêu người bệnh dần bình phục sau những tháng ngày mệt mỏi, đau đớn và tuyệt vọng. Tôi từng đọc ở đâu đó, đại ý: Với người thầy thuốc chân chính, hạnh phúc nhất là khi người bệnh xuất viện với vết thương đang lành, sức khoẻ ổn định trở lại. Hương thuốc đông y rất thơm và trong nỗ lực trị bệnh cứu người, tấm lòng các thầy thuốc cũng thảo thơm như thế, dịu dàng và lan tỏa như thế...

Bài, ảnh: Thu Loan
Bình luận
Back To Top