Sàng lọc sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số

09:39 - Thứ Hai, 19/03/2018 Lượt xem: 6696 In bài viết
ĐBP - Việc lấy mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh để xét nghiệm, phát hiện sớm một số bệnh được triển khai tại huyện Ðiện Biên từ năm 2014 theo Ðề án Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh. Nhờ hoạt động này, nhiều trẻ em trên địa bàn đã được phát hiện bệnh ngay trong những ngày đầu mới chào đời để kịp thời điều trị, hạn chế những khuyết tật nặng, góp phần nâng cao chất lượng dân số của huyện.

Huyện Ðiện Biên hiện có Trung tâm Y tế huyện và trạm y tế các xã thuộc Ðề án đang triển khai việc sàng lọc sơ sinh, bao gồm: Thanh Chăn, Thanh Luông, Thanh Xương, Nà Nhạn, Mường Pồn, Sam Mứn, Thanh Nưa. Việc sàng lọc sơ sinh được thực hiện bằng cách lấy mẫu máu gót chân của trẻ sau sinh từ 24 - 48 tiếng. Mẫu được chuyển về Bệnh viện Phụ sản Trung ương để xét nghiệm, phát hiện sớm những trẻ có nguy cơ cao mắc một số bệnh, như: thiếu men G6DP, suy giáp bẩm sinh. Kết quả sau đó được trả về cơ sở. Mục đích của việc xét nghiệm sàng lọc là để phát hiện những trẻ có nhiều khả năng mắc bệnh chứ chưa phải kết quả chính xác tuyệt đối. Ðối với những gia đình có trẻ nghi mắc các bệnh trên sẽ được cán bộ y tế trực tiếp thông tin, tư vấn để đưa trẻ đi kiểm tra lại. Nhờ đó có thể điều trị sớm cho trẻ, giúp trẻ có một cuộc sống bình thường khỏe mạnh, tránh được những biến chứng nguy hiểm có thể làm tử vong, chậm phát triển tâm thần kinh và thể chất, giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội.

 

Cán bộ y tế huyện Ðiện Biên tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản, lồng ghép lợi ích sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho người dân xã Noong Luống. Ảnh: C.T.V

Năm 2017, huyện Ðiện Biên được giao chỉ tiêu thực hiện 210 ca sàng lọc sơ sinh nhưng do vật dụng y tế được cấp muộn nên chỉ lấy mẫu máu gót chân được 178 trẻ. 32 mẫu còn lại đã được triển khai xong, gửi mẫu và trả kết quả trong những ngày đầu năm 2018. Trong số trẻ được sàng lọc sơ sinh có 13 trẻ nghi mắc bệnh thiếu men G6DP. Khi trẻ bị thiếu men này, hồng cầu sẽ bị phá hủy do các chất oxy hóa có trong thức ăn hoặc một số thuốc gây ra tình trạng thiếu máu do tan huyết (vỡ hồng cầu). Hiện tượng đó sẽ làm trẻ bị thiếu máu kèm theo vàng da, vàng mắt. Nếu trẻ bị vàng da nặng, nhất là trong 2 tuần đầu sau sinh, có thể bị tổn thương não gây ra bại não, chậm phát triển. Khi phát hiện bệnh sớm, trẻ sẽ được theo dõi tình trạng sức khỏe và phụ huynh được hướng dẫn tránh cho trẻ tiếp xúc hoặc sử dụng các thức ăn, thuốc có thể gây ra hậu quả nặng nề. Các trường hợp trên được cán bộ y tế tư vấn và yêu cầu đi khám lại tại bệnh viện tuyến tỉnh để có kết quả chính xác và điều trị kịp thời nếu mắc bệnh.

Chị Lường Thị Ðịnh (xã Mường Nhà) sinh con vào trung tuần tháng 2/2018 tại Trung tâm Y tế huyện và được thực hiện sàng lọc sơ sinh. Vừa mới đây, gia đình chị nhận kết quả con mình nghi mắc bệnh thiếu men G6DP. Chị Ðịnh cho biết: Gia đình tôi vừa nhận được kết quả lấy mẫu máu gót chân của con, cả nhà rất lo lắng. Cán bộ y tế tư vấn phải đưa con lên Bệnh viện tỉnh kiểm tra để xác định chính xác. Nếu chẳng may con mắc bệnh, được phát hiện và dự phòng sớm thì vẫn sẽ phát triển, trưởng thành như những người bình thường khác. Vì vậy, vợ chồng tôi đang thu xếp việc nhà, tính đưa con đi khám trong tuần này”. Năm 2018, chỉ tiêu sàng lọc sơ sinh của huyện Ðiện Biên là 300 trường hợp, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được vật tư y tế để thực hiện, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGÐ) huyện đã kiến nghị lên tuyến tỉnh đề xuất trung ương sớm gửi mẫu để cơ sở triển khai thực hiện kịp thời và hiệu quả.

Sau nhiều năm Ðề án được triển khai tại địa bàn, đa số người dân huyện Ðiện Biên đã hiểu được lợi ích của việc thực hiện sàng lọc sơ sinh. Trung tâm Dân số - KHHGÐ huyện thường xuyên phối hợp với đội ngũ y tế các tuyến tích cực lồng ghép tuyên truyền, tư vấn về sàng lọc sơ sinh đến đông đảo nhân dân (mỗi năm 2.000 - 3.000 lượt người). Vì vậy, hầu hết các gia đình không còn e ngại về việc lấy mẫu máu gót chân của trẻ ngay sau sinh. Hơn thế nữa, nhiều người còn mong muốn con, cháu mình được sàng lọc bệnh sớm dù là làm theo phương thức dịch vụ thu phí. Nhưng hoạt động này mới chỉ được thực hiện miễn phí trong khuôn khổ Ðề án với số lượng mẫu không nhiều, đối tượng thụ hưởng hạn chế (hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn đặc biệt khó khăn) nên chưa đáp ứng được nhu cầu trên. Ông Nguyễn Như Sóng, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGÐ huyện Ðiện Biên cho biết: Chương trình đã giúp người dân vùng cao nói chung, bà con trong huyện nói riêng có nhận thức cao hơn, quan tâm hơn đến việc chăm sóc, phòng trị bệnh sớm cho trẻ sơ sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Với lợi ích đó, chúng tôi đã đề nghị lên cấp tỉnh nhân rộng địa bàn thực hiện Ðề án đến nhiều xã hơn trong huyện (toàn huyện có 25 xã) để có thêm nhiều trẻ được phát hiện và điều trị bệnh sớm.

Bảo Anh
Bình luận
Back To Top