PGS.TS Trần Đắc Phu:

Bảo đảm có vaccine 5 trong 1 để tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em

10:48 - Thứ Tư, 28/03/2018 Lượt xem: 6197 In bài viết
“Nhà sản xuất Hàn Quốc ngừng sản xuất loại vaccine 5 trong 1 Quinvaxem, do đó, Việt Nam cũng như các nước đang sử dụng vaccine này đều phải dùng vaccine chuyển đổi. Việc thay thế vaccine là bình thường, do nhà máy ngừng sản xuất phải thay thế, không có xáo trộn gì. Bộ Y tế cố gắng bảo đảm có vaccine kế tiếp cho trẻ em được tiêm chủng đầy đủ” - PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết.

Liên quan đến thông tin tạm dừng lưu hành vaccine 5 trong 1 Quinvaxem hết tháng 5-2018, phóng viên Nhân Dân điện tử đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), để cung cấp cho độc giả thông tin cụ thể hơn về việc chuyển đổi vaccine Quinvaxem và đưa một số loại vaccine mới vào Chương trình tiêm chủng mở rộng trong năm 2018.

 

PGS.TS Trần Đắc Phu.

PV: Thưa PGS.TS Trần Đắc Phu, xin ông chia sẻ thông tin thêm về việc tạm dừng lưu hành loại vaccine 5 trong 1 Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

PGS.TS Trần Đắc Phu: Hiện nay, Việt Nam đang lưu hành hơn 30 loại vaccine. Những loại vaccine được lưu hành trong tiêm chủng mở rộng gồm 5 trong 1 Quinvaxem, lao, sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm màng não mủ phổi, rubella, rota…

Từ năm 2010, vaccine 5 trong 1 Quinvaxem được sử dụng và đến nay, đã có 42 triệu liều được tiêm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Bảy năm qua, vaccine Quinvaxem đã đạt được những thành tựu rất lớn, góp phần quan trọng trong thanh toán và phòng chống nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phổ biến ở trẻ em gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib.

Tới đây, nhà sản xuất Hàn Quốc ngừng sản xuất loại vaccine 5 trong 1 Quinvaxem, do đó, Việt Nam cũng như các nước đang sử dụng vaccine này đều phải dùng vaccine chuyển đổi. Việc thay thế vaccine là bình thường, do nhà máy ngừng sản xuất phải thay thế, không có xáo trộn gì. Bộ Y tế cố gắng bảo đảm có vaccine kế tiếp cho trẻ em được tiêm chủng đầy đủ.

PV: Vậy lộ trình chuyển đổi vaccine sẽ được Bộ Y tế tiến hành như thế nào?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Hiện nay, Bộ Y tế đã có lộ trình lựa chọn vaccine chuyển đổi là loại 5 trong 1 giống về thành phần, hiệu quả và hiệu lực như Quinvaxem.

Chúng tôi sẽ lựa chọn loại vaccine được sử dụng nhiều và rộng rãi trên thế giới để nhập khẩu về Việt Nam, trải qua các thủ tục kiểm định và sẽ tiến hành tiêm ở quy mô nhỏ tại bốn tỉnh, thành phố để rút kinh nghiệm. Từ tháng 6-2018, sẽ tiến hành tiêm trên quy mô toàn quốc. Hiện tại, Bộ Y tế chưa chốt loại vaccine nào.

Để bảo đảm trẻ em được tiêm phòng một cách liên tục, đầy đủ các vaccine, các phụ huynh không nên xáo trộn tâm lý. Các phụ huynh đang cho con tiêm Quinvaxem hoàn toàn yên tâm khi cho con tiêm nhắc mũi sau bằng loại vaccine 5 trong 1 mới. Đặc biệt, tôi khuyến cáo các bà mẹ, không được dừng tiêm cho con 5 trong 1 vì nếu không tiêm phòng, con bạn sẽ có rất nhiều nguy cơ mắc các bệnh vẫn còn đe dọa như bạch hầu, ho gà.

PV: Năm 2017, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc tiêm chủng. Ngoài chuyển đổi vaccine 5 trong 1, năm 2018, Bộ Y tế đang có lộ trình thay đổi một số loại vaccine khác, trong đó có vaccine “made in Vietnam”. Xin ông cho biết về lộ trình thay đổi này?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Năm 2017 đạt tỷ lệ tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc là hơn 95%. Năm 2017 là năm thứ 18 liên tiếp Việt Nam bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt và là năm thứ 12 duy trì thành quả loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh trên phạm vi cả nước. Bệnh sởi và bệnh rubella vẫn được khống chế, không để xảy ra dịch trên toàn quốc. Đồng thời, đây là năm đầu tiên dự án Tiêm chủng mở rộng được Bộ Y tế giao chỉ tiêu đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine trong tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới một tuổi đạt hơn 95% ở quy mô toàn quốc.

Đầu năm 2018, chúng ta lo dịch sởi, nhưng do công tác phòng bệnh và tiêm vaccine rất tốt nên đã không bùng phát như thế giới. Chúng ta đã thực hiện tiêm được cho 23 triệu trẻ em từ 1-4 tuổi. Thời điểm trước Tết, những nơi có nguy cơ cao đã được tiêm vét. Năm 2017, tình trạng khan hiếm vaccine không xảy ra.

Trong năm nay, ngoài chuyển đổi vaccine 5 trong 1, Bộ Y tế sẽ đưa vaccine MR 2 trong 1 phòng sởi – rubella của Việt Nam do Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) sản xuất vào tiêm chủng mở rộng. Việc này sẽ giúp giảm chi phí khi phải nhập ngoại thuốc MR. Hiện nay, dịch sởi có thời điểm bùng phát rất nguy hiểm. Trong đó, dù rubella không gây bệnh lâm sàng nặng, chỉ phát ban nhưng lại gây nhiều dị tật bẩm sinh, nhất là ở các bà mẹ mang thai mà bị rubella. Vì thế, tiêm sởi – rubella giải quyết được hai vấn đề đó.

Từ tháng 3-2018, vaccine MR của Việt Nam đã được tiêm ở quy mô nhỏ bốn tỉnh ở bốn miền khác nhau, sau đó từ tháng 4-2018, vaccine sởi – rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất sẽ được sử dụng trên quy mô toàn quốc cho trẻ từ 18 tháng tuổi trong tiêm chủng mở rộng. Việc đưa vaccine sởi và rubella của Việt Nam sản xuất, thay thế hoàn toàn những vaccine nhập ngoại, sẽ phủ được rộng hơn cho đối tượng 18 tháng tuổi và những vùng nguy cơ. Trước đó, trẻ dưới 18 tháng tuổi chỉ tiêm sởi đơn.

Ngoài ra, để tiếp tục duy trì thành quả thanh toán bại liệt đạt được, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, cùng với tiếp tục cho trẻ 2-4 tháng tuổi uống ba liều vắc xin bại liệt bOPV (vắc xin bại liệt hai tuýp), Bộ Y tế sẽ đưa vắc xin tiêm IPV cho trẻ 5 tháng tuổi vào chương trình tiêm chủng mở rộng từ tháng 8-2018.

PV: Tôi được biết, hiện Bộ Y tế đang nghiên cứu có thể tiến hành tiêm vaccine phòng sởi sớm cho trẻ từ 6 tháng tuổi thay vì 9 tháng như trước. Xin ông có thể cho biết cụ thể về điều này?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Tại sao chúng ta lại tiêm sởi cho trẻ từ 9 tháng tuổi? Vì thực tế, miễn dịch của mẹ có thể truyền cho con được tới 9 tháng. Khi đó, miễn dịch con giảm thì vaccine tiêm mới giá trị. Nhưng vừa qua, tỷ lệ trẻ em mắc sởi dưới 9 tháng sớm khi chưa được tiêm chủng, vì các bà mẹ không có miễn dịch truyền cho con.

Vì thế, hiện Bộ nghiên cứu đánh giá lại, có thể tiêm vaccine sởi cho bé từ 6 tháng tuổi. Bộ đã nghiên cứu, đánh giá lâm sàng việc tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi không vấn đề gì.

PV: Việt Nam đã sẵn sàng cho việc sản xuất vaccine “made in Vietnam”. Xin ông cho biết những thành tựu chúng ta đã đạt được và lộ trình tới đây, Việt Nam sẽ ưu tiên nghiên cứu và đầu tư sản xuất những loại vaccine nào?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Việt Nam đã sản xuất được hơn 10 loại vaccine gồm lao, sởi, rubella, rota, tả, thương hàn, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi-rubella.

Việc đầu tư sản xuất vaccine là cần thiết vì dân số Việt Nam đông. Đồng thời, chúng ta sẽ bảo đảm an ninh về vaccine và sẽ không bị thụ động vào nguồn vaccine nhập ngoại. Hiện nay, Viện Vaccine và sinh phẩm Y tế ở Nha Trang (IVAC) đang nghiên cứu vaccine cúm và vaccine 5 trong 1, được đưa vào Chương trình sản phẩm quốc gia nghiên cứu.

Chương trình sản phẩm quốc gia đang nghiên cứu các loại vaccine phòng bệnh phổ biến, bảo đảm hiệu lực và an toàn là số một. Chúng ta tiến tới sản xuất vaccine đa giá, các loại vaccine nhiều kháng nguyên để trẻ em đỡ phải tiêm nhiều mũi. Đây là biện pháp để chống lại hiện tượng bỏ mũi tiêm ở trẻ nhỏ.

Sản xuất vaccine là thuốc đặc biệt và chúng ta đang yếu về công nghệ so với các nước tiên tiến. Chúng ta chưa sản xuất được vaccine 5 trong 1, chưa sản xuất được vaccine vô bào. Vì thế, tương lai, chúng ta còn phải tiếp tục phát triển về công nghệ để sản xuất những vaccine “made in Vietnam”.

Xin cảm ơn ông!

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top