Khởi động các dự án phát triển cây dược liệu ở Ðiện Biên

09:38 - Thứ Năm, 31/05/2018 Lượt xem: 9722 In bài viết
ĐBP - Ðiện Biên được đánh giá là một trong những tỉnh có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú, đa dạng so với các tỉnh khu vực Tây Bắc với hàng trăm loại thảo dược quý hiếm; kết hợp với tri thức y học cổ truyền để lại nhiều bài thuốc hay có giá trị. Ðây là nguồn tri thức bản địa quý giá cần được phát huy.


Chị Nguyễn Thị Nguyệt, đội 18, xã Noong Luống (huyện Ðiện Biên) thu hoạch cây dược liệu.

Hiện toàn tỉnh có 2 đơn vị, cơ sở nuôi trồng dược liệu đều thuộc các đề án, dự án về công tác bảo tồn và phát triển dược liệu tại địa phương: Ðề án Bảo tồn và Phát triển cây thuốc Việt Nam, giai đoạn đến năm 2025 tỉnh Ðiện Biên; Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phát triển sản xuất, chế biến cây thuốc đương quy và bạch chỉ tại tỉnh Ðiện Biên”. Theo Ðề án Bảo tồn và Phát triển cây thuốc Việt Nam, giai đoạn đến năm 2025 tỉnh Ðiện Biên, do Công ty Cổ phần Thương mại dược liệu Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) triển khai tại các huyện: Ðiện Biên, Tủa Chùa, Mường Ảng; từ năm 2014 đến nay đã xác định được 27 loài thuốc chính ở tỉnh. Năm 2013 - 2014, thu hoạch gần 600 tấn gừng; trồng sa nhân tím cho thu quả vụ đầu; trồng thảo quyết minh dự kiến cho thu hoạch vào tháng 11/2018; trồng một số cây thuốc bắc nhập nội như: Ðộc hoạt, đương quy, hồng hoa, xuyên khung ở xã Nà Tấu (huyện Ðiện Biên) và một số vùng thí điểm trên địa bàn tỉnh Lai Châu, Sơn La với diện tích trên 3ha; hiện tại hồng hoa đã cho thu hoạch năm thứ 2 với sản lượng bình quân 25kg/ha... Ngoài ra tỉnh đã vận động nhân dân trồng cây thảo quả thông qua hình thức xóa đói giảm nghèo tại xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) hiện diện tích cây thảo quả được nhân rộng khoảng 30ha đã cho thu hoạch...

Ðến thăm vườn cây dược liệu nhà chị Nguyễn Thị Nguyệt, đội 18, xã Noong Luống (huyện Ðiện Biên) - một trong những hộ tham gia trồng cây dược liệu từ Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phát triển sản xuất, chế biến cây thuốc đương quy và bạch chỉ tại tỉnh Ðiện Biên” của Công ty Cổ phần Thương mại Dược vật tư y tế Khải Hà. Chị Nguyệt cho biết: Năm 2016, tôi trồng thử nghiệm 600m2 cây đương quy và bạch chỉ; sau 1 năm, qua đánh giá sơ bộ nhận thấy cây đương quy hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương hơn cây bạch chỉ. Mùa vụ năm 2017, thu hoạch xong trừ chi phí gia đình thu về 18 triệu đồng; cũng trên diện tích ấy nếu trồng 2 vụ màu gia đình thu về tầm 15 - 17 triệu đồng (nếu không bị rớt giá) lại vất vả hơn trồng thảo dược; còn so với trồng lúa thì trồng cây dược liệu cho thu nhập cao hơn gấp 3 - 4 lần. Năm nay, gia đình tôi đã tăng diện tích trồng dược liệu lên 2.000m2; hiện tại cây đang phát triển tốt và đến tháng 9 có thể thu hoạch. Công ty đưa giá thu mua năm nay là 22.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước.

Xã Noong Luống hiện có khoảng 1ha trồng cây đương quy, tập trung ở đội 18, trồng xen kẽ với lúa và màu. Chị Nguyệt cho biết, còn nhiều người dân trong xã muốn trồng cây dược liệu nhưng do năm nay Công ty chỉ giới hạn trong 1ha nên nhiều người đăng ký nhưng không được trồng.

Mặc dù đã đạt được một số thành tích, song việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Cây dược liệu có khả năng khai thác tự nhiên còn rất ít; nhiều loài quý hiếm đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Cụ thể, trên địa bàn huyện Tuần Giáo, Mường Ảng có hàng chục điểm thu mua rễ cây hoa mua; huyện Tủa Chùa, Mường Chà… những cây lông cu li, cây máu chó, củ khúc khắc... bị khai thác kiệt. Một số cây dược liệu như: sa nhân, sơn tra, không được trồng theo quy trình, thiếu quy hoạch. Kỹ thuật trồng, chăm sóc chủ yếu theo kinh nghiệm; việc thu hái không tuân thủ theo mùa, vụ và tuổi của cây, làm ảnh hưởng đến chất lượng dược liệu; đồng nghĩa với việc ảnh hưởng đến chất lượng thuốc nam... Dẫn đến nguồn tài nguyên dược liệu có nguy cơ cạn kiệt do cách khai thác tận diệt, chưa đi đôi với việc tái tạo, bảo tồn... Do đó, việc triển khai các dự án bảo tồn và phát triển cây dược liệu không chỉ góp phần phục hồi một số nguồn gen cây cây dược liệu bản địa mà còn thúc đẩy tạo ra sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Ðồng thời mang lại giá trị kinh tế cho người dân.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top