Đưa dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến gần hơn với người dân vùng cao

08:21 - Thứ Hai, 11/09/2017 Lượt xem: 6056 In bài viết
ĐBP - Sau thành công của chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động, lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS)/kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) đến vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn đợt I năm 2017, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Điện Biên đang xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch đợt II với niềm tin và quyết tâm đưa dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ ngày càng gần hơn, phổ biến rộng rãi hơn với phụ nữ vùng cao.

Từ ngày 21/3 - 12/4, chiến dịch đợt I được tổ chức trọng điểm tại 14 xã vùng cao của huyện. Ban chỉ đạo công tác dân số - KHHGĐ các cấp đã tổ chức họp triển khai nội dung chiến dịch và chỉ đạo, rà soát, lập danh sách phụ nữ 15 - 49 tuổi đã lập gia đình tham gia thực hiện dịch vụ. Mục tiêu quan trọng đặt ra trong chiến dịch là tập trung tuyên truyền cho đối tượng mục đích sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) hiện đại. Để chiến dịch đạt được kết quả đã đề ra, Trung tâm đã phân công 3 đội lưu động xuống từng xã, phối hợp với các đoàn thể, cán bộ chuyên trách dân số các xã và cộng tác viên tại các thôn, bản, đội đi từng bản tuyên truyền, vận động, tư vấn người dân thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ và tham gia sử dụng các dịch vụ trong chiến dịch. Nhờ những cố gắng ấy, mà kết quả chiến dịch đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Số người thực hiện BPTT mới trong chiến dịch là 395/321 ca, đạt 123%. Một số xã đạt tỷ lệ cao, như Mường Phăng, Pá Khoang (200% kế hoạch). Một yếu tố khác góp phần làm nên thành công chiến dịch là sự vào cuộc, ủng hộ của chính quyền các xã không chỉ trong phối hợp tuyên truyền, vận động người dân mà còn đóng góp về vật chất. Mặc dù kinh phí Chương trình Mục tiêu dân số - KHHGĐ dành cho chiến dịch chưa được cấp nhưng chiến dịch vẫn diễn ra thuận lợi nhờ UBND một số xã đã hỗ trợ 3,4 triệu đồng để tổ chức thực hiện (xã Na Tông 2 triệu đồng, Hua Thanh 900.000 đồng, Hẹ Muông 500.000 đồng).

Chiến dịch đợt II sắp tới sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi kinh phí đã có, vì vậy thành công là điều dễ dàng đạt được. Mặc dù kế hoạch chiến dịch vẫn đang trong quá trình xây dựng nhưng dự kiến đề ra chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch năm 2017 đã được giao: Hơn 4.200 lượt người sử dụng BPTT mới (triệt sản, dụng cụ tử cung, thuốc tiêm tránh thai, thuốc uống tránh thai, bao cao su), tính cả cấp miễn phí và tiếp thị xã hội. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã đạt 70 - 80% kế hoạch. Số cặp vợ chồng trên toàn huyện đang sử dụng BPTT hiện đại đạt tỷ lệ cao, hơn 15.000 trường hợp trên tổng số khoảng 23.000 cặp. Trong chiến dịch tới, Trung tâm xác định, cùng với việc cung cấp các dịch vụ miễn phí thì đẩy mạnh hơn nữa hoạt động truyền thông, tư vấn chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho nhiều đối tượng khác nhau để nâng cao hiệu quả tiếp thị xã hội. Ông Nguyễn Như Sóng, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Điện Biên cho biết: “Huyện có địa bàn rộng, với nhiều xã vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số còn tồn tại một số tư tưởng lạc hậu về sinh nhiều con mới có người lao động, phải có con trai để nối dõi, phụ nữ không có quyền tự quyết trong nhiều vấn đề... Vì vậy việc lồng ghép tuyên truyền cho người dân trong các buổi họp bản, hoạt động mang tính cộng đồng càng cần được chú trọng hơn trong chiến dịch. Đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, tiếng nói của những trưởng bản, người có uy tín tại khu dân cư để người dân tin và tiếp thu nội dung tuyên truyền, từ đó dần thay đổi nhận thức và hành động của bà con trong chăm sóc SKSS/KHHGĐ”.

Công tác này không chỉ được thực hiện trong thời gian triển khai các chiến dịch mà là nhiệm vụ thường xuyên, luôn được quan tâm, tăng cường hoạt động. Vì vậy, Trung tâm cũng chú trọng xây dựng đội ngũ cộng tác viên dân số (465 cộng tác viên dân số/465 thôn, đội, bản). Trong năm Trung tâm đã tổ chức 2 chương trình tập huấn nâng cao hiểu biết, kỹ năng tuyên truyền, vận động, tư vấn cho cộng tác viên các xã còn yếu về kiến thức chuyên môn. Mọi nỗ lực đều hướng đến làm cho người dân trên địa bàn, đặc biệt là bà con vùng cao hiểu hơn về tầm quan trọng của việc chăm sóc SKSS/KHHGĐ, chủ động hơn, bớt e dè khi tham gia các dịch vụ chăm sóc SKSS, BPTT. Từ đó giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, tăng chất lượng dân số, ổn định cuộc sống, chăm lo phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Bảo Anh
Bình luận
Back To Top