90% nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước phải nhập ngoại

15:30 - Thứ Tư, 27/12/2017 Lượt xem: 5064 In bài viết
Ngành dược những năm gần đây không ngừng phát triển. Nhưng một trong những thách thức khiến cho thị trường dược của Việt Nam luôn không ổn định là chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Vì thế, người dân nhiều khi cũng chịu thiệt theo.

Dân số càng tăng nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng cao, dân trí được cải thiện, thì nhu cầu sử dụng thuốc chữa bệnh của người dân cũng ngày càng lớn. Chi tiêu bình quân đầu người dành cho thuốc tại Việt Nam đã tăng dần từ 9,85 USD trong năm 2005 lên đến 22,25 USD trong năm 2010 và con số này tăng gần gấp đôi vào năm 2015 (37,97 USD).

 

Nhiều doanh nghiệp dược đã có dây chuyền hiện đại nhưng vẫn phụ thuộc nguyên liệu ở nước ngoài.

Mức tăng trưởng trung bình trong chi tiêu dành cho thuốc hàng năm đạt 14,6% trong giai đoạn 2010-2015 và duy trì ở mức tăng ít nhất 14%/năm cho tới năm 2025, chi tiêu dành cho thuốc theo đầu người tại Việt Nam được dự báo tăng gấp đôi lên 85 USD vào năm 2020 và 163 USD trong năm 2025.

Một khảo sát của Công ty Vietnam Report cho thấy năm 2017 thị trường dược phẩm Việt Nam doanh thu ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm trước. Ngành dược càng phát triển thì người dân càng có nhiều cơ hội được tiếp cận với các loại thuốc mới, có chất lượng với giá thành hợp lý.

Tuy nhiên, đánh giá về những khó khăn trong ngành dược hiện nay, hơn 90% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng “Quy trình đấu thầu thuốc bệnh viện – kênh ETC” và vấn đề “Phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài” đang là những rào cản lớn nhất.

Theo đó, chính sách và thang điểm đấu thầu thuốc hiện nay vẫn bị nhiều doanh nghiệp đánh giá chưa phù hợp. Việc các công ty đạt thang điểm từ 70-100 điểm đều nằm trong diện được chấm thầu như nhau khiến các công ty dược có đầu tư công nghệ, kỹ thuật cao phải chịu thua thiệt khi giá thuốc đấu thầu cao hơn những công ty có kỹ thuật sản xuất đơn giản, dẫn đến việc các loại thuốc có chất lượng khó trúng thầu vào bệnh viện.

Bên cạnh đó, nguyên dược liệu sản xuất thuốc phụ thuộc quá lớn vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài khiến thị trường dược Việt Nam chưa ổn định. Nguồn nguyên liệu dược Việt Nam hiện đang chủ yếu nhập từ Trung Quốc và Ấn Độ. Do công nghiệp hóa chất cơ bản, công nghiệp hóa dầu nước ta chưa phát triển, nguyên liệu phụ thuộc vào nhập khẩu lên tới hơn 90%. 

Việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu khiến ngành dược dễ chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như biến động tỷ giá hay những cú sốc về nguồn hàng cung cấp; cộng thêm chi phí nhập khẩu khiến giá thành xuất khẩu thuốc của Việt Nam cao hơn khoảng 20-25% so với Trung Quốc, Ấn Độ.

Một yếu tố nữa tạo nên điểm yếu cho ngành dược Việt Nam là thiếu khả năng nghiên cứu do thiếu hụt nguồn lực tài chính và nhân lực chất lượng cao, các công ty dược trong nước hiện vẫn mới chỉ tập trung sản xuất các loại thuốc gốc (generic) có giá trị thấp, khả năng cạnh tranh kém dẫn đến tình trạng vừa cạnh tranh nội bộ ngành, vừa phải cạnh tranh với các thuốc generic nhập khẩu từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo các dược sỹ/hiệu thuốc thì khách hàng vẫn ưa chuộng các loại thuốc ngoại nhập hơn so với các dòng thuốc nội có dược chất tương đương.

Hiện nay, việc nghiên cứu và phát triển là yếu tố quan trọng nhưng chưa được doanh nghiệp đầu tư đúng mức. Tuy nhiên, năm 2018, dự báo việc đẩy mạnh nghiên cứu, cho ra đời những loại thuốc có chất lượng, giá thành cạnh tranh với thuốc ngoại, mang giá trị của Việt Nam sẽ là chiến lược ưu tiên đầu tiên của các công ty dược, kết hợp với nâng cao chất lượng dược phẩm. Điều này cũng sẽ mang lại cho người dân được hưởng lợi khi các mặt hàng thuốc phong phú hơn, mà giá cả cũng sẽ phù hợp hơn để được quyền chọn lựa khi điều trị.

Trong tiến trình hội nhập và công nghệ hóa ngày nay, người tiêu dùng thuốc ngày càng có cơ hội chủ động hơn trong việc lựa chọn dược phẩm, các hiệu thuốc sẽ chỉ còn đóng vai trò trung gian nên những doanh nghiệp uy tín, có giá trị thương hiệu sẽ thuyết phục để tạo dựng niềm tin ở người tiêu dùng. 

Các doanh nghiệp dược càng quan tâm đến nhu cầu của người tiêu dùng, thì không chỉ tạo điều kiện cho chính doanh nghiệp phát triển mà còn giúp người dân được sử dụng các loại thuốc tốt, phù hợp túi tiền ngay tại Việt Nam mà không phải ra nước ngoài chữa bệnh mới có.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top