Ðịnh hướng cơ bản công tác phòng bệnh năm 2018

09:44 - Thứ Hai, 26/02/2018 Lượt xem: 6014 In bài viết
ĐBP - Phòng bệnh với nghĩa đầy đủ chính là công tác y tế dự phòng. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” là câu nói của người xưa, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay quan điểm của Ðảng, Nhà nước về đường lối y học dự phòng là: “tích cực và chủ động, nhằm mục tiêu: Giảm tỷ lệ mắc bệnh, nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ, cải thiện giống nòi”. Nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới cũng như thực tiễn cuộc sống cho thấy: Phòng bệnh không chỉ liên quan đến bảo vệ sức khỏe con người hạn chế mắc các bệnh lây nhiễm, mà phòng cả các bệnh không lây nhiễm mà hiện nay đang chiếm 70% cho gánh nặng điều trị.

Nhiều năm trở lại đây ở các vùng miền nói chung và địa bàn tỉnh Ðiện Biên nói riêng, mô hình bệnh tật đã thay đổi nhiều. Các bệnh truyền nhiễm gây dịch không còn là vấn đề lớn, nhưng nguy cơ vẫn còn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bởi các bệnh truyền nhiễm lâu không thấy, nay xuất hiện trở lại như: Bạch hầu, ho gà..., bên cạnh đó là các bệnh mới nổi như: CúmA, Zika, sốt xuất huyết, Mers-coV... và các bệnh lây từ động vật sang người như: Nhiệt thán, dại, liên cầu lợn, giun xoắn... là các mối nguy lớn.

Theo định hướng “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, tập trung làm tốt hơn nữa công tác Y tế dự phòng. Bảo đảm ngân sách cho y tế dự phòng không dưới 30% tổng ngân sách y tế (Nghị quyết số: 18/2008/QH12 thông qua ngày 3/6/2008). 

Về chỉ đạo và điều hành nghiệp vụ, ngành Y tế tỉnh phải kiên trì tuyên truyền, vận động và cùng nhân dân các dân tộc triển khai nhiều biện pháp đảm bảo môi trường sống, chủ động tiêm chủng phòng bệnh, giám sát tích cực - xử lý kịp thời - có hiệu quả các ca bệnh truyền nhiễm, góp phần khống chế, loại trừ và thanh toán một số bệnh truyền nhiễm gây dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Về cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở vẫn phải luôn sẵn sàng: ngày đêm xuống tận nhà dân thực hiện giám sát - điều tra - tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, khắc phục thảm họa thiên tai, vệ sinh tẩy uế môi trường và triển khai các dự án thuộc chương trình mục tiêu y tế - dân số: Tiêm chủng mở rộng, Kế hoạch hóa gia đình, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống các rối loạn thiếu i ốt, phòng chống sốt rét, phong, lao, da liễu, tâm thần, HIV/AIDS và tuyên truyền, hướng dẫn Vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, y tế trường học, y tế lao động, làng văn hóa - làng sức khỏe... Bởi các chỉ tiêu sức khỏe cộng đồng do y tế dự phòng quản lý đã trở thành tiêu chí xây dựng gia đình, bản làng văn hóa, nông thôn mới, tiêu chí quốc gia y tế xã... Ngoài ra phải thường xuyên cập nhật thông tin và kiến thức để hướng dẫn cộng đồng chủ động các giải pháp phòng bệnh hữu hiệu. Coi trọng công tác bồi dưỡng vừa chuyên sâu, vừa đáp ứng được nhu cầu phổ cập. Ðồng thời, thường xuyên thông tin cho y tế và các cơ quan chức năng một cách nhanh nhất khi cảm thấy bất thường về sức khỏe hoặc gia súc gia cầm ốm, chết. Tuyệt đối không buôn bán, không làm thịt, không sử dụng làm thức ăn các gia súc, gia cầm bị ốm, phải báo cơ quan thú y đến xử lý theo quy trình chuyên môn. Ðầu tư phát triển mạng lưới đủ khả năng dự báo, giám sát, phát hiện dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh mới phát sinh, phòng chống các bệnh không lây nhiễm, các tai nạn thương tích và hậu quả thiên tai. Tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của phòng bệnh và sức khỏe cộng đồng đối với sự phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà.

Phát huy truyền thống hơn 60 năm vẻ vang ngành Y tế Ðiện Biên, với tinh thần trách nhiệm cao cùng sự đoàn kết nhất trí, nhiệt huyết đổi mới, năng động sáng tạo, chúng ta tin tưởng rằng: nhất định công tác phòng bệnh (y tế dự phòng) tỉnh sẽ tiếp tục phát triển, đóng góp ngày càng quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân các dân tộc tỉnh nhà.

BsCK II, TTƯT Lường Văn Kiên

PGÐ Sở Y tế

Bình luận
Back To Top