Bệnh viêm não Nhật Bản

Tiêm phòng là cách tốt nhất để phòng bệnh

09:25 - Thứ Hai, 09/10/2017 Lượt xem: 6255 In bài viết
ĐBP - Thời gian qua, bệnh viêm não Nhật Bản diễn biến phức tạp trong cả nước. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận trên 70 ca mắc viêm não Nhật Bản. Tại Ðiện Biên, do bệnh viêm não Nhật Bản từng lưu hành trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đã có 1 trường hợp tử vong trong năm 2016 tại huyện Nậm Pồ, chính vì thế, để đảm bảo sức khỏe cho gia đình, cộng đồng, phụ huynh cần đưa con em đến các cơ sở y tế để được tiêm phòng đầy đủ.

 

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Ðiện Biên Ðông khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Luân Giói.

Bà Dương Thị Quỳnh Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: Hàng năm, các cơ quan chức năng vẫn ghi nhận các trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản rải rác trên địa bàn toàn tỉnh (Ðiện Biên, Mường Nhé, Nậm Pồ, Ðiện Biên Ðông, Mường Chà và TP. Ðiện Biên Phủ). Mặc dù là bệnh nguy hiểm, chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, việc phòng bệnh chủ yếu là tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản; tuy nhiên, năm 2016, tỷ lệ tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản còn thấp. Nguyên nhân là do phải thực hiện tiêm đầy đủ 3 mũi, song thời gian tiêm các mũi lại cách xa, đặc biệt là mũi thứ 3 phải tiêm sau mũi thứ 2 một năm. Do thời gian khá dài nhiều phụ huynh thường quên đưa con đi tiêm chủng đầy đủ đúng lịch. Trước tình hình đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thị, bệnh viện đa khoa, phòng khám tăng cường giám sát, phát hiện ca mắc mới tại cộng đồng; phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đánh giá tình hình mắc viêm não trên địa bàn tỉnh; xác định đối tượng, vùng nguy cơ cao để đưa ra các giải pháp phòng bệnh.

Tháng 6 vừa qua, ngành Y tế tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch năm 2017 - 2018 về triển khai tiêm bổ sung vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 6 - 15 tuổi tại 4 huyện: Ðiện Biên, Nậm Pồ, Mường Nhé, Ðiện Biên Ðông có nguy cơ cao xảy ra viêm não Nhật Bản với trên 54.000 trẻ (huyện Ðiện Biên 18.728 trẻ, Nậm Pồ 12.326 trẻ, Mường Nhé 10.358 trẻ và Ðiện Biên Ðông 13.415 trẻ). Mục tiêu của kế hoạch là sau khi kết thúc mũi 3 vào năm 2018, tỷ lệ trẻ được tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản trên 90%; đảm bảo chất lượng và an toàn tiêm chủng theo quy định.

Theo bà Dương Thị Quỳnh Châu, bệnh viêm não Nhật Bản còn được gọi là viêm não mùa hè, viêm não B. Ðây là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh, có thể dẫn tới tình trạng tổn thương não vĩnh viễn và có tỷ lệ tử vong rất cao. Bệnh lây truyền qua muỗi đốt và thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Khi mắc bệnh, trẻ có thể tử vong do suy hô hấp, trụy tim mạch. Nếu được cứu chữa kịp thời, có thể khỏi bệnh nhưng bị những di chứng với nhiều mức độ nặng nhẹ, như: Bại liệt, không nói được, mất trí nhớ, cử động dị thường ngoài ý muốn (run rẩy, uốn éo, lắc lư, gồng cứng người, động kinh...). Tuy nhiên, theo nghiên cứu, tỷ lệ trẻ mắc viêm não Nhật Bản B sẽ để lại di chứng cao. Ðến nay, viêm não Nhật Bản chưa có thuốc đặc trị. Ðiều trị chủ yếu là làm giảm các triệu chứng, cứu người bệnh qua cơn nguy kịch do suy hô hấp, trụy tim mạch, nhiễm trùng.

Với tính chất nguy hiểm của bệnh viêm não Nhật Bản, ngành Y tế khuyến cáo người dân chủ động trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về cách phòng tránh dịch bệnh nói chung, viêm não Nhật Bản nói riêng để đảm bảo sức khỏe cho gia đình, cộng đồng. Bên cạnh đó, cần có biện pháp phòng tránh muỗi, bởi muỗi là vật trung gian gây bệnh. Ðặc biệt, biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản bởi hiện nay, viêm não Nhật Bản có vắc xin phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng hàng tháng.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top