Chung tay vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

16:07 - Thứ Hai, 28/05/2018 Lượt xem: 5603 In bài viết
Chất độc da cam đã ảnh hưởng khủng khiếp đến hàng triệu người Việt Nam, gây ra nhiều bệnh tật khó chữa và di chứng đã truyền sang thế hệ thứ tư. Với trách nhiệm và lương tri nhằm giảm nỗi đau dai dẳng này, các nhà khoa học Pháp đã khởi động dự án nghiên cứu để tìm ra cơ chế lâm sàng gây bệnh, từ đó có thể chữa trị cho các nạn nhân và ngăn sự di truyền cho thế hệ tương lai.

Khởi đầu của một dự án nghiên cứu

Cách đây hai năm, một hội thảo y khoa quốc tế do Hội những người bạn của Đà Lạt theo dấu chân Yersin (AD@lY) đã được tổ chức ở thành phố Montpellier thuộc miền nam nước Pháp. Khi đó, các nhà khoa học đã đưa ra những ý kiến phân tích những căn bệnh nguy hiểm do rối loạn nội tiết đối với các nạn nhân bị ảnh hưởng từ chất độc da cam. Họ cũng để cập đến những bằng chứng về sự di truyền sang các thế hệ sau.

 
Giáo sư Charles Sultan giới thiệu về dự án nghiên cứu các tác động của chất độc da cam dẫn đến sự hình thành các bệnh tật ở con người. 

Giáo sư Charles Sultan, chuyên khoa nội tiết trẻ em thuộc Khoa Y (Đại học Montpellier) cho biết, chia sẻ những nỗi đau của các nạn nhân, các nhà khoa học, sử học, chính trị cùng các chuyên gia về môi trường - sức khỏe và các tổ chức xã hội đã quyết định thành lập Hội các nhà khoa học Pháp nghiên cứu về chất độc da cam và các chất gây rối loạn nội tiết (AFAPE) vào tháng 9-2017.

Thành viên của hội gồm những chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực, các nghị sĩ, luật sư và cả các nhà hoạt động xã hội luôn dành sự ủng hộ cho cuộc kháng chiến ở Việt Nam, rồi tới giai đoạn khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó sự ảnh hưởng khủng khiếp của chất độc da cam/dioxin.

Cuộc chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã để lại những hậu quả hết sức nặng nề cho nhân dân Việt Nam. Có tới 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc hóa học, trong đó có khoảng ba triệu người hoặc là chết hoặc đang phải vật lộn với căn bệnh nguy hiểm, sống trong cảnh bần cùng. Nhà nước Việt Nam đã rất cố gắng để khắc phục hậu quả khủng khiếp đến môi trường và con người do các chất độc hóa học trong đó có chất độc da cam/dioxin gây ra.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết từ việc làm sạch môi trường cho đến việc chữa bệnh, ngăn ngừa các bệnh tật truyền sang các thế hệ tiếp theo và cải thiện cuộc sống cho các nạn nhân. Trong các vấn đề này, việc chữa bệnh và ngăn sự di truyền là một thách thức rất lớn. Đây là trăn trở của các nhà khoa học Pháp trong suốt mấy năm vừa qua, đó là làm sao có thể tìm ra cách chữa bệnh.

Chính vì vậy, AFAPE đã chuẩn bị suốt một năm qua để tổ chức hội thảo "Rối loạn nội tiết: Bi kịch từ quá khứ kéo dài đến tương lai" trong hai ngày 24 và 25-5, tại hai địa điểm ở TP Montpellier. Sáng kiến của AFAPE đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của AD@lY, Hội các nhà khoa học vì sự phát triển, Khoa Y - Trường ĐH Montpellier cùng nhiều hội đoàn khác ở Pháp.

Mục tiêu chữa bệnh và ngăn di truyền

Phát biểu tại cuộc thảo luận về chất độc da cam và rối loạn nội tiết, Giáo sư Charles Sultan cho rằng, trách nhiệm của các nhà khoa học và hoạt động xã hội là thấu hiểu những nỗi đau của các nạn nhân. Họ không thể có cuộc sống bình thường như những người khác và chưa có cách nào để ngăn chặn nguy cơ di truyền. Hàng triệu người bị ảnh hưởng, vì vậy cần có sự phối hợp và hành động của các nhà chính trị, xã hội và đặc biệt là các nhà khoa học để tìm ra cách chữa bệnh và vì tương lai của thế hệ sau này.

Theo Giáo sư Charles Sultan - Chủ tịch AFAPE, việc thành lập tổ chức này đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà khoa học ở Pháp, những người có chung mong muốn tiến hành nghiên cứu sâu hơn về những hậu quả của chất độc da cam. Ông cho biết, mục tiêu của AFAPE là nghiên cứu những ảnh hưởng lâm sàng, nội tiết và tâm lý, đồng thời tìm ra phương pháp chữa trị bệnh cho nạn nhân chất độc da cam, tìm ra giải pháp ngăn ngừa tình trạng môi trường bị ô nhiễm, hưởng ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Điều quan trọng là qua dự án nghiên cứu này, chúng ta có thể rút ra bài học để phòng tránh những hậu quả tương tự xảy ra trong tương lai.

Qua nghiên cứu về những ảnh hưởng của chất độc da cam, các nhà khoa học Pháp đã có cái nhìn rõ hơn về những rối loạn hệ nội tiết, ảnh hưởng của chất độc da cam đến các thế hệ sau ở Việt Nam. Dự án nghiên cứu này cũng có ý nghĩa quan trọng khác, đó là nhằm cảnh báo và chống lại việc sản xuất những chất gây rối loạn nội tiết như chất độc da cam. Nếu không, các thế hệ sau sẽ bị những hậu quả tương tự.

Các nhà nghiên cứu Pháp và Việt Nam đã đưa ra các dẫn chứng về các cuộc chiến tranh hóa học, những di chứng nặng nề đe dọa tương lai của nhân loại. Trong khi đó, các chuyên gia y tế đã tập trung làm rõ những tác hại của rối loạn nội tiết do chất độc hóa học gây ra đối với sức khỏe con người.

Năm 2004, các nạn nhân Việt Nam đã kiện các công ty hóa chất của Mỹ vì đã sản xuất và cung cấp cung cấp chất độc da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Dù tòa án ở Mỹ đã bác đơn kiện, cuộc đấu tranh vì công lý cho các nạn nhan Việt Nam đã nhận được sự đồng cảm ngày càng lan rộng của hàng trăm tổ chức quốc tế và hàng nghìn bạn bè khắp thế giới. Tại Pháp, nhiều tổ chức, hội đoàn và cá nhân có các tích cực giúp đỡ Việt Nam khắc phục hậu quả của chất độc da cam và chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân trực tiếp của những đợt rải chất độc hóa học trong chiến tranh và con cháu của họ.

Tại hội thảo, các chuyên gia pháp lý đã đề cập đến những khó khăn của việc chứng minh và thuyết phục để có được sự công nhận ảnh hưởng của chất độc da cam qua nhiều thế hệ. Chính vì vậy, các đại biểu trong đó có những người trực tiếp chứng kiến nỗi đau của các nạn nhân ở Việt Nam, hy vọng rằng dự án nghiên cứu của AFAPE sẽ mang lại những kết quả quan trọng, làm rõ hơn nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi gien làm cho người bị phơi nhiễm chất độc da cam, sinh ra những đứa con bị dị dạng, bệnh tật.

Nhiều trí thức và người dân ở Pháp rất gắn bó với Việt Nam, dành sự hỗ trợ rất quý báu cho những người bị ảnh hưởng từ hậu quả chiến tranh ở Việt Nam. Bộ Y tế của Việt Nam đã công bố 17 bệnh có liên quan đến sự phơi nhiễm chất độc da cam. Hiện chưa rõ liệu có còn các bệnh khác không và cách chữa trị. Vì vậy việc thành lập AFAPA, một tổ chức phi chính phủ đầu tiên tiến hành nghiên cứu về ảnh hưởng của chất độc da cam, là một sáng kiến rất có ý nghĩa.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp đánh giá cao việc khởi xướng dự án nghiên cứu của AFAPE cũng như sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân Pháp. Theo Đại sứ Nguyễn Thiệp, dự án nghiên cứu của AFAPE cần có sự hưởng ứng và phối hợp tích cực của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế để sớm tìm ra cách chữa bệnh, đồng thời có thể ngăn chặn sự di truyền cho các thế hệ tương lai ở Việt Nam vì công lý và quyền được sống một cuộc sống bình thường cho các nạn nhân chất độc da cam.

Vì cuộc sống của các nạn nhân chất độc da cam

Dư luận ở Pháp và trên thế giới tiếp tục ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân Việt Nam, trong đó có vụ kiện của bà Trần Tố Nga, một nạn nhân của chất độc da cam hiện cư trú tại Pháp. Bà Nga bắt đầu hành trình đòi công lý từ năm 2014, kiện các công ty Mỹ sản xuất hóa chất. Bà đã bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh ở Việt Nam, có nhiều bệnh tật tàn phá sức khỏe và cả ba con người con đều bị ảnh hưởng. Vụ kiện chất độc da cam diễn ra ở Pháp trong suốt bốn năm qua, đã có 11 phiên tòa nhưng chỉ dừng lại ở những phiên tòa thủ tục.

Cuộc hội thảo diễn ra ở hai nơi khác nhau và đã thu hút sự quan tâm của nhiều người không làm công tác nghiên cứu. Họ đã ngồi cả buổi để xem những hình ảnh và thông tin về môi trường và nạn nhân do ảnh hưởng từ thảm họa chất độc da cam cùng những phân tích của các chuyên gia về rối loạn nội tiết của những nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Bi kịch về sức khỏe của những nạn nhân Việt Nam, phải sống và chịu đựng những nỗi đau không tả xiết cả về thể xác và tinh thần như trong bộ phim "Chất độc da cam: trái bom nổ chậm" đã làm họ vô cùng xúc động.

Là người nhận được nhiều chia sẻ về sức khỏe cũng như vụ kiện đang theo đuổi ở Pháp, bà Trần Tố Nga cho biết, vấn đề tranh tụng khó khăn nhất là những hiện tượng, những bệnh của bà có liên quan đến chất độc da cam hay không. Bà có đầy đủ cơ sở để chứng minh rằng mình là nạn nhân da cam, nhưng phía bên kia họ cũng tìm cách để bác bỏ. Họ muốn cãi gì thì cãi nhưng trong người bà mang các bệnh đặc trưng nhiễm chất độc da cam. Những ý kiến thảo luận tại hội thảo hôm nay, trong đó có ý kiến của Giáo sư Charles Sultan rất hữu ích cho vấn đề tranh tụng sắp tới. Đây là cuộc đấu tranh không chỉ đòi công lý cho bà mà cho cả hàng triệu nạn nhân khác bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam.

Chủ tịch VAVA - Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho rằng, việc tổ chức hội thảo cũng như dự án nghiên cứu của các nhà khoa học Pháp không chỉ nhằm giúp đỡ các nạn nhân Việt Nam, mà có thể tìm ra cách ngăn ngừa sự ảnh hưởng của chất độc da cam đối với con người. Việc nghiên cứu để tìm hiểu cơ chế tác động của chất độc da cam đối với quá trình hình thành các bệnh là một đòi hỏi lâu dài. VAVA sẽ hợp tác tích cực để các chuyên gia Pháp có thể tiến hành hoạt động nghiên cứu cùng các chuyên gia Việt Nam.

Các đại biểu tham dự hội thảo đưa ra thông điệp chung gửi tới các tổ chức khoa học - xã hội và nhân dân thế giới là cần đẩy mạnh nghiên cứu về các bệnh nguy hiểm, khó chữa có tính di truyền do chất độc da cam gây ra. Có như vậy mới giảm bớt nỗi đau về bệnh tật và tinh thần cho các nạn nhân, đồng thời hạn chế những hậu quả nặng nề cho thế hệ tương lai.

Đó cũng là mong muốn của Giáo sư Charles Sultan và các thành viên tham gia dự án nghiên cứu này. Ông nói, dự án sẽ cố gắng nghiên cứu và chứng minh những ảnh hưởng của chất độc da cam về lâm sàng, sinh học và xã hội. Hiện này, có hàng nghìn trẻ em ở Việt Nam đang gánh chịu hậu quả của chất độc da cam, vì vậy cần có nhiều sự giúp đỡ và tham gia của cộng đồng quốc tế. Ông mong rằng dự án này sẽ được thúc đẩy nhanh chóng vì thành công của dự án không những chỉ phục vụ trẻ em nạn nhân chất độc da cam Việt Nam mà còn cả trẻ em thế giới nói chung.


Những hình ảnh về nạn nhân chất độc da cam khiến nhiều người xúc động.


Bà Trần Tố Nga nói về những bệnh tật do phơi nhiễm chất độc da cam.


Chủ tịch VAVA Nguyễn Văn Rinh mong rằng nghiên cứu của AFAPE sớm tìm ra phương pháp chữa các bệnh do chất độc da cam gây ra.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top