Nhọc nhằn cô đỡ thôn bản vùng cao

10:09 - Thứ Năm, 21/12/2017 Lượt xem: 4538 In bài viết
ĐBP - Những ngày giữa tháng 12, có dịp cùng các cô đỡ thôn bản đến những bản vùng sâu, vùng xa chúng tôi được chứng kiến sự vất vả, nhọc nhằn và cả hiểm nguy trong công việc mà họ có thể gặp phải. Ða số các cô đều cho biết, việc đi lại vận động, thăm khám, đỡ đẻ trong bản là đi bộ, thậm chí còn phải leo đèo, lội suối và toàn đường mòn, đường núi hiểm trở...

 

Không ngại khó khăn, cô đỡ thôn bản Giàng Thị Chứ (bên phải) bản Phiêng Cải, xã Phình Sáng (Tuần Giáo) đến tận nhà vận động chị em đến Trạm Y tế sinh đẻ.

Cô đỡ đầu tiên chúng tôi gặp là chị Giàng Thị Chứ, bản Phiêng Cải, xã Phình Sáng  (Tuần Giáo). Trong căn nhà gỗ lợp prôximăng đã phủ đầy rêu; như thường lệ ngày 15 hàng tháng chị Chứ tạm gác lại việc nhà, chuẩn bị đồ nghề gồm: Ống nghe, cặp nhiệt độ, dụng cụ đo huyết áp… để vào kiểm tra sức khỏe cho những phụ nữ mang thai trong bản. Cùng đi trên con đường nhỏ hẹp quanh co, men theo sườn đồi; vừa đi đường, chị Chứ vừa tâm sự: Trước đây người dân trong bản mình toàn để các sản phụ đẻ ở nhà không cho người ngoài đỡ nên dẫn đến những tai biến sản khoa như chảy máu nhiều, uốn ván rốn... Do tập tục như vậy nên việc tư vấn, quản lý thai sản, khám thai định kỳ ở đây gặp nhiều khó khăn. Năm 2014, xã có chỉ tiêu đào tạo cô đỡ thôn bản 6 tháng ở Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, mình đã đăng ký đi học với mong muốn không chỉ chăm sóc sức khỏe cho người dân trong bản mà còn thay đổi những hủ tục, kiêng kỵ trong sinh đẻ của người dân nơi đây... Khi được hỏi đã đỡ đẻ bao nhiêu ca rồi, chị Chứ trả lời, cũng không nhớ 4 năm qua đã đỡ được bao nhiêu ca sinh nữa; nhưng chắc chắn một điều là chưa có ca tai biến nào xảy ra. Sau hơn 40 phút leo đồi chúng tôi cũng đã đến được nhà Sùng Thị Chía, thai phụ nhà xa nhất bản nằm cheo leo trên sườn đồi. Sau một hồi hỏi thăm tình hình sức khỏe, tư vấn về cách chăm sóc bản thân khi mang thai… chị Chứ cẩn thận đưa Sùng Thị Chía đang mang thai tám tháng vào trong nhà nằm trên giường để khám, kiểm tra sức khỏe và nghe tim thai. Chị Chứ bảo: “Thai tám tháng, sức khỏe tốt, không thể tự đẻ ở nhà được mà phải xuống Trạm Y tế xã để nữ hộ sinh, bác sĩ, có chuyên môn, đầy đủ dụng cụ họ đỡ cho nhé, thế mới đảm bảo an toàn...”. Chía năm nay 21 tuổi mới lập gia đình cuối năm ngoái, mang thai lần đầu còn nhiều điều bỡ ngỡ, chưa có kinh nghiệm nên được chị Chứ thăm khám, tư vấn rất nhiệt tình, chu đáo.

Bên cạnh nhiệm vụ chính là thường xuyên gặp gỡ những chị em có thai, tư vấn cho họ cách chăm sóc mẹ và thai nhi, tuyên truyền, vận động đi khám thai, sinh con tại trạm y tế xã, thì đa phần các cô đỡ thôn bản vẫn phải làm nhiệm vụ đỡ đẻ tại nhà. Trung bình mỗi tháng chị Chứ quản lý khoảng từ 3 - 5 thai phụ; hiện nay chị Chứ đang theo dõi 5 trường hợp. Từ đầu năm đến nay, chị Chứ đã hỗ trợ đỡ đẻ tại nhà cho 9 trường hợp, phát hiện nguy cơ 2 trường hợp, chuyển tuyến trên 5 trường hợp, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ sau sinh 20 người, không có trường hợp bị tai biến sản khoa...

Tại bản Phình Sáng, chúng tôi gặp chị Thào Thị Mai, người đã có 4 năm gắn bó với nghề cô đỡ. Chị Mai chia sẻ: Mới đầu đi tuyên truyền, tư vấn về sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình bà con phần vì không hiểu công việc của mình, phần vì xấu hổ nên gặp rất nhiều khó khăn. Ði vận động bà con không tiếp chuyện là bình thường; có người nghe mình nói nhưng lại không thực hiện theo… những lúc ấy cũng thấy buồn và tủi thân lắm! Nhưng vì công việc, vì lòng yêu nghề nên phải kiên trì, bền bỉ, lâu dần đã tạo được lòng tin của nhiều người trong bản. Chị Mai kể: Tôi nhớ như in lần đầu tiên có người trong bản đến nhờ đỡ đẻ, đó là vào khoảng 2 giờ 30 phút sáng một ngày đầu tháng 7/2014. Hôm ấy trời mưa to, anh Sùng A Tủa gọi cửa nhờ đến đỡ đẻ cho vợ. Tôi nhanh chóng chuẩn bị dụng cụ, cùng anh Tủa đi ngay trong đêm. Trên đường đi, trời thì tối, có mỗi chiếc đèn pin mà đường thì rất trơn nên cả đoạn đường hầu như tôi phải nắm tay anh Tủa, chạy theo anh, nhiều lần bị ngã nhưng vẫn phải cố giữ cho đồ nghề không bị bẩn, bị ướt và mong sao có thể chạy thật nhanh đến để giúp đỡ thai phụ đang trong cơn “vượt cạn”. Thật may là tôi đã đến kịp thời và ca đẻ thành công, “mẹ tròn con vuông”. Từ đó đến nay, mọi người trong bản đã tin tưởng và nghe theo.

Vai trò của cô đỡ thôn bản đối với vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn là không thể phủ nhận. Nhờ có các cô đỡ thôn bản mà các trạm y tế dễ dàng quản lý được số phụ nữ mang thai trong xã; vận động được nhiều chị em đi khám thai, chọn nơi sinh con an toàn hoặc được đỡ đẻ tại bản, phát hiện nguy cơ tai biến để vận động gia đình chuyển lên tuyến trên góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong ở mẹ và trẻ sơ sinh. Công việc của cô đỡ thôn bản quan trọng, vất vả là vậy nhưng hiện nay các chế độ đãi ngộ với lực lượng này còn quá thấp, phụ cấp chỉ 363.000 đồng/tháng, nếu không thực sự tâm huyết với nghề thì không thể làm được; bởi ngoài công việc chuyên môn, các cô đỡ vẫn phải đi làm nương, tăng gia sản xuất để duy trì cuộc sống gia đình, không thể tập trung hoàn toàn thời gian vào công việc. Cũng chính vì lý do này mà hiện nay phát triển mạng lưới cô đỡ thôn bản trên địa bàn huyện Tuần Giáo còn nhiều khó khăn. Toàn huyện có 18 xã nhưng mới chỉ có 4/18 xã có cô đỡ thôn bản, với tổng số 10 người, một con số quá nhỏ bé. Ðể mô hình cô đỡ thôn bản ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nhân rộng và duy trì bền vững, đòi hỏi các cấp, ngành liên quan cần có những động thái quan tâm tích cực hơn nữa và có những chính sách tạo điều kiện cho các cô đỡ yên tâm làm việc...

Bài, ảnh: Vân Du
Bình luận
Back To Top